Nhật Bản công khai trỗi dậy như một cường quốc quân sự?

DSEI Japan 2025 - Triển lãm quốc phòng lớn nhất từ trước tới nay tại Nhật Bản là dấu hiệu mới nhất cho thấy Tokyo đang có cách vận dụng mới chủ nghĩa hòa bình thời hậu Thế chiến II để trở thành một nhân tố quan trọng trên thị trường vũ khí toàn cầu

Nhật Bản đã quảng cáo mạnh các sản phẩm quân sự của mình tại triển lãm DSEI năm nay. Ảnh: X

Nhật Bản đã quảng cáo mạnh các sản phẩm quân sự của mình tại triển lãm DSEI năm nay. Ảnh: X

Theo trang Asia Times, Triển lãm và hội nghị quốc phòng DSEI Japan 2025 – được tổ chức từ ngày 21 đến 23/5 tại trung tâm Makuhari Messe, gần Tokyo – là kỳ lớn nhất từ trước đến nay, thu hút 471 công ty, trong đó có 169 từ Nhật Bản và 302 đến từ Mỹ, Anh và 30 quốc gia khác.

Phản ánh sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản và vai trò ngày càng lớn của nước này trong an ninh khu vực cũng như hợp tác quân sự quốc tế, quy mô triển lãm năm nay lớn hơn khoảng 60% so với năm 2024 và gấp đôi sự kiện năm 2023.

Cách đây một năm, ông Tim Haffner – sĩ quan phụ trách quan hệ chiến lược của Lực lượng Mỹ tại Nhật – từng nhận định rằng: “DSEI lần đầu tiên đã tập hợp các lãnh đạo trong ngành công nghiệp, chính sách và chiến lược để cùng thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực ngay tại Nhật Bản. Đây là một sự kiện có tính bước ngoặt, cho thấy Nhật đang vươn lên thành quốc gia dẫn đầu về công nghệ quốc phòng và đối tác an ninh”.

Lượng người tham dự năm nay cho thấy nhận định đó hoàn toàn chính xác.

Được quảng bá là “sự kiện quốc phòng quy mô lớn duy nhất và tích hợp toàn diện tại Nhật Bản”, triển lãm trưng bày nhiều loại sản phẩm quốc phòng, từ đạn dược và xe bọc thép đến hệ thống thông tin liên lạc, nhận dạng mục tiêu, vật tư y tế dã chiến, và vũ khí từ cỡ nhỏ đến hạng nặng.

Các mô hình tàu chiến lớp Mogami, drone ngầm, súng điện từ (railgun) và tên lửa Type-12 của Nhật Bản thu hút sự chú ý đặc biệt, cũng như dự án chiến đấu cơ thế hệ mới GCAP (Chương trình Không chiến Toàn cầu) do Nhật, Anh và Italy phối hợp phát triển. Đối với Bộ Quốc phòng và ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản, đây là cơ hội tiếp thị chưa từng có.

Thủ tướng Shigeru Ishiba đã đến tham quan và phát biểu tại triển lãm, và đây là lần đầu tiên một Thủ tướng đương nhiệm của Nhật làm điều này. “Chúng ta đang đối mặt với môi trường an ninh nghiêm trọng và phức tạp nhất kể từ sau Thế chiến II”, ông Shigeru nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani – người phát biểu chính tại hội nghị – bày tỏ hy vọng sự kiện sẽ “mở ra cơ hội mới cho hợp tác và trao đổi giữa các phái đoàn quốc gia và doanh nghiệp, góp phần duy trì phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, thúc đẩy đổi mới và tăng cường hòa bình, ổn định”.

Ông Katsuyuki Nabeta – giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi (MHI) – chia sẻ với báo giới: “Với môi trường an ninh ngày càng bất định, tôi tin rằng chúng ta phải phản ứng không chỉ ở phạm vi quốc nội mà còn với tầm nhìn quốc tế rộng hơn. Chúng tôi rất vinh dự có cơ hội giới thiệu công nghệ của mình đến nhiều đối tác hơn”.

Bất chấp các ràng buộc mang tính phản quân phiệt, như Điều 9 Hiến pháp (từ bỏ chiến tranh và cấm sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp), các giới hạn sản xuất vũ khí và cấm xuất khẩu sau Thế chiến, Nhật vẫn kiên định với 4 lý do cơ bản để phát triển quốc phòng: Năng lực răn đe và đáp ứng nhu cầu phòng vệ cụ thể; Là công cụ mặc cả trong liên minh với Mỹ và trên trường quốc tế; Tự chủ và khả năng ứng phó khẩn cấp; Chính sách công nghiệp thông qua công nghệ lưỡng dụng.

Trong bài viết có tiêu đề “Sự nghi ngại về [Tổng thống] Trump bao trùm triển lãm vũ khí”, báo Asahi Shimbun mới đây dẫn lời một nguồn tin giấu tên trong Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói rằng “sự khó đoán của ông Trump đang gây lo ngại về việc phụ thuộc vào vũ khí và các thỏa thuận an ninh của Mỹ”, và “các nước châu Âu đặc biệt đang tìm kiếm một hệ thống an ninh không còn phụ thuộc vào Mỹ, đồng thời sẽ dần rời xa thị trường vũ khí Mỹ”.

Giáo sư Christopher Hughes (Đại học Warwick, Anh) nhận định rằng Nhật Bản từng được xem là hình mẫu của một quốc gia không phải cường quốc nhưng vẫn nội địa hóa được công nghệ quốc phòng – và hiện vẫn duy trì tham vọng đó.

Tuy nhiên, việc gắn quốc phòng vào khu vực dân sự nhằm hạn chế ngân sách quân sự đã khiến ngành công nghiệp quốc phòng Nhật bị phân mảnh, thiếu hiệu quả và lợi nhuận thấp, trong khi lệnh cấm xuất khẩu khiến nước này bị cắt khỏi thị trường và hợp tác quốc tế.

Nỗ lực khắc phục bắt đầu từ năm 2014, khi Thủ tướng Shinzo Abe thông qua “Ba nguyên tắc chuyển giao thiết bị quốc phòng,” cho phép xuất khẩu nếu phục vụ hòa bình, hợp tác quốc tế hoặc an ninh Nhật Bản – với điều kiện không xuất cho các nước đang có xung đột và lệnh tái xuất phải được Nhật kiểm soát.

Bước cải cách lớn tiếp theo đến vào tháng 12/2022, khi nội các Thủ tướng Fumio Kishida phê chuẩn Chiến lược An ninh Quốc gia mới.

Bộ Ngoại giao Nhật tuyên bố rằng “nền tảng của trật tự quốc tế đang bị lung lay, thế giới đang đứng trước ngã rẽ lịch sử… và Nhật đang ở tâm điểm của môi trường an ninh nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến II".

Theo Giáo sư Christopher Hughes, Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Nhật Bản đi kèm hai tài liệu khác: Chiến lược Quốc phòng và Chương trình Tăng cường Quốc phòng. Hai tài liệu này nhấn mạnh tăng năng lực phòng thủ từ xa, tích hợp phòng không – phòng thủ tên lửa, quốc phòng không người lái, và năng lực xuyên lĩnh vực: đất, biển, không, không gian, mạng và điện từ.

Chính phủ Nhật Bản cũng cam kết tăng ngân sách quốc phòng từ 1% lên 2% GDP vào năm 2027, nâng tỷ trọng mua sắm vũ khí trong ngân sách, tăng tỷ suất lợi nhuận để tránh tình trạng doanh nghiệp rút lui khỏi lĩnh vực quốc phòng, và mở rộng hợp tác với châu Âu, Australia và Đông Nam Á.

Thoát khỏi các giới hạn cũ, doanh nghiệp quốc phòng Nhật bắt đầu tích cực tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu – từ nhỏ (tàu tuần tra cho Philippines) đến lớn (tàu ngầm lớp Soryu từng chào bán cho Australia nhưng thất bại; hiện đang xúc tiến bán tàu hộ vệ Mogami cho Áutralia và Indonesia).

Ông Hughes cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của dự án chiến đấu cơ thế hệ mới (GCAP) – một đối tác ngang hàng, chia sẻ toàn bộ công nghệ và “tự do điều chỉnh”. Dù có những hoài nghi, ông tin rằng chính phủ Anh thực sự cam kết với dự án, điều đã được thể hiện tại hội nghị thượng đỉnh Nhật – Italy – Anh vào tháng 11 năm ngoái.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nhat-ban-cong-khai-troi-day-nhu-mot-cuong-quoc-quan-su-20250525184942036.htm
Zalo