Từ 1/7, đại lý thanh toán chỉ được giao dịch dưới 200 triệu đồng/ngày, tối đa 5 tỷ đồng/tháng

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 07/2024/TT-NHNN (Thông tư 07) quy định về hoạt động đại lý thanh toán. Thông tư có hiệu lực từ 1/7/2024.

Thông tư quy định cụ thể hoạt động đại lý thanh toán như: Hạn mức giao dịch, hoạt động của bên giao đại lý, bên đại lý, nguyên tắc thực hiện hoạt động đại lý thanh toán, hợp đồng đại lý thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên,…

Hoạt động đại lý thanh toán là việc bên giao đại lý thanh toán ủy quyền cho bên đại lý thanh toán để thực hiện một phần quy trình mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng và cung ứng dịch vụ thanh toán cho khách hàng.

Bên giao đại lý thanh toán bao gồm: ngân hàng thương mại, ngân hàng HTX, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư số 07/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định, từ 1/7, đại lý ngân hàng chỉ được giao dịch dưới 200 triệu đồng/ngày, tối đa 5 tỷ đồng/tháng.

Thông tư số 07/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định, từ 1/7, đại lý ngân hàng chỉ được giao dịch dưới 200 triệu đồng/ngày, tối đa 5 tỷ đồng/tháng.

Bên giao đại lý được giao cho bên đại lý thực hiện một số nghiệp vụ, gồm:

Nhận hồ sơ mở tài khoản thanh toán, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng để gửi cho bên giao đại lý và hướng dẫn khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán;

Nhận hồ sơ phát hành thẻ ngân hàng, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng để gửi cho bên giao đại lý và hướng dẫn khách hàng sử dụng thẻ ngân hàng;

Tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ thanh toán của khách hàng, lập, ký, kiểm soát, xử lý chứng từ giao dịch của khách hàng, chuyển thông tin giao dịch của khách hàng cho bên giao đại lý, nhận tiền mặt từ khách hàng hoặc trả tiền mặt cho khách hàng nhằm thực hiện các giao dịch.

Bên giao đại lý phải có các biện pháp quản lý số dư, hạn mức giao dịch của bên đại lý là tổ chức khác, gồm: Hạn mức giao dịch đối với khách hàng cá nhân, tối đa 20 triệu đồng/khách hàng/ngày.

Mỗi một điểm đại lý thanh toán chỉ được giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày và tối đa 5 tỷ đồng/tháng.

Việc thực hiện các hoạt động giao đại lý làm đại lý của ngân hàng thương mại, ngân hàng HTX, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô phải phù hợp với nội dung ghi trong giấy phép thành lập.

Quỹ tín dụng nhân dân được làm đại lý cho Ngân hàng Hợp tác xã đối với thành viên, khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân đó.

Tổ chức tài chính vi mô được làm đại lý cho ngân hàng đối với khách hàng của tổ chức tài chính vi mô đó.

Tổ chức khác là doanh nghiệp thành lập hợp pháp được làm đại lý theo thảo thuận với bên giao đại lý.

Ngân hàng thương mại, ngân hàng HTX, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính vi mô được làm đại lý cho nhiều bên giao đại lý. Tổ chức khác chỉ được làm đại lý cho 1 bên giao đại lý.

NHNN cho biết, việc ban hành Thông tư quy định về hoạt động đại lý thanh toán nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý (thực thi, hướng dẫn Luật Các TCTD năm 2024), phù hợp với Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển của hoạt động đại lý trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam trong thời gian tới, cũng như nắm bắt được xu hướng phát triển lĩnh vực thanh toán trên thế giới, sự phát triển mạnh mẽ, sâu rộng của công nghệ thông tin và viễn thông hiện nay.

Đồng thời, việc ban hành Thông tư cũng đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước đối với hoạt động giao đại lý thanh toán của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hướng đến mục tiêu phổ cập tài chính toàn diện, tạo điều kiện cho các dịch vụ thanh toán đến được với những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Từ 1.7, việc mua bán căn hộ chung cư bắt buộc phải ký hợp đồng theo mẫu

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tu-1-7-dai-ly-thanh-toan-chi-duoc-giao-dich-duoi-200-trieu-dong-ngay-toi-da-5-ty-dong-thang-172240627124953473.htm
Zalo