Nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai

Ngày 5/10, tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa, lũ do hoàn lưu bão số 3 gây ra trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang phát biểu kết luận Hội nghị.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang phát biểu kết luận Hội nghị.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, dù địa phương rất nỗ lực, khẩn trương huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống, ứng phó từ sớm, từ xa, nhưng do hoàn lưu bão số 3 có phạm vi ảnh hưởng lớn, cường độ mạnh, diễn biến rất phức tạp khiến mức độ thiệt hại rất lớn.

Đến ngày 30/9/2024, toàn tỉnh có 5 người chết, 10 người bị thương; trên 20.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng; trên 9.000 ha lúa, hoa màu, cây trồng hàng năm, cây ăn quả bị đổ, ngập úng; trên 50.000 vật nuôi các loại bị chết, cuốn trôi... Nhiều tuyến đường, cầu trên các tuyến quốc lộ và tuyến giao thông địa phương bị hư hỏng; hệ thống điện, viễn thông bị ảnh hưởng... Ước tính tổng thiệt hại khoảng 1.890 tỷ đồng.

Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của hoàn lưu bão số 3, Tuyên Quang khẩn trương tập trung chỉ đạo ứng phó, huy động các lượng lượng khắc phục theo đúng phương châm “4 tại chỗ” nhằm hạn chế thấp nhất các thiệt hại về người, tài sản của nhân dân.

Nhờ đó, trên 5.000 hộ dân được di dời khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng, mất an toàn; tìm kiếm, cứu hộ thành công 9 người; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời những gia đình có người thiệt mạng, nhà ở bị đổ sập, cuốn trôi; cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân trong các khu vực bị cô lập. Địa phương đã bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở, không để ai bị đói, rét, không có nơi ở; nhanh chóng khôi phục hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc, giao thông, sản xuất nông lâm nghiệp...

Đại tá Phạm Kim Đĩnh, Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Hội nghị.

Đại tá Phạm Kim Đĩnh, Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Đại tá Phạm Kim Đĩnh, Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang đề xuất, thời gian tới, tỉnh cần đưa ra nhiều tình huống khắc nghiệt hơn để chuẩn bị phương án ứng phó; đặc biệt là phương án xây dựng Trung tâm điều hành, thiết lập các bệnh viện dã chiến, hệ thống thông tin liên lạc.

Các địa phương bố trí phương tiện ứng phó tại chỗ; di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, coi trọng yếu tổ ổn định cuộc sống, đảm bảo an ninh lâu dài. Bên cạnh đó, tỉnh cần có sự tính toán đối với các công trình giao thông, công trình trọng điểm đảm bảo “an toàn trong điều kiện khủng hoảng”; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhân rộng người tốt việc tốt và có giải pháp đối với những thông tin xấu, độc.

Ông Tạ Đức Tuyên, Bí thư Thành ủy Tuyên Quang thẳng thắn nhìn nhận, địa phương và người dân còn chủ quan, không lường trước được nguy cơ, tốc độ lũ lên nhanh; chưa xây dựng được phương án chi tiết theo từng mức độ của bão, lũ.

Ban Chỉ huy cấp thành phố, cấp xã còn lúng túng... Bí thư Thành ủy Tuyên Quang đề nghị, thời gian tới, tỉnh cần xây dựng phương án cụ thể cho từng mức độ, giai đoạn; làm tốt công tác tuyên truyền dự báo; huy động tối đa lực lượng ở cơ sở, vận động nhân dân chủ động giúp đỡ nhau trong điều kiện cần thiết...

Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang ghi nhận nỗ lực của các ngành, địa phương, lực lượng Công an, Quân đội, nhân dân trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, cảm ơn sự chung tay giúp đỡ của các tỉnh, thành phố, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, kiều bào đã cùng người dân Tuyên Quang nhanh chóng khắc phục hậu quả.

Qua thực tiễn, Tuyên Quang đã rút ra một số bài học kinh nghiệm sâu sắc. Đó là công tác dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai phục vụ việc chỉ huy, chỉ đạo phòng, chống, ứng cứu phải kịp thời, sát với tình hình thực tế; chủ động theo sát diễn biến thiên tai, chỉ đạo từ sớm, từ xa để hạn chế đến mức thấp nhất thiện hại do thiên tai xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang tặng Bằng khen cho các tập thể.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang tặng Bằng khen cho các tập thể.

Kịch bản, phương án phòng, chống thiên tai cần phù hợp thực tế; thường xuyên tổ chức diễn tập, cập nhật và hoàn thiện để phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Công tác chỉ huy, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải có sự thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; nhất là cương quyết, quyết liệt, nhất quán trong công tác di dời, sơ tán người dân ra khỏi vùng, khu vực nguy hiểm. Vận dụng linh hoạt phương châm “4 tại chỗ” phù hợp với đặc điểm của các hộ dân và địa phương.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các nghị quyết, văn bản chỉ đạo về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Địa phương khẩn trương rà soát, bố trí sắp xếp, di dời người dân ở vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, nhất là khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn. Các địa phương huy động nguồn lực, kinh phí hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục, sửa chữa các công trình đê điều, các công trình thủy lợi, các tuyến đường giao thông, cơ sở y tế, trường học...

Dịp này, UBND tỉnh đã khen thưởng 73 tập thể, 99 cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác phòng, chống bão, lũ trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Tin, ảnh: Hoàng Hải (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nhieu-bai-hoc-kinh-nghiem-trong-cong-tac-phong-chong-thien-tai-20241005124951340.htm
Zalo