Nhiều chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2024
Quy định mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai; tài khoản mạng xã hội phải xác thực mới được đăng thông tin; áp dụng nhiều quy định về khuyến mại; hướng dẫn định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2024.
Quy định mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 49/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng. Theo đó, Thông tư 49/2024/TT-NHNN đã sửa đổi, bổ sung quy định về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.
Cụ thể, Thông tư 49/2024/TT-NHNN quy định, ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi: Chủ đầu tư đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại Điều 11 Thông tư 11/2022/TT-NHNN (trừ trường hợp NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo lãnh cho chủ đầu tư trên cơ sở bảo lãnh đối ứng). Chủ đầu tư đã nhận được văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh trả lời cho chủ đầu tư về nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
Về trình tự thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, Thông tư 49/2024/TT-NHNN nêu rõ, căn cứ đề nghị của chủ đầu tư hoặc bên bảo lãnh đối ứng, NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, thẩm định và quyết định cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư. Bên bảo lãnh và chủ đầu tư ký thỏa thuận cấp bảo lãnh theo quy định tại Điều 26 Luật Kinh doanh bất động sản và quy định tại khoản 12 Điều 3, Điều 15 Thông tư 11/2022/TT-NHNN.
Căn cứ thỏa thuận cấp bảo lãnh đã ký, bên bảo lãnh phát hành văn bản cam kết phát hành thư bảo lãnh cho chủ đầu tư để chủ đầu tư gửi bản sao cho bên mua khi ký kết hợp đồng mua, thuê mua nhà ở. Sau khi ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, trong đó có quy định nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư, chủ đầu tư gửi hợp đồng mua, thuê mua nhà ở cho bên bảo lãnh để đề nghị bên bảo lãnh phát hành thư bảo lãnh cho bên mua. Bên bảo lãnh căn cứ hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, thỏa thuận cấp bảo lãnh và văn bản cam kết phát hành thư bảo lãnh để phát hành thư bảo lãnh và gửi cho chủ đầu tư để cung cấp thư bảo lãnh cho bên mua.
Thông tư 49/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 10/12/2024.
Tài khoản mạng xã hội phải xác thực mới được đăng thông tin
Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP, quy định chi tiết các điều kiện đối với trang thông tin điện tử và mạng xã hội trong nước. Theo đó, tại điểm e khoản 3 Điều 23 Nghị định 147/2024/NĐ-CP quy định thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.
Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP nêu rõ, chỉ những tài khoản đã xác thực bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân mới được hoạt động, bao gồm đăng thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024 và trong vòng 90 ngày kể từ thời điểm Nghị định có hiệu lực, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước phải thực hiện xác thực những tài khoản đang hoạt động của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Như vậy, kể từ ngày 25/12, người dùng mạng xã hội tại Việt Nam sẽ phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động. Chỉ trong trường hợp người dùng không có số điện thoại di động tại Việt Nam thì sẽ phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.
Định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo từ ngày 16/12/2024
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo.
Theo Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT, công thức xác định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo từ ngày 16/12/2024 như sau:
Giá dịch vụ giáo dục, đào tạo = Chi phí tiền lương + Chi phí vật tư + Chi phí quản lý + Chi phí khấu hao/hao mòn tài sản cố định + Chi phí khác + Tích lũy (nếu có) hoặc lợi nhuận (nếu có).
Trong đó, chi phí tiền lương gồm các khoản tiền phải trả cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động trực tiếp tham gia thực hiện dịch vụ giáo dục, đào tạo gồm tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn và các chi phí khác phải chi trả theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chi phí tiền lương = Định mức lao động x Đơn giá tiền lương hoặc chi phí tiền công (đồng/giờ).
Định mức lao động xây dựng theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 14/2024/TT-BGDĐT. Đơn giá tiền lương thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về tiền lương; chi phí tiền công hoặc các quy định về vị trí, chế độ việc làm của người lao động là chi phí phải trả cho người lao động căn cứ vào hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.
Áp dụng nhiều quy định mới về khuyến mại
Chính phủ đã ban hành Nghị định 128/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.
Theo đó, quy định về chương trình khuyến mại tập trung tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định 128/2024/NĐ-CP theo hướng bỏ quy định về khoảng thời gian xác định, hình thức của chương trình khuyến mại tập trung như sau:
Chương trình khuyến mại tập trung áp dụng hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ để khuyến mại là 100%. Trong khi đó, quy định cũ nêu rõ, chương trình khuyến mại tập trung gồm giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại (quy định mới đã bỏ nội dung này mà chỉ nêu chung là chương trình khuyến mại tập trung).
Chương trình khuyến mại tập trung là chương trình do cơ quan nhà nước (cấp Trung ương và cấp tỉnh) ban hành quyết định tổ chức nhằm thực hiện chính sách phát triển kinh tế có mục tiêu của quốc gia, địa phương. Trong khi đó, quy định cũ đang nêu đây là chương trình do cơ quan nhà nước chủ trì tổ chức trong một khoảng thời gian xác định, theo hình thức giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại.
Nghị định 81/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/12/2024.