Nhiều cơ hội hấp dẫn cho dòng vốn tư nhân ở Việt Nam
Với vị thế dẫn đầu trong cuộc cách mạng số và trí tuệ nhân tạo tại châu Á, Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ để trở thành một điểm đến chiến lược của các dòng vốn đầu tư công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, mở ra nhiều cơ hội đa dạng cho vốn tư nhân kiến tạo giá trị gia tăng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Đức Minh
Sáng 22/4, Diễn đàn Đầu tư đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025 (VIPC Summit 2025) được Bộ Tài chính chủ trì giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tổ chức Phát triển vốn đầu tư tư nhân, Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures và Do Ventures tổ chức đã diễn ra Trung tâm Hội nghị quốc gia.
Việt Nam đang dẫn đầu cuộc cách mạng số và trí tuệ nhân tạo tại châu Á
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm cho hay, đây là sự kiện thường niên được tổ chức lần đầu từ năm 2019 đến nay.
Kế thừa kết quả tích cực từ các kỳ diễn đàn trước, Diễn đàn năm nay nhằm thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư tư nhân, tổ chức tài chính quốc tế, tạo không gian trao đổi về xu hướng đầu tư công nghệ, đồng thời phân tích cơ hội và thách thức của thị trường vốn tư nhân tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, Diễn đàn là một trong những địa chỉ tin cậy thể hiện rõ cam kết của Chính phủ và Bộ Tài chính trong việc khơi thông dòng vốn cho đổi mới sáng tạo.
Theo ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, việc thu hút nguồn lực đầu tư, đặc biệt là vốn tư nhân, chính là đòn bẩy quyết định để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên đổi mới sáng tạo. Theo đó, VIPC Summit 2025 sẽ là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy dòng vốn tư nhân chảy mạnh vào các lĩnh vực công nghệ chiến lược, góp phần kiến tạo một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động, hiệu quả và bền vững.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, một trong những sự kiện được quan tâm là việc công bố Báo cáo “Đầu tư Đổi mới sáng tạo và đầu tư vốn tư nhân Việt Nam 2025”, do Tổ chức Phát triển đầu tư vốn tư nhân Việt Nam (VPCA), NIC và Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) đồng thực hiện.
Theo báo cáo, Việt Nam đang dẫn đầu cuộc cách mạng số và trí tuệ nhân tạo tại châu Á. Nền kinh tế số của Việt Nam đã đạt 36 tỷ USD và dự kiến duy trì mức tăng trưởng hai con số. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, theo tinh thần Nghị quyết 57, dòng vốn đầu tư tư nhân, cùng nguồn nhân lực dồi dào, Việt Nam đang trên đà trở thành nền kinh tế số lớn thứ hai ở Đông Nam Á, đóng góp 30% GDP trong tương lai gần.
“Việt Nam đã chuyển mình từ một thị trường tiềm năng thành một quốc gia sẵn sàng bứt phá” - bà Vy Le, Chủ tịch VPCA kiêm Giám đốc Điều hành Do Ventures nhận định. Theo bà Vy Le: "Đây là thập kỷ định hình tương lai của Việt Nam. Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, Việt Nam nổi lên như một điểm đến cho tăng trưởng bền vững, đổi mới sáng tạo từ gốc và chính sách tiên phong. Dòng vốn đã sẵn sàng. Thời điểm là bây giờ”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm, kết quả của Diễn đàn sẽ là cơ sở để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền về định hướng, quan điểm phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo trong thời gian tới, góp phần hướng tới mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Ông Ben Sheridan, Giám đốc Toàn cầu khối Đầu tư tài chính tại BCG cho rằng, nhà đầu tư nào hiểu rõ đặc thù kinh tế vĩ mô của Việt Nam và có tầm nhìn dài hạn sẽ có cơ hội định hình làn sóng tăng trưởng tiếp theo của Đông Nam Á. “Chúng ta đang bước vào giai đoạn hoàng kim của vốn tư nhân tại Việt Nam” - ông Ben Sheridan đánh giá.
Theo các diễn giả, Việt Nam mở ra nhiều cơ hội đa dạng để vốn tư nhân kiến tạo giá trị gia tăng. Các hướng đi đa dạng cho vốn tư nhân bao gồm: hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu trong nước để mở rộng ra khu vực, đầu tư cho làn sóng doanh nghiệp mới, hợp nhất/hiện đại hóa các ngành công nghiệp truyền thống, phát triển các lĩnh vực chưa được khai thác hết tiềm năng, đầu tư vào hạ tầng/PPP,... Các yếu tố thành công chính bao gồm tận dụng quan hệ đối tác địa phương, đầu tư vào nguồn nhân lực, xây dựng hệ sinh thái và chuyển đổi số.
Nắm bắt cơ hội “càng nhanh, càng tốt”
Tham dự và phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhận định, đây là một hoạt động có ý nghĩa nhằm kết nối, khơi thông nguồn vốn đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo đúng tinh thần Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.
Trong dòng chảy sôi động của đổi mới sáng tạo toàn cầu, Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ để trở thành một điểm đến chiến lược của các dòng vốn đầu tư công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
Từ những tiềm năng và cơ hội của thị trường Việt Nam, những kết quả đã công bố tại Báo cáo Đổi mới sáng tạo và Đầu tư tư nhân 2025, những cam kết mạnh mẽ của các quỹ đầu tư, doanh nghiệp công nghệ và đối tác quốc tế qua việc ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng cho rằng cần hành động nhanh chóng và quyết liệt để biến những cam kết, biên bản ghi nhớ thành quyết định đầu tư, hợp đồng hợp tác; biến những tiềm năng, lợi thế thành hiệu quả kinh tế.
“Thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng, chúng ta không có nhiều thời gian để chờ đợi và do dự. Nếu quý vị đã tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh, tiềm năng lợi thế và sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam, thì hãy sớm đi đến quyết định đầu tư và rót vốn đầu tư vào Việt Nam để tận dụng “càng nhanh càng tốt”, “càng nhiều càng tốt các cơ hội” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tiếp tục có các khuyến nghị, đề xuất về thể chế, chính sách tạo điều kiện cởi mở, thuận lợi cho các quỹ đầu tư tư nhân hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là các quỹ có danh mục đầu tư ưu tiên cho các ngành công nghệ mới nổi, công nghệ cao, công nghệ chiến lược.
Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm khuyến khích sáng tạo, thử nghiệm và thương mại hóa công nghệ, đồng thời tăng cường hợp tác, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Thị trường vốn tư nhân Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD trong năm 2024
Năm 2024, tổng vốn tư nhân vào Việt Nam giảm 35% xuống còn 2,3 tỷ USD, ghi nhận 141 giao dịch. Mặc dù giá trị đầu tư giảm, số lượng giao dịch vẫn tương đối ổn định đối với cả vốn đầu tư mạo hiểm (VC) và vốn cổ phần tư nhân (PE), cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào tiềm năng của thị trường Việt Nam.
Trong đó, tổng vốn VC năm 2024 giảm xuống còn 398 triệu USD, đánh dấu mức giảm 24,7% so với năm 2023. Số lượng giao dịch cũng giảm nhẹ còn 118, cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư trong tình hình bất ổn kinh tế toàn cầu.
Trong nửa cuối năm 2024, vốn đầu tư tăng vọt lên 298 triệu USD, đánh dấu mức tăng gấp 3 lần so với nửa đầu năm. Hơn nữa, giá trị giao dịch nửa cuối năm ghi nhận mức tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy đà tăng trưởng bền vững của thị trường.
Về lĩnh vực, đáng chú ý là vốn đầu tư vào các công ty AI tại Việt Nam tăng mạnh từ 10 triệu USD vào năm 2023 lên 80 triệu USD vào năm 2024, mức tăng đột phá gấp 8 lần.
Ngoài tự động hóa, AI đang nhanh chóng mở rộng sang các lĩnh vực như tài chính, y tế và thương mại điện tử, thúc đẩy quá trình ra quyết định thông minh hơn và tăng hiệu quả vận hành. Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, nguồn nhân lực dồi dào, và sự gia tăng ứng dụng trong doanh nghiệp, hệ sinh thái AI Việt Nam đang sẵn sàng cho bước phát triển vượt bậc.