Nhiệt độ toàn cầu gần đạt mức cao kỷ lục vào tháng 4
Hôm thứ Năm (8/5), cơ quan giám sát khí hậu của EU cho biết, nhiệt độ toàn cầu tiếp tục ghi nhận mức cao gần kỷ lục vào tháng 4, kéo dài chuỗi nắng nóng chưa từng có và đặt ra câu hỏi về tốc độ nóng lên của hành tinh.

Đợt nắng nóng bất thường kéo dài dự kiến sẽ lắng xuống khi hiện tượng thời tiết El Nino biến mất vào năm ngoái, nhưng nhiệt độ vẫn duy trì ở mức kỷ lục hoặc gần kỷ lục cho đến tận năm nay.
"Và rồi đến năm 2025, đáng lẽ nên ổn định lại, nhưng thay vào đó, chúng ta vẫn ở bước thay đổi tăng tốc này trong quá trình nóng lên… Và chúng ta dường như bị kẹt ở đó. Nguyên nhân gây ra điều này vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn, nhưng đó là một dấu hiệu rất đáng lo ngại", Johan Rockstrom, Giám đốc Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam cho biết.
Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) cho biết, tháng 4 là tháng nóng thứ hai trong tập dữ liệu tập hợp hàng tỷ phép đo từ vệ tinh, tàu, máy bay và trạm thời tiết.
Tất cả trừ một tháng trong 22 tháng qua đều vượt quá ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, vượt quá giới hạn này, những thay đổi lớn và lâu dài về khí hậu và môi trường có khả năng xảy ra nhiều hơn.
Nhiều nhà khoa học tin rằng, mục tiêu này không còn khả thi nữa và sẽ bị vượt qua trong vài năm nữa. Một nghiên cứu lớn của nhiều nhà khoa học khí hậu hàng đầu (hiện vẫn chưa được bình duyệt) gần đây đã kết luận rằng, tình trạng nóng lên toàn cầu đã đạt 1,36 độ C vào năm 2024.
Copernicus dự đoán, 1,5 độ C có thể đạt được vào giữa năm 2029 hoặc sớm hơn dựa trên xu hướng nóng lên trong 30 năm qua.
Các nhà khoa học nhất trí rằng, việc đốt nhiên liệu hóa thạch phần lớn đã thúc đẩy tình trạng nóng lên toàn cầu kéo dài khiến các thảm họa thời tiết cực đoan trở nên thường xuyên và dữ dội hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học không chắc chắn về những yếu tố khác có thể góp phần gây ra sự kiện nhiệt độ liên tục này.
Các chuyên gia cho rằng, những thay đổi trong mô hình đám mây toàn cầu, ô nhiễm không khí và khả năng lưu trữ carbon của Trái đất trong các bồn chứa tự nhiên như rừng và đại dương cũng có thể là những yếu tố góp phần gây ra tình trạng quá nhiệt của hành tinh.
Đợt tăng nhiệt đã đẩy năm 2023, sau đó là năm 2024 trở thành những năm nóng nhất trong lịch sử, và năm 2025 được dự đoán sẽ là năm thứ ba.
"Hai năm qua... là những năm đặc biệt… Chúng vẫn nằm trong ranh giới của những gì các mô hình khí hậu dự đoán mà chúng ta có thể trải qua ngay bây giờ. Nhưng chúng ta đang ở giới hạn trên của ranh giới đó", bà Samantha Burgess cho biết.
Dữ liệu của Copernicus có từ năm 1940, nhưng các nguồn dữ liệu khí hậu khác - chẳng hạn như lõi băng, vòng cây và bộ xương san hô - cho phép các nhà khoa học mở rộng kết luận bằng cách sử dụng bằng chứng từ khoảng thời gian xa hơn nhiều.
Các nhà khoa học cho biết, giai đoạn hiện tại có khả năng là giai đoạn Trái đất ấm nhất trong vòng 125.000 năm qua.