Nhiều đại biểu trẻ em lo lắng bạo lực học đường dẫn tới hậu quả tâm lý nghiêm trọng

Nhiều đại biểu trẻ em cảnh báo về tình trạng thiếu kiến thức và hiểu biết đúng đắn về các vấn đề xã hội đã dẫn đến những hành vi bạo lực học đường, gây tổn thương cho nhiều học sinh, đặc biệt là các em thuộc nhóm dân tộc thiểu số, các em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật.

Trong khuôn khổ Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, chiều 28/9, tổ thảo luận số 10 gồm 25 thành viên là các đại biểu thiếu nhi đến từ 5 tỉnh, thành phố khác nhau đã cùng nhau thảo luận về chủ đề "Phòng, chống bạo lực học đường". Thông qua việc nêu quan điểm về chủ đề này, tiếng nói của các đại biểu trẻ em sẽ góp phần thúc đẩy công tác phòng chống bạo lực học đường trong xã hội hiện nay.

Mạng xã hội gây ra tư tưởng sai lệch cho học sinh

Bạo lực học đường là vấn đề nhức nhối, thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Những vụ việc ngày càng gia tăng tại các trường học với mức độ nghiêm trọng. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2022 - 2023 có đến 1250 vụ việc với hơn 3473 học sinh vi phạm, chưa kể những vụ việc chưa được thống kê trên thực tế. Đặc biệt, những vụ việc ngày càng trẻ hóa về độ tuổi và xảy ra với cả trẻ em khuyết tật, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Em Nguyễn Trường Phúc - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Bình Thuận cho rằng, việc thiếu kiến thức và hiểu biết đúng đắn về các vấn đề xã hội, tâm lý khiến học sinh dễ hình thành những định kiến sai lệch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ trong trường học.

Em Nguyễn Trường Phúc - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Bình Thuận phát biểu (Ảnh: Hương Giang).

Em Nguyễn Trường Phúc - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Bình Thuận phát biểu (Ảnh: Hương Giang).

Ảnh hưởng phim ảnh, các nội dung lan truyền trên Internet, nội dung cổ súy, độc hại khi chưa tìm hiểu kỹ có thể gây ảnh hưởng tới nhận thức sai lệch của học sinh. Do vậy, để giải quyết thực trạng này, bản thân cha mẹ, gia đình phải có nhận thức đúng đắn, cởi mở về đối tượng trẻ em đặc biệt.

Ngoài ra, trường học cần tổ chức các chuyên đề, tập huấn về cách phòng chống, nhận thức đúng về các nhóm học sinh để không xảy ra định kiến cá nhân, định kiến sai lệch trong môi trường học đường.

Em Võ Hoàng Bảo Ngọc - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Bình Thuận đã chỉ ra rằng, sự kỳ thị sự khác biệt ngôn ngữ là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng bất hòa trong trường học. Để giải quyết vấn đề này, em đề xuất nhà trường nên tổ chức nhiều hoạt động tập thể, giúp các bạn học sinh hiểu rõ hơn về sự đa dạng văn hóa và cùng nhau vượt qua những khác biệt.

Bên cạnh đó, việc giáo dục học sinh về khó khăn của các bạn dân tộc thiểu số sẽ góp phần tạo ra một môi trường học tập đoàn kết, chia sẻ. Quốc hội cũng cần tiếp tục có thêm những chính sách cụ thể để hỗ trợ các vùng đồng bào dân tộc, giúp các bạn có cơ hội phát triển ngang bằng với các bạn khác.

Em Võ Hoàng Bảo Ngọc - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Bình Thuận (Ảnh: Hương Giang).

Em Võ Hoàng Bảo Ngọc - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Bình Thuận (Ảnh: Hương Giang).

Theo em Nguyễn Dương Khánh Hà - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Hải Dương, học sinh dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật thường là những đối tượng dễ bị bắt nạt và kỳ thị nhất. Ngoài việc bị đánh, các bạn học sinh còn bị bắt nạt bằng lời nói, thường xuyên bị chế giễu và xúc phạm về những điểm khác biệt của mình. Điều này để lại những tổn thương sâu sắc về tâm lý cho các nạn nhân.

Em Nguyễn Dương Khánh Hà - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Hải Dương (Ảnh: Hương Giang).

Em Nguyễn Dương Khánh Hà - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Hải Dương (Ảnh: Hương Giang).

Để giải quyết vấn đề này, Khánh Hà đề xuất nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng xử lý các tình huống liên quan đến bạo lực học đường.

Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa và rèn luyện thể chất sẽ giúp học sinh gắn kết với nhau hơn, từ đó giảm thiểu tình trạng bắt nạt. Gia đình cũng cần dành thời gian quan tâm, chia sẻ và động viên con cái, giúp các em hình thành tính cách tốt đẹp, sẻ chia và đồng cảm với những bạn khó khăn.

Hậu quả tổn thương tâm lý nghiêm trọng từ bạo lực học đường

Ngoài vấn đề bạo lực diễn ra tại trường học, bạo lực mạng cũng đang trở thành một vấn đề đáng báo động. Việc sử dụng mạng xã hội để công kích, đe dọa, thậm chí là quay video đăng tải hình ảnh người khác đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khiến một số học sinh bị tổn thương về tâm lý, dẫn đến trầm cảm và muốn bỏ học.

Em Võ Hoàng Bảo Ngọc - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Bình Thuận cho biết, thực trạng bạo lực học đường đang diễn ra khá phổ biến ở địa phương em sinh sống. Công nghệ 4.0, vốn được cho là công cụ hỗ trợ học tập, lại đang bị lợi dụng để thực hiện hành vi bạo lực học đường. Bên cạnh việc đăng tải hình ảnh, video làm nhục người khác, các hình thức bạo lực mạng khác còn bao gồm: tung tin đồn thất thiệt, lập các trang/nhóm nói xấu, kích động bạo lực, gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Theo em Nguyễn Ngọc Trúc Ly - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Hải Dương, việc tiếp xúc sớm với các nội dung bạo lực trên mạng, qua phim ảnh, trò chơi đã ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi của học sinh và góp phần làm tăng thêm tình trạng bạo lực học đường. Những hình ảnh bạo lực có thể khiến các em bắt chước và vô tình vì hành động thiếu hiểu biết của mình đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Em Nguyễn Ngọc Trúc Ly - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Hải Dương (Ảnh: Hương Giang).

Em Nguyễn Ngọc Trúc Ly - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Hải Dương (Ảnh: Hương Giang).

Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, chúng ta cần tăng cường công tác giáo dục và truyền thông. Cụ thể, cần tổ chức các chương trình giáo dục về phòng chống bạo lực học đường ngay từ trong nhà trường, đồng thời tận dụng các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận học sinh một cách hiệu quả hơn. Việc mời các chuyên gia đến chia sẻ kinh nghiệm và tổ chức các diễn đàn sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng cũng là vô cùng quan trọng. Gia đình cần quan tâm, lắng nghe và tạo không gian để trẻ chia sẻ những khó khăn. Nhà trường cần tăng cường giám sát, đồng thời tạo ra một môi trường học tập an toàn, thân thiện, nơi mà học sinh cảm thấy thoải mái khi chia sẻ những vấn đề của mình.

Em Hồ Ngọc Lan Anh - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh An Giang nhận thấy rằng sự phát triển của mạng xã hội đã tác động không nhỏ đến tình hình bạo lực học đường. Vì vậy, em đề xuất nhà trường cần tăng cường hợp tác với gia đình.

Cụ thể, nhà trường nên thường xuyên trao đổi với phụ huynh về tình hình của con em, thành lập các ban đại diện phụ huynh để tạo điều kiện cho phụ huynh tham gia vào công tác quản lý lớp học, đồng thời tổ chức các buổi tập huấn để trang bị cho phụ huynh những kiến thức cần thiết về phòng chống bạo lực học đường.

Em Hồ Ngọc Lan Anh - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh An Giang (Ảnh: Hương Giang).

Em Hồ Ngọc Lan Anh - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh An Giang (Ảnh: Hương Giang).

Cần tăng cường giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường trong trường học

Em Trần Lê Na - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Quảng Nam kiến nghị, Bộ GĐ&ĐT cần tăng hơn nữa các tiết học giáo dục về phòng chống bạo lực học đường cho các trường học. Bộ và các cơ quan, tổ chức liên quan nên xây dựng các cuốn cẩm nang phòng, chống đem về thư viện của các đơn vị trường học, từ đó giúp học sinh có thể tìm hiểu thêm cách phòng tránh và bảo vệ bản thân khỏi bạo lực học đường.

Em Trần Lê Na - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Hương Giang).

Em Trần Lê Na - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Hương Giang).

Em Đặng Lê Gia Nhi - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Quảng Nam cho rằng, nhà trường cần thành lập phòng tư vấn tâm lý giúp “chữa lành những vết sẹo” của học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường, giúp các bạn học sinh vượt qua khủng hoảng, lấy lại sự tự tin, niềm vui trong cuộc sống.

Gia Nhi đề xuất tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường về việc tổ chức các phong trào về tình bạn như cuộc thi viết về tình bạn đẹp, cung cấp số điện thoại đường dây nóng 111 ở mọi nơi, xây dựng Hộp thư điều em muốn nói hoặc số điện thoại ẩn danh giúp các bạn học sinh có thể báo cáo hành vi bạo lực học đường (Ảnh: Hương Giang).

Gia Nhi đề xuất tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường về việc tổ chức các phong trào về tình bạn như cuộc thi viết về tình bạn đẹp, cung cấp số điện thoại đường dây nóng 111 ở mọi nơi, xây dựng Hộp thư điều em muốn nói hoặc số điện thoại ẩn danh giúp các bạn học sinh có thể báo cáo hành vi bạo lực học đường (Ảnh: Hương Giang).

Tuy nhiên, em Nguyễn Trường Phúc - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Bình Thuận cho rằng, có một số cơ sở trường học ở địa phương em tạo ra "Hộp điều em muốn nói" nhưng rất ít học sinh thể hiện tâm tư vì ít không hứng thú ghi giấy và việc bảo mật các hộp rất lỏng lẻo nên tạo cảm giác không an tâm để bày tỏ.

Trường Phúc kiến nghị, nhà trường mở rộng việc đóng góp kiến trên không gian số, tạo ra phần mềm riêng để học sinh có thể trao đổi trên không gian mạng. Tuy nhiên cần đảm bảo hiệu quả và có không gian riêng tư vì quyền riêng tư cần được đảm bảo như trong nhiều văn bản pháp luật.

Các đại biểu nhí tại tổ thảo luận số 10 đã có cuộc thảo luận hiệu quả và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực đóng góp cho Phiên họp Quốc hội trẻ em diễn ra vào ngày 29/9 (Ảnh: Hương Giang).

Các đại biểu nhí tại tổ thảo luận số 10 đã có cuộc thảo luận hiệu quả và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực đóng góp cho Phiên họp Quốc hội trẻ em diễn ra vào ngày 29/9 (Ảnh: Hương Giang).

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/nhieu-dai-bieu-tre-em-lo-lang-bao-luc-hoc-duong-dan-toi-hau-qua-tam-ly-nghiem-trong-d5307.html
Zalo