Nhiều cơ hội cho ngành đồ gỗ và nội thất Việt Nam tại thị trường Ấn Độ
Các sản phẩm đồ gỗ và nội thất Việt Nam có nhiều cơ hội để thâm nhập thị trường Ấn Độ - thị trường đồ gỗ lớn thứ tư thế giới và đang có rất nhiều dư địa tăng trưởng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đồ gỗ Việt Nam cần hiểu rõ luật pháp, chính sách và tập quán thương mại tại thị trường này.
Đây là nội dung cuộc hội thảo trực tuyến với chủ đề “Hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong ngành đồ gỗ và nội thất” do Văn phòng Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức ngày 21/5.
Ấn Độ hiện là một trong những thị trường nội thất phát triển nhanh nhất thế giới với dân số hơn 1,4 tỷ người, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao trong nhiều năm thúc đẩy nhu cầu với các sản phẩm đồ gỗ và nội thất gia tăng nhanh chóng.
Ngành nội thất Ấn Độ được định giá khoảng 23 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 33 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa, gia tăng thu nhập và nhu cầu nhà ở cao cấp. Thị trường nội thất trực tuyến Ấn Độ cũng đang phát triển vượt bậc, dự kiến đạt 40 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 22%.
Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp đồ gỗ, nội thất, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ đã tìm hiểu tổng quan về thị trường này, cùng những quy định, tập quán kinh doanh đặc thù tại đây.

Hội thảo trực tuyến “Hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong ngành đồ gỗ và nội thất” do Văn phòng Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức ngày 21/5
Ông Rajesh Bhagat, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Worldex India, đơn vị tổ chức Hội chợ WOFX – World Furniture Expo – một sự kiện thương mại lớn của ngành đồ gỗ và nội thất cho biết: “Với việc cơ sở hạ tầng được cải thiện, thị trường bất động sản phát triển, đô thị hóa, thu nhập của người dân, dân số trẻ, có rất nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp đồ gỗ và nội thất. Tôi nghĩ ngành công nghiệp này sẽ là một trong những ngành có tăng trưởng cao nhất tại Ấn Độ trong vài năm tới.
Ấn Độ là thị trường đồ gỗ nội thất lớn thứ tư thế giới hiện nay. Tôi nghĩ đây là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường này, không chỉ là việc đưa hàng hóa vào đây mà còn hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và triển khai việc kinh doanh lâu dài. Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ thương mại rất tốt. Chúng ta có Hiệp định thương mại tự do Ấn Độ-ASEAN, vì vậy hầu hết các sản phẩm hàng hóa trao đổi đều có thể đưa về mức thuế rất thấp. Với những ưu thế đó, hợp tác kinh doanh trong ngành đồ gỗ nội thất có nhiều cơ hội thành công".
Hội thảo có sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp Việt Nam, Ấn Độ và các Hiệp hội, Trung tâm xúc tiến thương mại hoạt động trong các lĩnh vực đồ gỗ và nội thất nhằm tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực này; đồng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào xúc tiến thương mại.
Các bên tham gia cũng lắng nghe, tìm hiểu các xu hướng tiêu dùng mới tập trung vào thiết kế hiện đại, vật liệu gỗ bền vững, và giải pháp nội thất thông minh vốn đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà phân phối trong khu vực.