Nhật Bản đối mặt nguy cơ siêu động đất lên tới 82%
Một ủy ban của Chính phủ Nhật Bản cho biết khả năng xảy ra một trận siêu động đất tại nước này trong vòng 30 năm tới đã tăng lên, với xác suất dao động từ 75 đến 82%.
Theo Ủy ban Nghiên cứu Động đất, một trận siêu động đất như vậy sẽ có cường độ từ 8 đến 9 độ, gây ra những đợt sóng thần khổng lồ có thể giết chết hàng trăm nghìn người và gây thiệt hại kinh tế lên tới hàng tỷ USD.
Trận động đất tiềm tàng này được dự báo xảy ra dọc theo rãnh Nankai, một rãnh sâu dưới biển dài 800 km chạy song song với bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản. Đây là nơi mảng kiến tạo đại dương Philippine đang trượt xuống dưới mảng lục địa mà Nhật Bản nằm trên.
Các mảng kiến tạo bị kẹt khi di chuyển, tích trữ một lượng lớn năng lượng. Khi các mảng kiến tạo tách ra, năng lượng được giải phóng, dẫn đến động đất lớn.
Trong hơn 1.400 năm qua, các trận động đất lớn ở rãnh Nankai thường xảy ra theo chu kỳ từ 100 đến 200 năm, với lần gần đây nhất diễn ra vào năm 1946.
Một quan chức của Ủy ban Nghiên cứu Động đất chia sẻ rằng đã 79 năm trôi qua kể từ trận động đất cuối cùng, và nguy cơ xảy ra một trận động đất mới đang tăng lên với tốc độ khoảng 1% mỗi năm.
Chính phủ Nhật Bản đã ước tính vào năm 2012 rằng các hòn đảo nhỏ gần bờ có thể bị sóng thần cao trên 30m nhấn chìm. Trong khi đó, các khu vực đông dân cư trên đảo Honshu và Shikoku có thể đối mặt với sóng lớn chỉ vài phút sau khi động đất xảy ra.
Sau thảm họa động đất và sóng thần Tohoku năm 2011, Nhật Bản áp dụng quy tắc mới về siêu động đất. Tháng 8 năm ngoái, Hiệp hội Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã phát hành cảnh báo đầu tiên về động đất lớn theo quy tắc mới này.
Cảnh báo này được đưa ra sau trận động đất 7,1 độ Richter khiến 15 người bị thương. Mặc dù lệnh cảnh báo được dỡ bỏ sau một tuần, nó đã khiến người dân hoảng loạn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt gạo và các nhu yếu phẩm khác do tích trữ hàng loạt.
Nhật Bản từng chứng kiến những trận động đất nghiêm trọng dọc theo rãnh Nankai trong lịch sử. Vào năm 1707, toàn bộ các đoạn của rãnh này đứt gãy cùng lúc, gây ra trận động đất lớn thứ hai từng được ghi nhận tại quốc gia này, đồng thời kích hoạt vụ phun trào cuối cùng của núi Phú Sĩ. Các trận động đất lớn tiếp theo xảy ra vào các năm 1854, 1944 và 1946, tiếp nối chu kỳ thảm họa của khu vực.