Cô giáo mắc bệnh lạ vượt qua nghịch cảnh
Mắc phải căn bệnh lạ có nhiều triệu chứng tổn thương da từ năm 18 tuổi, suốt 20 năm qua, cô Nguyễn Phương Anh (38 tuổi, giáo viên Trường Mầm non Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, tp Hà Nội) đã sống và làm việc với khuôn mặt bị biến dạng hoàn toàn, không những thế, nhiều năm liền cô còn trở thành giáo viên dạy tốt, được nhà trường và phụ huynh tin tưởng, gửi gắm.
Vốn sinh ra với sức khỏe tốt, có ngoại hình xinh xắn và tính cách năng nổ, tự tin, ở tuổi 18, cô gái trẻ Nguyễn Phương Anh nuôi ước mơ trở thành một nghệ sĩ hài, được đứng trên sân khấu lớn và trở thành đồng nghiệp của các nghệ sĩ tên tuổi.
Thế nhưng, biến cố ập đến, những ước mơ về cánh cổng đại học hay hi vọng nghề nghiệp của cô gái đang ở độ tuổi đẹp nhất gần như đóng lại khi cô phát hiện mình mắc phải căn bệnh quái ác mang tên “xơ cứng bì toàn thể”. Một căn bệnh hiếm gặp trên thế giới, chưa thể lý giải nguyên nhân và không có phương pháp điều trị.
Ngày soi mình trong gương sau chuỗi ngày chịu đau đớn ở bệnh viện, chị không tin nổi vào mắt mình vì với những biểu hiện ban đầu, chị chỉ nghĩ mình bị bệnh da liễu nhưng sự thật căn bệnh này lại khiến cả khuôn mặt và cuộc đời chị thay đổi hoàn toàn. Từ một cô gái có làn da trắng, khuôn mặt hiền lành, khả ái, sau khi mắc bệnh, cơ hàm của chị Phương Anh bị co kéo căng cứng, răng nhô ra trước, mắt mũi cũng bị co lại, chân tay hoại tử, máu không thể lưu thông khiến làn da trở nên đen sạm.
Nói về căn bệnh lạ mà mình mắc phải, chị Phương Anh tâm sự: “Mình đã sống với căn bệnh này suốt 20 năm qua, ngày còn khỏe mạnh cân nặng là 42 kg, bây giờ mình chỉ nặng khoảng 28 kg, mỗi năm cân nặng lại giảm sút. Ban đầu mình đi khám bệnh ở phòng khám ngoài, bác sĩ nói mình mắc bệnh da liễu, chỉ đến khi ngoại hình bắt đầu biến đổi, mình đến Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra thì các bác sĩ phát hiện mình mắc bệnh xơ cứng bì toàn thể, căn bệnh mà cả thế giới vẫn chưa biết nguyên nhân với những biểu hiện lạ. Khi đó mình đã rất sốc”.
Mắc phải bệnh lạ khi chỉ còn vài tháng nữa là bước vào kỳ thi THPT, sức khỏe suy yếu trở thành rào cản khiến chị Phương Anh gặp nhiều khó khăn trong việc học tập và thi cử. Thậm chí, với ước mơ trở thành nghệ sĩ hài, chị Phương Anh từng tham gia một số cuộc thi về diễn xuất và đoạt giải nhưng vì sức khỏe ngày càng đi xuống, khó theo đuổi nghiệp diễn xuất nên bố mẹ khuyên chị chọn công việc nhẹ nhàng hơn để làm.
“Mình nghĩ để làm nghệ thuật trước tiên phải có một sức khỏe ổn định và bền bỉ, thế nhưng điều kiện lúc đó của mình không cho phép theo đuổi ước mơ. Mình đã rất suy sụp, sau đó đã nghĩ mình vẫn có thể múa, cũng có thể hát, mình nghĩ ngay đến việc trở thành cô giáo mầm non. Mỗi ngày mình có thể đến trường, dạy các con múa hát, ê a đọc chữ rồi tập vẽ... Cho đến khi vào nghề, mình thấy yêu thích và phù hợp với sự nghiệp “chăm búp trên cành” và rất hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình”.
Sau khi tốt nghiệp đại học, chị Phương Anh thi công chức và nằm trong top 25/110 thí sinh có kết quả thi tốt, chị được phân về Trường Mầm non Vĩnh Tuy và trở thành giáo viên trẻ nhất tại trường thời điểm đó. Dù có hoàn cảnh khá đặc biệt nhưng chị vẫn cố gắng vượt qua và được nhà trường chấp nhận như các giáo viên khác, từ năm 2006 cho đến nay.
Vượt qua những đau đớn về bệnh tật, tự ti về ngoại hình, chị Phương Anh tiếp tục đối mặt với ánh mắt thăm dò và thiếu tin tưởng từ phụ huynh học sinh. Những ngày đầu tiếp nhận học sinh, không ít phụ huynh tỏ ra ái ngại khi gửi con cho chị chăm sóc. Thế nhưng, bằng tinh thần lạc quan, yêu trẻ, yêu nghề mà giờ đây chị lại được nhiều phụ huynh tin tưởng, học sinh yêu mến.
Dù liên tục chịu đau đớn từ bệnh tật nhưng chị luôn biết ơn vì còn được sống và làm việc. Chưa bao giờ chị Phương Anh lấy lý do không được khỏe để làm ảnh hưởng đến công việc và các phong trào đoàn thể ở trường. Cũng vì vậy, cô giáo Phương Anh luôn nhận được sự tin yêu, hỗ trợ, giúp đỡ hết sức nhiệt tình từ bạn bè, đồng nghiệp ở trường mầm non Vĩnh Tuy.
“Điều mình luôn cảm thấy tự hào và hạnh phúc là có một “gia đình” luôn bao bọc, động viên vượt qua bệnh tật. Có những người bạn, đồng nghiệp luôn ở bên cạnh giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất để mình được làm công việc yêu thích”, cô giáo Phương Anh chia sẻ thêm.
Nói về cô giáo có hoàn cảnh đặc biệt này, chị Lương Thị Mai, Chủ tịch Công đoàn Trường Mầm non Vĩnh Tuy chia sẻ: "Cô Phương Anh là người rất hòa đồng, vui vẻ, gắn bó với chị em trong trường, luôn chăm sóc các bé chu đáo. Biết cô mắc bệnh nên nhà trường luôn hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để cô dạy dỗ các cháu. Không chỉ các giáo viên và học sinh mà các phụ huynh cũng đều yêu thương và tin tưởng cô”.
Là đồng nghiệp lâu năm trong trường và là chị em tốt trong cuộc sống của chị Phương Anh, cô giáo Dương Thanh Nga luôn coi chị Phương Anh là tấm gương, hình mẫu để học tập về nghị lực sống.
“Cô Phương Anh là một giáo viên rất có nghị lực ở trường, dù bệnh tật nhưng cô luôn là người lạc quan, có trách nhiệm trong công việc. Khi tôi về trường công tác, cô Phương Anh đã làm việc ở đây rồi, ngoài hỗ trợ nhau công việc chuyên môn, ở trường tôi và cô Phương Anh còn là chị em chơi rất thân với nhau, chúng tôi thường xuyên chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống và cùng nhau vượt qua nó”.
Suốt 17 năm đứng lớp, dạy trẻ và yêu trẻ, cô giáo Phương Anh được nhà trường nhận xét là có nguồn năng lượng đặc biệt khiến phụ huynh an lòng.
Cô là giáo viên đạt danh hiệu “Chiến sĩ Thi đua cơ sở” năm học 2009-2010; đạt giải Ba cấp quận và giải Khuyến khích cấp thành phố trong cuộc thi Kỹ năng Công nghệ thông tin của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm 2018; được trao tặng danh hiệu Lao động Tiên tiến của quận Hai Bà Trưng năm học 2022-2023 và năm nào cũng đạt Giáo viên giỏi cấp trường.
Dù liên tục phải điều trị trong nhiều năm, đến thời điểm hiện tại, chị Phương Anh vẫn chưa thể dừng điều trị vì căn bệnh vẫn không ngừng phát tác. Suốt 20 năm qua, những tổn thương về ngoại hình đã khiến chị không dám có một tình yêu cho riêng mình.
Sau trường học thì bệnh viện là nơi chị lui tới thường xuyên nhất, chị cũng không dám có một mối quan hệ sâu sắc với ai vì sợ cuộc đời bệnh tật của mình sẽ làm ảnh hưởng đến người khác. Thế nhưng, chị không cho đó là điều bất hạnh vì chị luôn hài lòng và chấp nhận sống cùng bệnh tật.
Chị lạc quan chia sẻ, “mình từng đau đớn tự đặt câu hỏi rằng tại sao căn bệnh oái oăm này lại chọn mình? Sau đó mình nghĩ, nếu bệnh tật đã chọn mình thì mình cứ chấp nhận và sống chung với nó. Thật ra, đến giờ mình vẫn tự ti chứ chưa hoàn toàn vượt qua được nhưng mỗi ngày mình tự đấu tranh với bản thân là sẽ phải cố gắng, cứ vui vẻ, cứ tiến lên phía trước thì mọi thứ sẽ qua thôi”.
Điều chị mong ước lớn nhất ở thời điểm hiện tại là có thật nhiều sức khỏe để đấu tranh với bệnh tật, để tiếp tục sống, tiếp tục đi dạy, truyền cảm hứng tích cực cho những người có hoàn cảnh tương tự tiếp tục tin vào chính mình vì dù có đau đớn, khổ sở như thế nào đi nữa, chỉ cần còn sống thì cuộc đời vẫn tươi đẹp và không có khó khăn nào mà con người không thể vượt qua.
“Hi vọng câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng và năng lượng tích cực đến những người có hoàn cảnh hay bệnh tình giống như mình. Chúng ta hãy bỏ qua những cái tiêu chuẩn ở trước mắt đi và nghĩ đến những điều tích cực, đam mê và thực hiện những điều mà mình yêu thích. Vì cuộc sống dù có cay nghiệt như thế nào đi nữa thì vẫn luôn đáng sống”.