Nhiệm vụ khó khăn chờ tân Thủ tướng Thái Lan

Quốc vương Thái Lan chính thức bổ nhiệm bà Paetongtarn Shinawatra (37 tuổi) làm Thủ tướng mới của đất nước. Giới phân tích nhận định, vị thủ tướng thứ ba của dòng họ Shinawatra sẽ đối mặt vô số thách thức, trong đó có nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế đang chật vật phục hồi sau đại dịch Covid-19, cũng như áp lực tiếp nối và đổi mới chính sách của người tiền nhiệm.

Thủ tướng trẻ nhất lịch sử Thái Lan

Với 319 phiếu ủng hộ, 145 phiếu chống và 27 phiếu trắng, bà Paetongtarn Shinawatra (37 tuổi) đã trúng cử, trở thành thủ tướng thứ 31 và là thủ tướng trẻ nhất từ trước đến nay của Thái Lan.

Bà Paetongtarn Shinawatra - con út của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, là thành viên thứ ba của dòng họ Shinawatra giữ chức vụ này, sau cha mình và cô ruột Yingluck Shinawatra. Trước khi tham gia chính trường, bà đảm nhận quản lý các tài sản thuộc sở hữu của gia đình. Do đó, khi chính thức đảm nhận vị trí Thủ tướng Thái Lan, bà sẽ phải từ bỏ vai trò kinh doanh của mình và tuân thủ các hạn chế về quyền sở hữu cổ phần.

Tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra. Ảnh: Reuters

Tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra. Ảnh: Reuters

Lựa chọn của Đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) khiến một số nhà phân tích chính trị và dư luận khá bất ngờ. Tuy nhiên, Khu vực tư nhân Thái Lan đã có những đánh giá tích cực về việc bà Paetongtarn được bầu làm Thủ tướng mới của đất nước. Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) Kriengkrai Thiennukul cho rằng, bà Paetongtarn có thể giúp hình thành mối liên kết giữa thế hệ mới và thế hệ cũ ở Thái Lan, tuổi đời còn trẻ của bà sẽ là một thế mạnh chứ không phải trở ngại; đồng thời ông tin rằng, dưới sự lãnh đạo của bà Paetongtarn, hầu hết các chính sách do chính phủ do Đảng Pheu Thai lãnh đạo đưa ra sẽ tiếp tục như kế hoạch.

Theo The Nation, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) Sanan Angubolkul cũng có nhận định tương tự Chủ tịch FTI khi cho rằng, chính phủ mới sẽ nỗ lực khôi phục niềm tin từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, Chủ tịch TCC bày tỏ hy vọng nội các mới sẽ được thành lập trong thời gian sớm nhất nhằm tránh tạo ra khoảng trống trong điều hành và giải ngân ngân sách; cũng như mong muốn chính phủ mới sẽ tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh của Thái Lan trên trường quốc tế và đàm phán các hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác hơn để thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu.

Truyền thông Thái Lan cho rằng, bà Paetongtarn về cơ bản sẽ giữ lại các thành viên nội các của cựu Thủ tướng Srettha Thavisin, số lượng bộ trưởng của các đảng liên minh sẽ không thay đổi, chỉ có các thành viên nội các của Đảng Pheu Thai của bà sẽ được điều chỉnh nhẹ. Bà Paetongtarn hiện vẫn chưa thảo luận với các đảng trong liên minh cầm quyền, danh sách cụ thể các thành viên nội các sẽ được công bố thời gian tới.

Vực dậy nền kinh tế

Hàng loạt khó khăn sẽ đặt ra trước mắt nhà lãnh đạo mới của Thái Lan. Đầu tiên phải kể đến là nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế, bởi nước này vẫn đang chật vật phục hồi sau đại dịch Covid-19 và bất ổn chính trị càng khiến tình trạng trì trệ kéo dài.

Hiện tại, nền kinh tế Thái Lan đang bị ảnh hưởng bởi mức nợ hộ gia đình cao, xuất khẩu yếu và tiêu dùng trì trệ. Vào tháng 7, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan năm 2024 từ 2,8% xuống 2,4%. Hơn nữa, những thay đổi về tình hình chính trị cũng có thể ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, điển hình như thị trường chứng khoán Thái Lan đã giảm mạnh sau khi ông Srettha bị bãi nhiệm. Nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng CIMB Thai Bank, ông Amonthep Chawla cho biết: "Chính phủ mới cần chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết những thách thức tiềm tàng của tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, điều này có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Thái Lan".

Thêm vào đó, dư luận còn đặt ra câu hỏi về tương lai của chương trình “ví kỹ thuật số”. Được biết, tổng vốn chương trình phát tiền này tương đương 2,9% GDP Thái Lan, trong đó 9 tỷ USD sẽ được trích từ ngân sách năm tài khóa 2024 và 2025; 4,73 tỷ USD còn lại sẽ trích từ quỹ của Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác nông thôn. Chính ngân hàng quốc doanh này sẽ trao tiền trực tiếp cho 17 triệu nông dân Thái Lan.

Tuy nhiên, chương trình này đã vấp phải những bất đồng ở cả các ngân hàng trung ương và một số nhà lập pháp về cách thức tài trợ cho gói kích thích, cũng như tác động của lạm phát đã làm chậm trễ việc thực hiện. Hơn nữa, các chuyên gia còn chỉ ra những vấn đề pháp lý rộng hơn có thể xảy ra đối với một nhà lãnh đạo chưa có kinh nghiệm, chẳng hạn như nguy cơ vi phạm Đạo luật kỷ luật tài chính và ngân sách nhà nước hoặc cáo buộc sử dụng ngân sách quốc gia không đúng mục đích.

Trước những hoài nghi về việc liệu chính quyền mới có tiếp tục thực hiện chương trình này hay không, bà Paetongtarn cho biết: “Mục đích ban đầu của việc triển khai kế hoạch ví kỹ thuật số là nhằm kích thích phục hồi kinh tế, vì vậy ý định này vẫn sẽ được duy trì. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ cần được nghiên cứu thêm, lắng nghe các lựa chọn bổ sung, cùng với đó xem xét điều kiện kinh tế của đất nước, để bảo đảm chương trình này phù hợp về mặt tài chính”.

Bên cạnh đó, bà Paetongtarn sẽ phải giải quyết tình trạng sức cạnh tranh đang suy giảm của Thái Lan, vì các ngành công nghiệp địa phương đang tụt hậu trong bối cảnh đất nước thiếu chiến lược phát triển công nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, việc thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề cao, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đang cản trở Thái Lan sản xuất ra những mặt hàng mà thế giới hiện đại đang cần.

Với vô vàn những thách trước mắt, Thủ tướng Thái Lan khẳng định sẽ tiếp tục mọi chính sách của người tiền nhiệm Srettha, chuẩn bị sẵn sàng và sẽ tập trung vào các vấn đề cấp bách mà Thái Lan hiện đang phải đối mặt, đặc biệt là cải thiện cuộc sống của người dân; đồng thời cam kết đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn và cải cách, giải quyết vấn nạn ma túy bất hợp pháp, cải thiện các kế hoạch y tế toàn diện, thúc đẩy sự đa dạng giới tính, đưa ra nhiều sáng kiến hơn trong xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cũng như cải thiện quyền lực mềm của Thái Lan.

Thận trọng từng bước đi

Bên cạnh khía cạnh kinh tế, tờ Bangkok Post đánh giá con đường phía trước của bà Paetongtarn sẽ đòi hỏi bà phải thận trọng trong từng bước đi. Đặc biệt là câu hỏi liệu cha bà có can thiệp vào quá trình điều hành đất nước hay không. Các nhà quan sát lưu ý, sự can thiệp chính trị của ông Thaksin Shinawatra có thể sẽ cấu thành hành vi vi phạm Đạo luật Đảng phái chính trị Thái Lan.

Các nhà phân tích cho rằng, ông Thaksin nên tin tưởng và trao cho con gái ông quyền tự do để thực hiện bổn phận với đất nước, tránh khiến bà Paetongtarn gặp phải những rắc rối lớn. Vì vậy, những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ thủ tướng sẽ là quãng thời gian tương đối khó khăn đối với Tân thủ tướng Paetongtarn, khi phải khẳng định năng lực và bản lĩnh trước các bên đối lập tại Quốc hội Thái Lan, mà không cần sự hậu thuẫn của ông Thaksin.

Bên cạnh những rủi ro phát sinh từ sự can thiệp của ông Thaksin, bà Paetongtarn sẽ đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của các phe đối lập trên chính trường Thái và cần chuẩn bị tinh thần trước cách đối xử có phần gai góc từ các chính trị gia kỳ cựu. Chính vì vậy, đây cũng được xem là cơ hội để bà Paetongtarn chứng minh bản thân có đầy đủ phẩm chất lãnh đạo để dẫn dắt đất nước vượt qua mọi khó khăn.

Châu Anh (Theo The Nation; Bangkok Post; Nikkei Asia)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/nhiem-vu-kho-khan-cho-tan-thu-tuong-thai-lan-i384831/
Zalo