Nhiều ban quản trị chung cư sai phạm: Thất thoát tiền tỉ, cư dân chịu thiệt
Liên tiếp các vụ việc thành viên ban quản trị chung cư vướng vòng lao lý do thiếu hiểu biết pháp luật, làm sai quy định, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cư dân.
Từ trốn thuế hàng trăm triệu đồng đến tham ô quỹ bảo trì hàng chục tỉ đồng, thực trạng đáng báo động tại nhiều chung cư đang cho thấy lỗ hổng lớn trong quản lý và sự thiếu hụt kiến thức pháp luật cần thiết của các ban quản trị (BQT) hiện nay. Hậu quả không chỉ khiến tiền bạc của các chủ sở hữu căn hộ bị thất thoát mà còn là sự bất ổn, mất niềm tin trong cộng đồng đô thị hiện đại.
Nhiều sai phạm nghiêm trọng
Nổi bật là vụ việc tại chung cư Conic Đông Nam Á (huyện Bình Chánh, TP.HCM), nơi BQT bị Đội Thuế huyện Bình Chánh phát hiện có dấu hiệu trốn thuế hơn 453 triệu đồng. Nghiêm trọng hơn, trong suốt 30 tháng (từ 5-2022 đến 10-2024), BQT đã không xuất tới 7.260 tờ hóa đơn khi thu các khoản phí thiết yếu như quản lý, giữ xe, gas, nước…
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Sơn, Đội trưởng Đội Thuế huyện Bình Chánh xác nhận Ban quản trị chung cư Conic Đông Nam Á bị xác định có hành vi gian lận thuế với tổng số tiền hơn 453 triệu đồng.
Căn cứ Điều 52 Luật Xử phạt vi phạm hành chính (sửa đổi 2020), Đội Thuế huyện Bình Chánh đã ra quyết định xử phạt hành chính BQT này hơn 119 tỉ đồng. Mức phạt được tính 15 triệu đồng cho hóa đơn đầu tiên và 16,5 triệu đồng/hóa đơn cho các lần tiếp theo do vi phạm nhiều lần.

Ban quản trị chung cư Conic Đông Nam Á bị phạt vì không xuất hóa đơn các khoản thu theo quy định, thậm chí có dấu hiệu trốn thuế.
"Đối với hành vi gian lận thuế hơn 453 triệu đồng, toàn bộ hồ sơ số thuế gian lận đã được chuyển sang cơ quan điều tra do có dấu hiệu tội phạm hình sự" - ông Sơn thông tin.
Tình trạng lạm dụng tài sản chung cư còn xảy ra tại nhiều nơi khác. Đơn cử như tại chung cư Golden Mansion (quận Phú Nhuận), ngày 28-4, Công an TP.HCM đã khởi tố và bắt tạm giam ông Lê Trung Nguyên (cựu Trưởng Ban quản trị) và bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (cựu Phó Ban quản trị) do bị cáo buộc tham ô quỹ bảo trì.
Theo hồ sơ, năm 2021, sau khi tiếp nhận 45 tỉ đồng từ chủ đầu tư, hai cá nhân này bị nghi đã rút 2 tỉ đồng dùng vào việc cá nhân và chuyển 22 tỉ đồng vào tài khoản riêng. Dù sau đó ông Nguyên đã hoàn trả 10 tỉ đồng vẫn còn 12 tỉ đồng tiền gốc và gần 2 tỉ tiền lãi chưa được khắc phục.
Trước đó, tại chung cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh), công an đã khởi tố 3 người bao gồm 2 cựu thành viên BQT và 1 giám đốc công ty thang máy, vì hành vi nâng khống giá hợp đồng khi lắp đặt thang máy, chiếm đoạt tổng cộng gần 1 tỉ đồng tiền cư dân đóng góp.
Những vụ việc trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Các vụ việc không chỉ gây thiệt hại tài chính mà còn làm xói mòn lòng tin vào mô hình tự quản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống tại các khu chung cư.
Ban quản trị cần thực hiện đúng luật
Trước thực trạng sai phạm đáng báo động của các BQT chung cư, nhiều chuyên gia pháp lý và nhà quản lý bất động sản đã chỉ ra nguyên nhân cốt lõi và đề xuất các giải pháp chấn chỉnh. Theo đó, cần có biện pháp đủ mạnh để đưa hoạt động BQT vào khuôn khổ pháp luật, đảm bảo tính chuyên nghiệp, minh bạch.
Luật sư Huỳnh Văn Nông - Đoàn Luật sư TP.HCM kiêm Phó BQT 1 Block chung cư cho biết theo quy định dịch vụ quản lý vận hành, nhà chung cư được xác định là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Trường hợp BQT tự quản lý vận hành, tự thu tiền và cung cấp dịch vụ thì phải kê khai, nộp thuế GTGT, TNDN, sử dụng hóa đơn. Trong trường hợp thuê đơn vị quản lý vận hành thì đơn vị quản lý phải kê khai nộp thuế.
Tuy nhiên, thực tế các BQT chung cư đều có rất nhiều khoản thu khác như quảng cáo thang máy, trạm thu phát sóng... nên Luật sư Nông cho biết BQT phải có hóa đơn chứng từ đầy đủ.
Hoạt động của Ban quản trị chịu sự điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật, tuy nhiên, đa số thành viên đều hoạt động kiêm nhiệm, không chuyên sâu về pháp lý, tài chính, kỹ thuật nên dễ dẫn đến sai phạm, từ vô ý đến cố ý trục lợi. Ban quản trị cần liên hệ với cơ quan thuế để được hướng dẫn, đồng thời phát huy vai trò giám sát của Ban kiểm soát và chính cư dân.
Luật sư Huỳnh Văn Nông - Đoàn Luật sư TP.HCM

BQT chung cư, các đơn vị quản lý vận hành phải thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT, TNDN, sử dụng hóa đơn theo đúng quy định.
Theo các chuyên gia, BQT đang quản lý khối tài sản chung hàng chục, hàng trăm tỉ đồng, ảnh hưởng đến đời sống hàng ngàn người. Vì vậy, công khai, minh bạch trong thu chi, tài chính, lựa chọn nhà thầu là yêu cầu bắt buộc. Các quyết định quan trọng, nhất là về tài chính, quỹ bảo trì, phải được biểu quyết tại Hội nghị nhà chung cư, có biên bản rõ ràng.
Tình trạng thành viên BQT tự ý quyết định, lạm quyền là vi phạm nghiêm trọng. Cư dân cần chủ động giám sát, yêu cầu giải trình khi thấy bất thường. Chính quyền địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất, kịp thời chấn chỉnh sai phạm.
Cơ quan thuế TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn ban quản trị, ban quản lý nhà chung cư
Thông tin với PLO, một lãnh đạo Chi cục Chi cục Thuế Khu vực II TP.HCM (trước đây là Cục Thuế TP.HCM) cho biết ngày 20-1-2025 đã ban hành văn bản số 650, gửi các ban quản trị và đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư nhằm hướng dẫn chi tiết về chính sách thuế liên quan đến lĩnh vực quản lý vận hành khu dân cư.
Tùy theo mô hình hợp đồng giữa Ban quản trị/Chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, việc kê khai, nộp thuế được thực hiện như sau:
- Trường hợp BQT tự quản lý vận hành: Nếu hội nghị nhà chung cư quyết định BQT tự thu tiền và cung cấp dịch vụ, BQT phải kê khai, nộp thuế GTGT, TNDN và sử dụng hóa đơn theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
- Trường hợp thuê đơn vị quản lý vận hành trọn gói thì đơn vị được thuê có trách nhiệm lập hóa đơn cho cư dân, kê khai và nộp thuế GTGT, TNDN.
- Trường hợp thuê đơn vị quản lý vận hành, ủy quyền ký hợp đồng phụ: Nếu Ban quản trị/Chủ đầu tư thuê đơn vị quản lý và ủy quyền/chỉ định đơn vị này ký hợp đồng với bên thứ ba cung cấp các dịch vụ liên quan, các bên cần căn cứ hợp đồng cụ thể để xác định nghĩa vụ, doanh thu và trách nhiệm lập hóa đơn, kê khai, nộp thuế.