Việt Nam - Pháp: Mối quan hệ hữu nghị và tin cậy

'Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp cho thấy sự gắn bó sâu sắc của Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ, đồng thời khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ song phương với Pháp', Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Ngoại giao Pháp mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đi trên thảm đỏ giữa hai hàng quân danh dự. Ảnh: Nguyễn Hồng

Đại diện Bộ Ngoại giao Pháp mời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đi trên thảm đỏ giữa hai hàng quân danh dự. Ảnh: Nguyễn Hồng

Nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet đã có cuộc trò chuyện với phóng viên về các hoạt động trong khuôn khổ Pháp ngữ tại Việt Nam và triển vọng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Pháp.

Một chuyến thăm, hai ý nghĩa

PV: Thưa Đại sứ, Việt Nam-Pháp đã có quan hệ ngoại giao hơn 50 năm và quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai quốc gia cũng đã được thiết lập hơn 10 năm với những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Việc lãnh đạo cao nhất của Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ song phương cũng như trong khuôn khổ hợp tác Pháp ngữ?

Đại sứ Olivier Brochet:

Quan hệ giữa Pháp và Việt Nam có bề dày lịch sử, độ tin cậy ngày càng cao và hai nước có quyết tâm rất lớn trong việc tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược. Năm 2023, hai nước chúng ta đã cùng nhau kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hồi tháng 5, Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien Lecornu cùng đoàn quan chức và cựu binh Pháp đã thăm Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Chúng tôi đánh giá cao việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, ngay sau khi nhậm chức một thời gian ngắn, đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Pháp. Với Pháp, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có hai ý nghĩa lớn. Một là, khẳng định vai trò của cộng đồng Pháp ngữ và thể hiện sự gắn bó sâu sắc của Việt Nam với cộng đồng Pháp ngữ. Hai là sự coi trọng của Việt Nam trong quan hệ song phương với Pháp.

Đây cũng là dịp để nước Pháp chúng tôi khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam, một quốc gia có vị trí rất quan trọng ở châu Á, một đất nước mà chúng tôi có nhiều gắn bó về mặt lịch sử, về mối liên hệ trong khuôn khổ cộng đồng Pháp ngữ.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet.

PV: Xin Đại sứ chia sẻ thêm về những trọng tâm hợp tác trong quan hệ hai nước để có thể phát huy tiềm năng, thế mạnh và hỗ trợ nhau cùng phát triển?

Đại sứ Olivier Brochet:

Việt Nam là một thành viên hết sức quan trọng trong cộng đồng Pháp ngữ. Ở góc độ kinh tế, thông qua tiếng Pháp, Việt Nam có thể tiếp cận được với thị trường của các nước thuộc cộng đồng Pháp ngữ với hàng trăm triệu người tiêu dùng; qua đó tạo cơ hội kêu gọi đầu tư từ các nước nói tiếng Pháp, xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam sang thị trường rộng lớn đó...

Với Pháp, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là dịp để hai nước tiếp tục những nỗ lực chung nhằm tăng cường quan hệ đối tác song phương với những đường hướng hợp tác mới trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, cũng như vai trò quốc tế của hai nước nhằm củng cố an ninh. Trong lĩnh vực phát triển bền vững, Việt Nam và Pháp có thể tăng cường hợp tác về năng lượng và giao thông, đặc biệt là vận tải đường sắt.

Tháng 8 vừa qua, đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị số 3 ở Hà Nội (bao gồm 8 ga) đã chính thức đi vào vận hành thương mại. Với chiều dài 8 km, đoạn đường sắt trên cao kết nối Nhổn với Cầu Giấy giúp đảm bảo môi trường, giao thông và giảm ùn tắc. Sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng của dự án biểu trưng cho quan hệ hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực giao thông đô thị bền vững. Đây cũng là biểu tượng cho cam kết của Pháp trong việc hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc cung cấp những giải pháp công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế cao nhất.

Những hoạt động hợp tác về đổi mới, sáng tạo cũng rất triển vọng và thiết thực đối với Việt Nam bởi hiện nay có nhiều doanh nghiệp Pháp có thể chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ với các đối tác Việt Nam, góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa hai bên. Nhân cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước tới đây, Việt Nam và Pháp dự kiến sẽ ký kết một hiệp định liên chính phủ trong lĩnh vực giáo dục.

Chúng tôi hy vọng rằng, văn kiện này sẽ giúp phía Pháp phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trong việc tăng cường đào tạo tiếng Pháp tại các trường học Việt Nam, qua đó nâng cao chất lượng và số lượng những người nói tiếng Pháp tại Việt Nam.

Văn hóa sẻ chia

Tháng 4/2024, các nghệ sĩ trong dàn nhạc của Nhà hát Opera Hoàng gia Versaille đã biểu diễn chương trình "Hòa nhạc Bốn mùa" (Four Seasons Concert) tại Nhà hát Hồ Gươm.

Tháng 4/2024, các nghệ sĩ trong dàn nhạc của Nhà hát Opera Hoàng gia Versaille đã biểu diễn chương trình "Hòa nhạc Bốn mùa" (Four Seasons Concert) tại Nhà hát Hồ Gươm.

PV: Đại sứ đánh giá như nào về giao lưu nhân dân và hợp tác văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam-Pháp?

Đại sứ Olivier Brochet:

Đó cũng là hai lĩnh vực tôi đang muốn nhắc đến. Chúng tôi mong muốn tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai nước, đặc biệt là giao lưu giữa các thế hệ trẻ. Ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam lựa chọn sang Pháp du học, bởi vì chúng tôi biết những gì mà nền giáo dục Pháp có thể đem đến cho các bạn trẻ cũng như vai trò của các bạn du học sinh trong việc đóng góp vào sự phát triển quan hệ giữa hai nước trong các lĩnh vực.

Mặt khác, chúng tôi cũng vui mừng khi thấy ngày càng nhiều sinh viên Pháp sang học trao đổi, 1 hoặc 2 học kỳ tại các trường đại học Việt Nam có liên kết với các đối tác Pháp. Những hoạt động giao lưu này sẽ góp phần quan trọng trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước trong tương lai.

Văn hóa cũng là chủ đề trọng tâm trong quan hệ Đối tác Chiến lược Pháp-Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã xác định phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo là một trong những mục tiêu quan trọng để tạo đà tăng trưởng, trong đó có tăng trưởng kinh tế. Với thế mạnh trong lĩnh vực này, phía Pháp hoàn toàn có thể giúp Việt Nam trong các dự án liên quan.

Quá trình hợp tác này có thể diễn ra thông qua giữa các cơ quan công quyền, doanh nghiệp thậm chí cả chính quyền địa phương. Đơn cử như Hà Nội với sự hợp tác từ Pháp đã xúc tiến nhiều dự án bảo tồn di sản, qua đó thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài tới Việt Nam.

Tôi rất vui mừng trước sự phát triển hợp tác giữa Nhà hát Hồ Gươm và Nhà hát Hoàng gia Versailles của Pháp để làm phong phú thêm các chương trình biểu diễn của nhà hát tại Hà Nội và tôi đặc biệt cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã luôn quan tâm, ủng hộ sự hợp tác này.

Như các bạn đã biết, chủ đề của năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Pháp (năm 2023) là “Văn hóa sẻ chia” đã thể hiện rõ tinh thần hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này, không phải là mang những sản phẩm văn hóa Pháp đến với Việt Nam mà là hai bên cùng nhau xây dựng chính sách để quảng bá các giá trị văn hóa Pháp, đồng thời chuyển giao công cụ và kỹ năng giúp Việt Nam phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo.

Hiện nay, hai nước đang chuẩn bị tổ chức Festival nhiếp ảnh vào năm 2025 tại Hà Nội. Đây là lần thứ hai sự kiện này được tổ chức bởi hai nước. Trong lần đầu tiên diễn ra, sự kiện đã thu hút hơn 200.000 người tới tham quan và 1 triệu người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội. Điều này cho thấy các hoạt động văn hóa chung giữa hai nước có sự lan tỏa nhất định tới công chúng.

Dự án đường sắt đô thị Metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km với tổng mức đầu tư 34.826 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA đã chính thức vận hành thương mại từ ngày 8/8/2024.

Dự án đường sắt đô thị Metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km với tổng mức đầu tư 34.826 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA đã chính thức vận hành thương mại từ ngày 8/8/2024.

PV: Làm việc tại Việt Nam được một thời gian, chứng kiến những sự kiện minh chứng cho sự hợp tác ngày càng bền chặt giữa hai quốc gia, xin Đại sứ cho biết ấn tượng của cá nhân ngài về đất nước này và đặc biệt là Thủ đô Hà Nội?

Đại sứ Olivier Brochet:

Thú thực, khả năng tiếng Việt của tôi khá hạn chế. Nhưng, qua thời gian công tác và sinh sống tại Việt Nam, tôi cũng có thể phần nào cảm nhận người dân đất nước này có tính cách lạc quan và sự năng động. Điều khiến tôi rất ấn tượng, đó là cảnh tượng của Hà Nội sau khi cơn bão Yagi quét qua. Nếu nghe thông tin về những con đường tại Hà Nội với nhiều cây cối bị đổ gãy trong khi mực nước sông Hồng lên cao tạo ra nguy cơ gây lụt trong thành phố, nhiều người chắc sẽ e ngại.

Nhưng, chỉ ngay sáng hôm sau khi bão quét qua, nhiều người dân Việt Nam đã có mặt trên đường phố để dọn dẹp. Mọi người cùng đoàn kết, mỗi người một chân một tay giúp đỡ nhau chỉnh trang lại cảnh quan đường sá, đô thị; khắc phục hậu quả thiên tai với một tâm trạng rất lạc quan. Có lẽ, đây chính biểu trưng cho nét đẹp của người Việt Nam. Một điều nữa mà tôi cảm nhận được từ người dân Việt Nam, đó là sự tương thân tương ái giữa các thế hệ.

Với riêng Hà Nội, tôi có thể nói rằng mình, rất yêu thành phố này. Tôi không nói để lấy lòng các bạn đâu, mà đấy là tình cảm thực sự của bản thân. Đây là một thành phố đẹp và có những nét rất riêng. Tôi từng đi dạo qua nhiều phố phường Hà Nội để cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống của thành phố này. Tôi cũng chụp rất nhiều ảnh về Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng; đồng thời chia sẻ một số ảnh này trên tài khoản mạng xã hội cá nhân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Sông Thương - Minh Thư

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/viet-nam-phap-moi-quan-he-huu-nghi-va-tin-cay-i746261/
Zalo