Nhiên liệu hóa thạch trong thế trận an ninh năng lượng mới

Thế giới đang thoát dần khỏi sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để hướng tới một nền an ninh năng lượng sạch, bền vững và linh hoạt hơn trong giai đoạn bất định.

Năng lượng hóa thạch không còn là “lá chắn” cho an ninh quốc gia

Suốt hơn một thế kỷ, dầu mỏ, than đá và khí đốt là trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, diễn biến tại Hội nghị Thượng đỉnh về tương lai an ninh năng lượng vừa kết thúc ở London đã cho thấy một chuyển dịch rõ rệt: nhiên liệu hóa thạch đang dần rút lui khỏi vị thế trung tâm.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hội nghị do Chính phủ Anh và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đồng chủ trì, diễn ra giữa lúc thế giới chứng kiến những thách thức chưa từng có: địa chính trị bất ổn, nhu cầu tiêu thụ tăng vọt và tiến bộ công nghệ diễn ra với tốc độ chóng mặt. Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo chính phủ, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp lớn đều đồng thuận rằng, năng lượng carbon thấp – thay vì nhiên liệu hóa thạch – mới là lời giải căn cơ cho bài toán an ninh năng lượng trong thế kỷ 21.

Thủ tướng Anh Keir Starmer đã tuyên bố rõ ràng: an ninh năng lượng là an ninh quốc gia, và chỉ có năng lượng tái tạo mới bảo vệ được điều đó. Với Anh, đó không chỉ là mục tiêu môi trường mà là chiến lược phát triển kinh tế dài hạn – thoát ly khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt và tránh bị tổn thương bởi giá cả năng lượng biến động.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng nhấn mạnh, giá năng lượng hợp lý và ổn định là “mạch sống” của nền kinh tế. Khi châu Âu rút khỏi sự lệ thuộc vào khí đốt Nga, bài học rút ra là rõ ràng: càng ít dựa vào nhiên liệu hóa thạch, an ninh năng lượng càng cao.

Tỷ trọng dầu mỏ trong cơ cấu năng lượng toàn cầu đã lần đầu tiên tụt xuống dưới mốc 30% vào năm 2024 – mức thấp chưa từng thấy kể từ thập niên 1970. Đồng thời, hơn 80% sản lượng điện tăng thêm trên toàn cầu trong năm qua đến từ nguồn tái tạo và năng lượng hạt nhân. Đây là những con số không chỉ cho thấy xu thế, mà còn phản ánh một chiến lược an ninh năng lượng đang được thiết lập lại ở quy mô toàn cầu.

Mặc dù nhiên liệu hóa thạch chưa thể bị loại bỏ hoàn toàn, nhất là trong các ngành khó thay thế như hàng không, hóa dầu hay sản xuất thép, nhưng quan điểm chung là: không thể tiếp tục phụ thuộc tuyệt đối vào chúng như trong quá khứ. Các chính sách “lai” giữa giữ vững nguồn cung hiện tại, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi sang công nghệ sạch đang được xem là hướng đi tối ưu.

Chuyển đổi năng lượng cần công bằng và chiến lược dài hạn

Việc từ bỏ dần nhiên liệu hóa thạch không chỉ là quyết định kỹ thuật – đó là một quá trình kinh tế, xã hội và chính trị sâu sắc. Một trong những điểm nhấn tại hội nghị ở London là nhấn mạnh tính “công bằng” trong chuyển đổi năng lượng. Nghĩa là không để những cộng đồng phụ thuộc vào than, dầu hay khí rơi vào tụt hậu, và phải bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình dịch chuyển sang năng lượng tái tạo.

IEA ước tính, hiện còn gần 700 triệu người trên thế giới chưa có điện và hơn 2 tỷ người không được tiếp cận nấu ăn sạch. Với họ, nhiên liệu hóa thạch vẫn là một cứu cánh thực tế trong ngắn hạn. Do đó, đảm bảo khả năng chi trả, mở rộng lưới điện và phát triển hạ tầng phải song hành cùng tiến trình giảm phát thải.

Việc đào tạo lại lực lượng lao động từ các ngành công nghiệp hóa thạch, chuyển đổi cơ sở hạ tầng và đầu tư vào vùng chịu ảnh hưởng – ví dụ các mỏ than sắp đóng cửa – là các giải pháp then chốt để chuyển dịch bền vững. Tại hội nghị, nhiều đại biểu nhấn mạnh cần có các công cụ tài chính, chính sách hỗ trợ và cơ chế giám sát để không ai bị bỏ lại phía sau.

Ở chiều ngược lại, những quốc gia tiên phong trong năng lượng tái tạo lại đang đứng trước bài toán mới: làm sao đảm bảo lưới điện đủ mạnh để gánh vác vai trò chủ lực. Khi các hệ thống điện trở nên số hóa, phụ thuộc vào dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, nguy cơ an ninh mạng và yêu cầu đầu tư cho hạ tầng hiện đại đang trở thành vấn đề sống còn.

Điện hóa giao thông, sưởi ấm, công nghiệp… đang khiến nhu cầu sử dụng điện tăng gấp đôi so với nhu cầu năng lượng nói chung trong thập kỷ qua. Tuy nhiên, nếu thiếu một mạng lưới linh hoạt, có thể lưu trữ và phân phối điện hiệu quả, thì chính quá trình chuyển đổi năng lượng lại có thể tạo ra “điểm nghẽn” cho an ninh quốc gia.

Chi phí công nghệ giảm sâu là một cú hích cho quá trình chuyển dịch: pin giảm giá hơn 75%, năng lượng mặt trời rẻ hơn 90%, gió giảm 60% so với 10 năm trước. Hệ quả là tại hơn 2/3 dân số thế giới, năng lượng tái tạo đã trở thành nguồn sản xuất điện rẻ nhất – không còn là lựa chọn phụ, mà là hướng đi chính.

Tuy nhiên, như Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol lưu ý, chuyển đổi chỉ thành công khi có hợp tác toàn cầu. Dù giải pháp là công nghệ, chính trị hay tài chính, nếu không có sự đồng thuận và phối hợp, mọi nỗ lực đều có thể trở nên đơn lẻ và kém hiệu quả.

Nhiên liệu hóa thạch – từng là biểu tượng quyền lực và an ninh quốc gia – đang mất dần vị thế trong trật tự năng lượng mới. Sự chuyển dịch sang năng lượng sạch, linh hoạt và bền vững không còn là một xu hướng môi trường, mà là chiến lược an ninh thực thụ, đặc biệt trong thế giới nhiều biến động.

Hội nghị tại London khẳng định, chỉ khi từ bỏ dần sự lệ thuộc vào than, dầu và khí, thế giới mới có thể xây dựng hệ thống năng lượng đủ sức chống chọi với biến động, giảm tổn thương kinh tế và tạo tiền đề cho tăng trưởng công bằng, bao trùm. Một lần nữa, an ninh năng lượng không còn gói gọn trong nguồn cung, mà là cả khả năng chi trả, sự bền vững và sự công bằng trong tiếp cận.

Cùng nhau xây dựng một Việt Nam xanh hơn! Bạn có ý kiến, câu chuyện hay giải pháp nào về kinh tế và môi trường? Hãy chia sẻ với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường qua:

Hotline: 0368.826.789
Email: [email protected]
Fanpage: facebook.com/tapchikinhtemoitruong
Tiktok: tiktok.com/@kinhtemoitruong.vn
Youtobe: youtube.com/@tapchikinhtemoitruong

Ý kiến của bạn sẽ góp phần lan tỏa giá trị bền vững. Bạn nghĩ giải pháp nào sẽ giúp Việt Nam xanh hơn?

Bích Ngọc

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nhien-lieu-hoa-thach-trong-the-tran-an-ninh-nang-luong-moi-98333.html
Zalo