Kinh tế đang phục hồi, EU tìm cách ứng phó khi ông Trump 'đánh tiếng' áp thuế

Việc các đối tác thương mại tiếp tục gia tăng những biện pháp bảo hộ có thể làm đảo lộn thương mại toàn cầu, gây sức ép lên nền kinh tế có độ mở cao của EU.

Kinh tế Eurozone rơi vào suy thoái kỹ thuật (Nguồn: Reuters)

Kinh tế Eurozone rơi vào suy thoái kỹ thuật (Nguồn: Reuters)

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 15/11 dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) sẽ tăng nhẹ từ 0,8% năm 2024 lên 1,3% năm 2025 và lạm phát sẽ tiếp tục giảm từ 2,4% xuống 2,1%.

Tuy nhiên, EC cũng chỉ ra những rủi ro phát sinh từ căng thẳng địa chính trị, cũng như đầu tư yếu và chi phí sinh hoạt cao. Đức, nền kinh tế lớn nhất trong khối, dự kiến sẽ vẫn trì trệ.

Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis nhận định, nền kinh tế Eurozone đang phục hồi ổn định, với tăng trưởng sẽ tăng tốc hơn trong năm tới. Tuy nhiên, còn những thách thức lâu dài về mặt cấu trúc cần phải giải quyết trong bối cảnh bất ổn địa chính trị hiện nay.

Theo cơ quan trên, cả nhu cầu tiêu dùng và đầu tư đều được kỳ vọng sẽ phục hồi. Khi sức mua được cải thiện và lãi suất giảm, tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng. Đầu tư dự kiến sẽ tăng nhờ bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp vững chắc, lợi nhuận khả quan hơn và điều kiện tín dụng thuận lợi hơn.

Trong khi đó, lạm phát ở Eurozone đã giảm đáng kể trong 2 năm qua, sau khi tăng lên tới 8,4% trong năm 2022 do xung đột Nga-Ukraine.

Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp của Liên minh châu Âu (EU) giảm xuống mức thấp kỷ lục 5,9% trong tháng 10/2024.

Mặc dù vậy, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni cảnh báo rằng vẫn tồn tại một số bất ổn lớn trước những thay đổi về địa chính trị và nhu cầu tiêu dùng giảm. Trong khi đó, triển vọng thương mại kém lạc quan, do nhu cầu toàn cầu đối với hàng công nghiệp yếu trong những năm tới.

Ông Gentiloni cũng cho biết, nền kinh tế Đức dự báo sẽ giảm 0,1% năm 2024, sau khi giảm 0,3% năm 2023. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất Eurozone dự kiến sẽ tăng trưởng 0,7% năm 2025 và 1,3% năm 2026.

EC nhận định, việc các đối tác thương mại tiếp tục gia tăng những biện pháp bảo hộ có thể làm đảo lộn thương mại toàn cầu, gây sức ép lên nền kinh tế có độ mở cao của EU.

Trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump "đánh tiếng" về khả năng sẽ áp thuế đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ EU và các khu vực khác trên thế giới để bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ, ông Gentiloni kêu gọi các quốc gia thành viên liên minh tăng cường “năng lực cạnh tranh thông qua đầu tư và cải cách cơ cấu”.

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-dang-phuc-hoi-eu-tim-cach-ung-pho-khi-ong-trump-danh-tieng-ap-thue-294020.html
Zalo