Nhật Bản tăng mạnh đầu tư vào chất bán dẫn
Nhật Bản dự kiến sẽ chi 7 tỉ USD cho thiết bị chế tạo wafer vào năm tới, đánh dấu mức tăng 82% so với năm nay - mức lớn nhất thế giới.
Nhật Bản sẵn sàng tăng mạnh chi tiêu cho thiết bị chip trong nỗ lực nâng cao vị thế của mình trên thị trường bán dẫn toàn cầu, khi quốc gia này thắt chặt xuất khẩu trong bối cảnh Mỹ thúc đẩy hạn chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc.
Nhật Bản dự kiến sẽ chi 7 tỉ USD cho thiết bị chế tạo wafer vào năm tới, đánh dấu mức tăng 82% so với năm nay - mức lớn nhất thế giới - theo dữ liệu từ SEMI, hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị chip toàn cầu.
Được biết, Đài Loan vẫn là quốc gia chi tiêu nhiều nhất về thiết bị sản xuất chip - dự kiến đạt 24,9 tỉ USD vào năm 2024. SCMP nhận định sự đầu tư mạnh mẽ của Nhật Bản phần nào đó giúp Hoa Kỳ hiện thực hóa tham vọng tái định hình chuỗi cung ứng chip toàn cầu của họ.
Nhật Bản lâu nay đã là một trong những nhà sản xuất các thiết bị và vật liệu sản xuất chip hàng đầu. Với vị thế này, Nhật Bản đang thu hút các nguồn đầu tư từ những nhà sản xuất chip lớn như TSMC và Samsung Electronics của Hàn Quốc.
Quốc gia này cũng đang thắt chặt sự kiểm soát đối với các thiết bị quan trọng. Tuần trước, Tokyo cho biết họ sẽ mở rộng hạn chế đối với các lô hàng gồm 23 loại công cụ sản xuất chip tiên tiến, bao gồm máy kiểm tra mặt nạ cực tím, máy in thạch bản và chất tẩy rửa wafer silicon.
Theo Yeon Wonho, nhà phân tích chuỗi cung ứng tại Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc, các mục tiêu của Nhật Bản trong lĩnh vực chất bán dẫn sẽ thúc đẩy ngành công nghệ và nền kinh tế của nước này.
“Nhật Bản muốn có một bước đột phá với chip”, Yeon nói. “Họ muốn hợp tác với các quốc gia như Hoa Kỳ để nghiên cứu đồng thời thu hút các cơ sở sản xuất đến quốc gia của mình”.
Vào Chủ nhật, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Qin Gang kêu gọi Nhật Bản kiềm chế những nỗ lực phong tỏa ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Qin cũng cho biết điều này chỉ củng cố quyết tâm của Bắc Kinh nhằm đạt được sự tự chủ về chip.
Trong khi Tokyo và Bắc Kinh tìm cách giữ mối quan hệ ổn định, Nhật Bản lại là đồng minh chính trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn Trung Quốc phát triển các lĩnh vực công nghệ quan trọng như điện toán lượng tử, mạng không dây và trí tuệ nhân tạo.
Căng thẳng ngày càng tăng giữa Nhật Bản và Trung Quốc trái ngược hoàn toàn với mối quan hệ của Tokyo và Seoul. Tháng trước, Nhật Bản đã chấm dứt hạn chế xuất khẩu nguyên liệu chip sang Hàn Quốc sau cuộc gặp thượng đỉnh, đánh dấu một số tiến bộ trong việc khắc phục các xung đột lịch sử và kinh tế.
Được biết, Nhật Bản là từng là nước sản xuất chất bán dẫn hàng đầu cho đến những năm 1980 khi quốc gia này bắt đầu nhường phần lớn thị trường của mình cho Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc.