Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút dòng vốn FDI

Vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) gồm 6 tỉnh, thành: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh. Diện tích của vùng chỉ chiếm khoảng 7,1% diện tích của cả nước nhưng GRDP đạt 2,95 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 31% GDP của Việt Nam.

Vùng ĐNB cũng là đầu tàu kinh tế của Việt Nam với nhiều chỉ tiêu luôn dẫn đầu như: thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xuất nhập khẩu, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và đang hoạt động, thu ngân sách nhà nước…

Khoảng 4-5 năm trở lại đây, vùng ĐNB tuy vẫn giữ được vị trí đầu tàu kinh tế nhưng tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư FDI có xu hướng chậm lại. Do đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm Chủ tịch Điều phối vùng ĐNB nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, thúc đẩy tăng trưởng. Mục tiêu là để ĐNB trở thành vùng kinh tế động lực, dẫn dắt cả nước.

Hiện nay, Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành trong vùng ĐNB đang ưu tiên triển khai các dự án giao thông kết nối vùng nhằm tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành trong vùng cũng tập trung cải thiện môi trường đầu tư để tăng thu hút dòng vốn FDI vào các lĩnh vực: công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, nông nghiệp, du lịch, bất động sản, y tế, giáo dục… Tuy nhiên, trong 8 tháng của năm 2024, dòng vốn FDI vào Việt Nam hơn 20,5 tỷ USD, nhưng dẫn đầu cả nước trong thu hút FDI lại là Bắc Ninh và Quảng Ninh; trong khi Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ 3, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thứ 4. Đồng Nai và Bình Dương vẫn nằm trong tốp 10 tỉnh, thành dẫn dầu cả nước trong thu hút vốn FDI nhưng đã lùi hạng so với những năm trước.

Từ kết quả trên cho thấy, vùng ĐNB và nhất là “tứ giác” kinh tế của vùng là: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, muốn trở thành tâm điểm trong thu hút vốn ngoại thì phải chuẩn bị đầy đủ các tiêu chí doanh nghiệp cần như: hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi; có sẵn quỹ đất cho thuê; hồ sơ, thủ tục cho dự án phải giải quyết nhanh; quá trình doanh nghiệp đầu tư gặp vướng mắc được tháo gỡ kịp thời. Theo các doanh nghiệp FDI, nếu ĐNB đáp ứng được các tiêu chí trên thì dòng vốn FDI lần thứ 4 sẽ đổ về vùng nhiều hơn.

Trong tương lai gần, ĐNB sẽ có giao thông kết nối hiện đại. Đồng thời, vùng có sẵn các trung tâm công nghiệp lớn nên đầu tư vào ĐNB, các doanh nghiệp dễ dàng tìm đối tác liên kết cung ứng sản phẩm cho nhau. Thời tiết vùng ĐNB rất hiền hòa, ít xảy ra thiên tai, bão lũ nên doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng, văn phòng ít tốn kém hơn. Vì thế, ngoài cải thiện môi trường đầu tư, vùng ĐNB cần tăng xúc tiến đầu tư với các nước để các doanh nghiệp FDI biết đến và đầu tư.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202409/cai-thien-moi-truong-dau-tu-de-thu-hut-dong-von-fdi-c460207/
Zalo