Nhật Bản định vị chiến lược phát triển thuốc y tế mới trong tương lai
Bất chấp là quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới, Nhật Bản vẫn phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng - đó là thiếu hụt nguồn cung thuốc, và đặc biệt Nhật Bản đã tụt hậu so với các quốc gia khác trong việc phát triển vắc xin và thuốc điều trị trong thời gian lây lan của đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh trên, chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu phát triển nhiều loại thuốc y tế mới trong những năm tới.
Để tăng cường khả năng phát triển các loại thuốc y tế mới, chính phủ Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp với các công ty dược phẩm trong và ngoài nước, các nhà nghiên cứu, cơ quan nghiên cứu, nhóm các bệnh nhân…, để lắng nghe ý kiến và “định vị” chiến lược của Nhật Bản trong lĩnh vực này. Hội nghị cũng lắng nghe các công ty dược phẩm nước ngoài trình bày về những khó khăn, rào cản trong lĩnh vực đầu tư, phát triển kinh doanh tại Nhật Bản, cũng như cung cấp các thông tin liên quan các công trình nghiên cứu đang được tiến hành tại Nhật Bản.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chính phủ nước này sẽ tăng cường đầu tư tư nhân vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển thuốc y tế mới, với mục tiêu đến năm 2028 sẽ có ít nhất 10 công ty dược phẩm có tổng giá trị từ 10 tỷ yên trở lên được thành lập: “Bằng cách định vị ngành dược phẩm là một ngành tăng trưởng, đảm bảo ngân sách cần thiết, thu hút nguồn nhân lực và vốn xuất sắc từ Nhật Bản và nước ngoài, chúng tôi sẽ có thể đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu thuốc y tế mới. Điều này sẽ giúp Nhật Bản đóng góp nhiều hơn cho người dân trên toàn thế giới”.
Chính phủ Nhật Bản hiện đang nỗ lực phát triển các cơ sở y tế trong nước có khả năng thực hiện các thử nghiệm lâm sàng, cùng với sự cộng tác của các công ty nước ngoài nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc y tế. Chiến lược y tế của Nhật Bản cũng bao gồm việc thành lập một hội đồng mới với nhiều chuyên gia, dự kiến sẽ được triển khai trong năm tài chính tới để tăng cường hợp tác, kết nối giữa khu vực công với các khu vực tư nhân.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, doanh số bán dược phẩm do Nhật Bản sản xuất trên thị trường dược phẩm toàn cầu đã giảm dần theo từng năm, và kể từ năm 2014 đến nay là dưới 10%. Đặc biệt, trong thời gian lây lan nhanh chóng của đại dịch Covid-19, Nhật Bản bị đánh giá “tụt hậu” so với nhiều quốc gia khác trong việc phát triển vắc-xin tiêm phòng cũng như các loại thuốc điều trị bệnh. Ngoài ra, tình trạng “thiếu hụt thuốc”, trong đó nhiều loại thuốc mặc dù được phê duyệt ở nước ngoài nhưng không thể sử dụng ở Nhật Bản, đã trở thành một vấn đề, trong khi các thử nghiệm lâm sàng không được tiến hành ở Nhật Bản vì số lượng thuốc hạn chế. Điều này khiến ngành y tế của Nhật Bản thực sự gặp nhiều thách thức.
Trước đó vào tháng 5 vừa qua, một nhóm các chuyên gia của chính phủ Nhật Bản cũng đã soạn thảo một chiến lược mới trong lĩnh vực y tế. Theo chiến lược này, ngoài giải pháp tăng cường sự hỗ trợ của chính phủ cho nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực, còn bao gồm các biện pháp cải thiện môi trường cho các thử nghiệm lâm sàng, xây dựng một hệ thống quy chuẩn để thu hút nguồn nhân lực và nguồn vốn từ bên ngoài.