Nhiều dấu ấn trong quan hệ Việt Nam - châu Âu
Trong toàn cảnh bức tranh đa sắc của nền đối ngoại - ngoại giao Việt Nam, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và các nước, các đối tác châu Âu luôn là một mảng màu tươi sáng và ngày càng được định hình bền vững.

Năm 2024, kim ngạch thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu đạt 68 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2023. Ảnh minh họa: S.T
Quan hệ song phương duy trì đà phát triển, đạt nhiều thành tựu nổi bật
Nhìn lại kết quả hợp tác giữa Việt Nam và các nước châu Âu trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, các nước trong khu vực đánh giá cao tiềm năng và coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của mình.
Về phần mình, Việt Nam coi các nước châu Âu là những đối tác quan trọng, là thị trường lớn, nguồn đầu tư trực tiếp tiềm năng. Bên cạnh đó, các mối liên kết lịch sử, văn hóa giữa Việt Nam và các nước châu Âu cũng là yếu tố tạo điều kiện phát triển quan hệ hai bên.
Với sự tin cậy và nỗ lực từ cả hai phía, quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Âu vẫn giữ được đà phát triển trong năm 2024. Hai bên đã chủ động, tích cực triển khai hàng loạt hoạt động đối ngoại ở nhiều cấp độ, qua nhiều hình thức và trên nhiều lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu, kết quả nổi bật.
Cụ thể, về chính trị - ngoại giao, quan hệ hữu nghị và hợp tác của Việt Nam với bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng trong khu vực tiếp tục được củng cố với sự tin cậy chính trị ngày càng cao.
Trong năm 2024, hai bên đã trao đổi 30 đoàn cấp cao, tăng 1,5 lần so với năm 2023. Việt Nam và các nước châu Âu đã ký kết 42 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực, cụ thể hóa các khuôn khổ quan hệ được nâng cấp, hiện thực hóa các cam kết song phương và quốc tế.
Thông qua các hoạt động trao đổi đoàn sôi động, Việt Nam và các nước châu Âu tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác đã được thiết lập như đối thoại chiến lược, ủy ban hỗn hợp, tham vấn chính trị định kỳ, các cấp, nhóm công tác hỗn hợp với 09 nước và đối tác gồm Nga, Đan Mạch, Slovenia, Croatia, Tây Ban Nha, Ba Lan, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Vatican.
Tại các diễn đàn đa phương, hai bên duy trì sự phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy văn hóa đối thoại và hợp tác, “gia tăng điểm đồng, thu hẹp khác biệt”. Trong trao đổi tại các chuyến thăm và các cơ chế hợp tác, lãnh đạo các nước châu Âu thể hiện sự coi trọng đối với vai trò, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, mong muốn cùng Việt Nam củng cố, vun đắp quan hệ, thiết lập khuôn khổ đối tác phù hợp với tình hình mới.
Hợp tác kinh tế - thương mại tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Âu. Theo đó, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU năm 2024 đạt 68 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2023. EU đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4; đối tác đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam với tổng vốn đầu tư lũy kế đạt trên 30 tỷ USD; tiếp tục là nhà tài trợ ODA hàng đầu của Việt Nam.
Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), với Anh (UKVFTA) và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU-VFTA). Đồng thời, tiếp tục đàm phán hiệp định thương mại tự do với Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA); vận động các nước thành viên EU phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA); thúc đẩy ký kết, triển khai hiệu quả các dự án sử dụng ODA, tín dụng ưu đãi của các nước, đối tác như EU, Pháp, Italia, Hà Lan, Ba Lan..., qua đó tạo nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được thị trường các nước châu Âu ưa chuộng. Ảnh minh họa. S.T
Bên cạnh các lĩnh vực truyền thống, Việt Nam và các nước châu Âu cũng tích cực tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và ưu tiên phát triển của Việt Nam như: đổi mới sáng tạo, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tài chính xanh, năng lượng tái tạo, lao động, đào tạo nhân lực ngành bán dẫn...
Đặc biệt, trong năm 2024, Việt Nam cũng đã nối lại đường bay thẳng với Nga và mở thêm đường bay thẳng tới Đức, Kazakhstan. Nhờ đó, lượng du khách châu Âu đến Việt Nam trong năm 2024 tăng 17,9% so với năm trước, đạt gần 392.000 lượt.
“Đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến ngày càng hấp dẫn với các đối tác, nhà đầu tư và du khách Châu Âu” - Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Thúc đẩy mở ra những “trang mới” trong hành trình hợp tác cùng phát triển
Năm 2025, đất nước sẵn sàng khí thế bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết, ngành đối ngoại - ngoại giao Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới tư duy và hành động, đóng vai trò kiến tạo, tạo động lực mở ra các cơ hội mới cho đất nước phát triển. Các hoạt động đối ngoại - ngoại giao sẽ tiếp tục diễn ra sôi động, trong đó có các hoạt động đối ngoại với các nước, các đối tác châu Âu.
Năm 2025 là năm Việt Nam kỷ niệm năm tròn, năm lẻ năm thiết lập quan hệ với nhiều nước khu vực châu Âu, nổi bật là 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Nga và các nước Trung Đông Âu bao gồm Ba Lan, Bungari, Hungari, Rumani, Séc, Slovakia, Anbani; 50 năm quan hệ ngoại giao với Đức, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Síp; 35 năm quan hệ ngoại giao với EU.
Với nền tảng quan hệ hữu nghị, truyền thống đang không ngừng được củng cố, cùng dư địa hợp tác rộng mở, sẵn sàng được khai phá, lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết, trong năm 2025, Việt Nam xác định 4 trọng tâm hợp tác với các nước, các đối tác khu vực châu Âu, nhằm tạo đột phá trong quan hệ song phương, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Một là, tiếp tục duy trì môi trường chiến lược hòa bình, hữu nghị, hợp tác thuận lợi cho phát triển thông qua tăng cường hợp tác với các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống ở châu Âu, trong đó đặt trọng tâm vào đẩy mạnh, nâng tầm các khuôn khổ quan hệ, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, tạo động lực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác. Ngay đầu năm 2025, nhân chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (tháng 01/2025), Việt Nam đã thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược với Séc và nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện với Thụy Sỹ.
Hai là, đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao phục vụ phát triển trên tinh thần phục vụ doanh nghiệp, người dân và địa phương một cách hiệu quả, sâu sắc, thực chất hơn.
Theo đó, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các Bộ, ngành thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà châu Âu có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, đào tạo nhân lực bán dẫn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, hợp tác lao động, du lịch... theo hướng chuyên sâu, chuyên đề, chuyên đối tác.
Ba là, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững.
Bốn là, phát huy tối đa tiềm năng, sức mạnh của cộng đồng hơn 1 triệu người Việt Nam ở châu Âu trong tổng thể 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, huy động sức mạnh của kiều bào tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước. Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật trong nước, tạo điều kiện để tầng lớp trí thức, doanh nhân Việt Nam ở châu Âu dễ dàng về nước sinh sống, giảng dạy, đầu tư, kinh doanh, nhờ đó tăng cường gắn kết với quê hương; đồng thời, khuyến khích bà con hội nhập, đóng vai trò “cầu nối” trong quan hệ hữu nghị, là “sứ giả” của nhân dân Việt Nam.
“Cùng với các quốc gia châu Âu, Việt Nam sẽ nắm bắt mọi cơ hội để mở ra những trang mới trong hành trình hợp tác cùng phát triển với các nước châu Âu, góp phần hiện thực hóa khát vọng vươn mình của đất nước trong kỷ nguyên mới, đóng góp vào hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới” - Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh./.