Nhiều đề xuất đánh thuế và giao dịch vàng trực tuyến

Chiều 18/6, tại Bộ Tài chính họp báo thường kỳ quý II/2024, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền để kiểm soát các giao dịch mua, bán vàng.

Bộ Tài chính họp báo thường kỳ quý II/2024 - Ảnh: VGP/HT

Bộ Tài chính họp báo thường kỳ quý II/2024 - Ảnh: VGP/HT

Ông Đặng Ngọc Minh cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt đối với hoạt động mua bán vàng. Hiện nay, thông thường người dân mang nhiều tiền mặt đến các cửa hàng đều có thể mua được vàng, tới đây Bộ Tài chính kiến nghị hoạt động mua bán vàng không dùng tiền mặt, cần thanh toán qua tài khoản

"Hoạt động kinh doanh vàng hay bất kỳ một hoạt động kinh doanh nào khác từ trước đến nay đều chịu sự quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có việc thực hiện thu thuế. Hiện nay, các cửa hàng kinh doanh vàng vẫn phải chịu thuế chứ không phải là không có", ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế nói.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, cơ quan thuế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh tra thị trường vàng. Hiện nay, cả nước có 38 doanh nghiệp (DN), tổ chức được cấp phép kinh doanh vàng SJC. Cơ quan thuế cử cán bộ tham gia thanh tra, khai thác số liệu nộp thuế, áp dụng hóa đơn điện tử của 16 đơn vị kinh doanh vàng SJC. Cả nước có 12.500 DN, cá nhân và hơn 5.500 hộ cá nhân mua bán, chế tác, gia công vàng bạc, đá quý. Hiện nay, đang trong quá trình thanh tra.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trao đổi tại họp báo - Ảnh: VGP/HT

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trao đổi tại họp báo - Ảnh: VGP/HT

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm soát xuất hóa đơn trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền để kiểm soát các giao dịch mua, bán vàng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết thêm: Bộ Tài chính đã tiếp thu và sẽ có đánh giá cụ thể trên tất cả các mặt. Việc đưa thêm một quy định về chính sách thuế cần được đánh giá chi tiết ở nhiều khía cạnh khác nhau.

"Chúng tôi sẽ nghiên cứu và có báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định và thực hiện nếu hợp lý", lãnh đạo Bộ Tài chính nói.

Trước đó, trong cuộc họp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với các chuyên gia kinh tế trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và sửa đổi Nghị định số 24/2012/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, PGS TS Nguyễn Thị Mùi cho rằng, NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những người mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng; giải pháp này có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, giúp kiểm soát giá vàng.

"Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế sẽ bảo đảm công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Hiện nay, các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản …. cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp", bà Nguyễn Thị Mùi nói.

Về đánh thuế giao dịch vàng cũng là đề xuất của chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích: Công cụ hữu hiệu nhất là thuế, nếu không khuyến khích thì thuế cao, còn không thì giảm xuống. Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế.

Trong thời gian vừa qua, giá vàng là chủ đề được quan tâm nhiều. Để triển khai theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có công văn về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.

Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các phòng chức năng, Chi cục Thuế tổ chức quán triệt, nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023, Công văn số 157/BCĐ389-VPTT của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Công văn số 03/BTC-BCĐ của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính.

Các cục thuế phải thực hiện rà soát toàn bộ các DN, các hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng. Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế để thực hiện kiểm tra hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định.

Đồng thời, lập đơn vị đầu mối phụ trách chuyên môn, thực hiện nghiên cứu, triển khai, theo dõi và quản lý các DN, hộ, cá nhân kinh doanh, chế tác vàng, bạc, trang sức, mỹ nghệ. Kịp thời phát hiện các DN, tổ chức, cá nhân kinh doanh có phát sinh mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý nhưng không kê khai thuế, có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế vưới giá vốn, doanh thu kê khai thuế giá trị gia tăng.

Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế chủ động xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh, đề xuất các phương án, giải pháp phối hợp với các sở ban ngành để tăng cường công tác quản lý đối với các DN, hộ, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý.

Thông tin từ NHNN cho biết, căn cứ phương án bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) và Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn ( SJC) đã được Thống đốc NHNN Việt Nam (NHNN) phê duyệt, giá bán vàng miếng trực tiếp ngày 18/6/2024 là 75.980.000 đồng/ lượng (Bảy mươi lăm triệu chín trăm tám mươi nghìn đồng/ lượng)

NHNN sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp.

Theo baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nhieu-de-xuat-danh-thue-va-giao-dich-vang-truc-tuyen-5012123.html
Zalo