Nhật Bản: Lạm phát tiếp tục duy trì trên 3% khiến BoJ khó xử

Số liệu vừa được công bố cho thấy, lạm phát lõi tại Nhật Bản đã tăng nhanh trong tháng 3 do chi phí thực phẩm tiếp tục leo thang.

Lạm phát lõi tại Nhật Bản tăng tốc trong tháng 3

Lạm phát lõi tại Nhật Bản tăng tốc trong tháng 3

Diễn biến này tiếp tục “làm khó” Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) trong việc đưa ra định hướng chính sách nhằm hóa giải áp lực giá cả gia tăng hay những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế do tác động từ các mức thuế mới của Mỹ.

Số liệu này được công bố ngay trước thềm cuộc họp chính sách tiền tệ của BoJ dự kiến diễn ra vào tuần tới, nơi ngân hàng trung ương này nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 0,5% và điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng.

Triển vọng kinh tế Nhật Bản trở nên u ám hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp mức thuế cao, tạo thêm bất định cho nền kinh tế toàn cầu.

Chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI) - bao gồm giá dầu nhưng loại trừ giá thực phẩm tươi sống - đã tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 3. Mức tăng này khớp với dự báo trung vị của thị trường và cao hơn mức 3% ghi nhận trong tháng 2.

Lạm phát lõi hiện đã vượt mục tiêu 2% của BoJ trong suốt ba năm liên tiếp, phản ánh áp lực giá ngày càng lớn khi các doanh nghiệp tiếp tục chuyển chi phí đầu vào tăng cao sang người tiêu dùng.

Một chỉ số lạm phát khác - không bao gồm cả thực phẩm tươi sống và nhiên liệu, được BoJ theo dõi như chỉ báo xu hướng giá cơ bản cũng tăng lên 2,9% trong tháng 3, cao so với 2,6% trong tháng trước đó.

Người dân Nhật Bản đang phải đối mặt với đà tăng giá diện rộng trên nhiều mặt hàng, từ xăng dầu, chi phí lưu trú cho đến sô-cô-la. Riêng giá gạo đã tăng vọt 92,5% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 3.

Chi phí sinh hoạt leo thang đang bào mòn sức mua hộ gia đình - một yếu tố khiến các nhà hoạch định chính sách càng khó khăn hơn trong việc đánh giá mức độ ảnh hưởng từ các mức thuế mới của Mỹ, điều có thể cản trở đà phục hồi vốn mong manh của nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Nhật Bản.

“Các biện pháp thuế mới đây của Mỹ đang tác động đến nhiều ngành và làm gia tăng đáng kể mức độ bất định”, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato nói với Reuters hôm thứ Năm.

Đây được xem là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất từ chính phủ Nhật cho đến nay, trong bối cảnh hai nước bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại.

“Chúng tôi lo ngại sâu sắc rằng các biện pháp này có thể ảnh hưởng đến kinh tế Nhật Bản cũng như nền kinh tế toàn cầu”, ông Kato nói.

Giá thực phẩm cao "dai dẳng" cùng với tiền lương tăng là những yếu tố duy trì lạm phát tiêu dùng ở mức trên mục tiêu 2% của BoJ, đồng thời cũng củng cố kỳ vọng của thị trường rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục tăng lãi suất từ mức 0,5% hiện nay.

Tuy nhiên, kế hoạch áp thuế của ông Trump đã khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, khiến triển vọng BoJ tiếp tục nâng lãi suất trở nên khó đoán hơn.

Thống đốc BoJ Kazuo Ueda cho biết hôm thứ Năm rằng ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục lộ trình nâng lãi suất, song đồng thời cũng nhấn mạnh sự thận trọng trước những bất ổn kinh tế ngày càng rõ nét do tác động từ các chính sách thuế quan của Mỹ.

Mặc dù Washington đã thông báo trì hoãn 90 ngày việc áp thuế toàn diện lên hàng nhập khẩu, nhưng vẫn giữ nguyên mức thuế 25% đối với nhôm, thép và ô tô, cùng mức thuế 10% áp dụng chung cho nhiều loại hàng hóa khác.

Đại Hùng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nhat-ban-lam-phat-tiep-tuc-duy-tri-tren-3-khien-boj-kho-xu-162964.html
Zalo