Nhật Bản gặp khó khi nhập khẩu khí đốt từ Mỹ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hôm thứ Sáu ngày 7/2 rằng Nhật Bản sẽ sớm bắt đầu nhập khẩu lượng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) kỷ lục từ Alaska.
Tuy nhiên, theo kế hoạch của dự án Alaska LNG trị giá 44 tỷ USD — dự án xuất khẩu LNG duy nhất của bang — phải đến năm 2031 thì lô hàng đầu tiên mới có thể rời cảng. Và đó là trong trường hợp dự án này thực sự được triển khai.
Giới chức Alaska cùng chủ sở hữu dự án, Tập đoàn Phát triển Đường ống khí Alaska (Alaska Gasline Development Corp.), đã ca ngợi thỏa thuận này vào thứ Sáu tuần này.
Tuy nhiên, một chuyên gia phân tích dầu khí tại Alaska cho rằng tuyên bố này không làm thay đổi thực tế rằng bang này đã chật vật hàng chục năm, nhưng vẫn chưa thể đưa khí đốt từ vùng North Slope ra thị trường quốc tế.
Nhật Bản sẽ nhập LNG từ Alaska với số lượng kỷ lục
Tại cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tại Nhà Trắng, ông Trump phát biểu: "Nhật Bản sẽ sớm bắt đầu nhập khẩu những lô hàng LNG sạch kỷ lục từ Mỹ”.
"Chúng tôi đang nói về đường ống dẫn khí tại Alaska, nơi có vị trí gần Nhật Bản nhất, chỉ bằng một nửa khoảng cách so với bất kỳ địa điểm cung cấp dầu khí nào khác. Chúng tôi cũng đang thảo luận về một hình thức liên doanh giữa Nhật Bản và Mỹ liên quan đến dầu khí tại Alaska”, ông nói. Ông Trump cho biết chính quyền của ông và Nhật Bản đều rất hào hứng với dự án này.
Thủ tướng Ishiba cũng đáp lại rằng việc nhập thêm LNG từ Mỹ là "rất tuyệt vời đối với chúng tôi”.
Nhật Bản có thực sự muốn LNG từ Alaska?
Ông Larry Persily, chuyên gia phân tích dầu khí và cựu Phó Ủy viên doanh thu bang Alaska, nhận định rằng các công ty Nhật Bản đã từng nghiên cứu khả năng nhập khẩu khí từ North Slope, Alaska, nhưng cuối cùng vẫn rút lui. Và lần này, dự báo họ cũng sẽ làm điều tương tự.
Nguyên nhân là do chi phí phát triển dự án quá cao, trong khi Nhật Bản có nhiều lựa chọn khác, chẳng hạn như dự án LNG Canada đang được triển khai tại Kitimat, British Columbia (B.C.). Mitsubishi, tập đoàn đa ngành của Nhật Bản, hiện là một trong những nhà đầu tư của dự án này, với kế hoạch xuất khẩu LNG sang Nhật và các nước khác.
Ông Persily cũng lưu ý rằng Canada thực ra không xa Nhật Bản hơn Alaska là bao. "Theo tôi, Nhật Bản đơn giản là không muốn bị xếp chung với Mexico và Canada trong các mối đe dọa áp thuế hay những cơn giận dữ thất thường của ông Trump. Vì vậy, họ chỉ nói: Ồ, chúng tôi sẽ xem xét", ông nói thêm.
"Về mặt chính trị, đây là một bước đi thông minh của Nhật Bản”, ông tiếp tục. "Họ sẽ nghiên cứu dự án trong vài năm, cho đến khi ông Trump rời Nhà Trắng”, ông Persily bổ sung.
Dự án Alaska LNG, phiên bản mới nhất trong nỗ lực khai thác khí đốt từ North Slope, đã được nghiên cứu trong hơn một thập kỷ nhưng vẫn chưa có bước tiến triển thực sự.
Chi phí khổng lồ và quy mô dự án quá lớn đã cản trở nỗ lực triển khai
Dự án Alaska LNG dự kiến sẽ xây dựng một đường ống dài 800 dặm để vận chuyển khí thiên nhiên từ vùng North Slope. Khí này sau đó sẽ được hóa lỏng tại Nikiski, thuộc bán đảo Kenai, trước khi xuất khẩu sang các thị trường châu Á bằng tàu chở LNG chuyên dụng.
Năm ngoái, ban lãnh đạo dự án từng đề xuất đóng cửa dự án nếu không đạt được tiến triển yêu cầu.
Tuy nhiên, công ty Glenfarne, trụ sở tại New York, vốn đang theo đuổi các dự án xuất khẩu LNG tại khu vực Lower 48, mới đây cho biết họ đã đạt được thỏa thuận với cơ quan phát triển đường ống khí Alaska để tiếp tục triển khai dự án, bao gồm cả nhà máy xuất khẩu và đường ống dẫn khí. Thỏa thuận này đã mang lại sinh khí mới cho dự án.
Dù vậy, Alaska LNG vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, đối mặt với nhiều rào cản lớn, đặc biệt là chưa có nguồn tài chính đảm bảo cho tổng chi phí 44 tỷ USD để hiện thực hóa dự án.
Kế hoạch xuất khẩu LNG đầu tiên vào năm 2031
Ông Tim Fitzpatrick, phát ngôn viên của Tập đoàn Phát triển Đường ống khí Alaska, cho biết năm 2031 vẫn là mốc thời gian dự kiến để xuất khẩu lô khí LNG đầu tiên.
Ông nói rằng dự án đã hợp tác với nhiều tập đoàn năng lượng Nhật Bản trong nhiều năm, bao gồm Chiyoda, công ty kỹ thuật tham gia thiết kế nhà máy LNG tại Nikiski.
Trong một tuyên bố chính thức vào thứ Sáu tuần này, cơ quan phát triển đường ống khí cho biết: "Chi phí cạnh tranh, nguồn cung dồi dào và vị trí gần Nhật Bản khiến Alaska LNG trở thành một dự án quan trọng, góp phần tăng cường thương mại và an ninh năng lượng cho cả hai quốc gia. Chúng tôi hoan nghênh sự ủng hộ và hợp tác từ Nhật Bản, và mong muốn tiếp tục các cuộc thảo luận sau những bước tiến quan trọng hiện tại”.
Cơ quan này cũng ước tính rằng dự án sẽ giúp cải thiện cán cân thương mại của Mỹ thêm 10 tỷ USD.
Các chính trị gia Alaska ca ngợi ông Trump vì ủng hộ dự án LNG
Trong các tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu, Thống đốc Alaska Mike Dunleavy, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan và Hạ nghị sĩ Nick Begich III đã lên tiếng khen ngợi Tổng thống Trump vì đã hỗ trợ dự án Alaska LNG.
"Khi chúng tôi tiếp tục thúc đẩy dự án này, chúng tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Trump, các quan chức Nhật Bản và các đối tác khác để nhanh chóng ký kết các thỏa thuận cần thiết. Cảm ơn Tổng thống Trump!" ông Dunleavy phát biểu.
Vào ngày 20/1, ngay sau khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy phát triển tài nguyên thiên nhiên của Alaska.
Sắc lệnh này nhấn mạnh việc ưu tiên phát triển tiềm năng LNG của Alaska, bao gồm bán và vận chuyển LNG Alaska đến các khu vực khác của Mỹ, cũng như các quốc gia đồng minh tại Thái Bình Dương.