Châu Âu đang tính giải pháp tối ưu cho dòng chảy vũ khí vào Ukraine
Giữa lúc Mỹ úp mở về khả năng rút chân khỏi đàm phán hòa bình và ngừng viện trợ cho Ukraine, châu Âu dường như đã tìm ra giải pháp tối ưu nhằm duy trì dòng chảy vũ khí đến Kiev.
Khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu giảm tốc độ cam kết với Ukraine, các thủ đô châu Âu, từ Berlin đến Paris, từ Brussels tới Warsaw, đang rơi vào trạng thái báo động. Dòng viện trợ quân sự từ Mỹ tới Ukraine, đang cạn dần, để lại một khoảng trống lớn mà lục địa “già” chưa chắc có thể nhanh chóng lấp đầy.
Không có hệ thống sản xuất vũ khí tương đương Mỹ, cũng không sở hữu kho dự trữ lớn, châu Âu đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc tự hành động, hoặc để Ukraine rơi vào thế bất lợi. Một giải pháp đang được nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cân nhắc là mua vũ khí của Mỹ rồi tự tay chuyển đến Kiev.

Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Reuters
Đối sách của châu Âu
Theo thống kê, từ năm 2015 đến năm 2023, Mỹ đã âm thầm cho phép xuất khẩu vĩnh viễn các mặt hàng và dịch vụ quốc phòng trị giá hơn 1,6 tỷ USD sang Ukraine thông qua hình thức bán hàng thương mại trực tiếp (Direct Commercial Sales – DCS).
Tờ Kyiv Post ngày 1/5 đưa tin chính quyền Tổng thống Trump mới đây đã chính thức thông báo với Quốc hội về kế hoạch cho phép xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng sang Ukraine thông qua hình thức này với tổng giá trị từ 50 triệu USD trở lên. Đáng chú ý, động thái trên diễn ra chỉ vài tuần sau khi chính quyền Trump tạm thời đình chỉ toàn bộ viện trợ quân sự cho Ukraine nhằm tiến hành rà soát lại chính sách.
Đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ đã có sự chuyển hướng nhất định trong cách tiếp cận cuộc xung đột Nga-Ukraine, mở ra một lối đi mới cho phương Tây trong nỗ lực duy trì dòng viện trợ quân sự cho Kiev.
Các nhà lãnh đạo châu Âu chỉ ra rằng nếu Tổng thống Trump không sẵn lòng viện trợ trực tiếp thì ít nhất ông chủ Nhà Trắng cũng có thể đồng ý bán vũ khí. Phương án này không chỉ kéo dài thời gian để châu Âu tự xây dựng năng lực phòng thủ độc lập mà còn giúp Ukraine duy trì sức chiến đấu trên chiến trường.
Các nguồn tin thân cận với giới chức phương Tây nhận định rằng, Điện Kremlin đang cố tình trì hoãn đàm phán hòa bình nhằm tìm kiếm thêm lợi thế trước Ukraine. Một cuộc tấn công mùa hè có thể đang được lên kế hoạch, tận dụng lúc Ukraine đang rơi vào tình trạng thiếu hụt các hệ thống phòng không và đạn dược.
Tất cả những động thái trên của EU được cho sẽ giúp Ukraine ngăn chặn bước tiến của Nga và có thể gây thêm áp lực lên Tổng thống Putin để Moscow nghiêm túc hơn về lệnh ngừng bắn. Và nếu người châu Âu có thể thuyết phục ông Trump tiếp tục cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine, Kiev có thể sẽ trụ vững thêm một thời gian nữa trên chiến trường.
Trong bối cảnh ấy, EU đang chuẩn bị gói trừng phạt mới, bao gồm loại hơn 20 ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, hạ trần giá dầu xuất khẩu của Nga, và thậm chí cấm hoàn toàn đường ống Nord Stream – biểu tượng cuối cùng của thời kỳ hòa dịu với Moscow. Nhưng ngay cả những dự định ấy, dù được hiện thực hóa, nhiều khả năng cũng chưa đủ sức nặng để buộc Nga ngồi vào bàn đàm phán nếu thiếu Mỹ.
Ông Andrew Weiss, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định rằng: “Tôi không chắc mức độ rủi ro sẽ lớn đến đâu nếu Mỹ quyết định rút lui khỏi vai trò dẫn dắt hòa đàm, nhưng vẫn để ngỏ khả năng cho phép châu Âu hoặc Ukraine mua vũ khí do Mỹ sản xuất, đồng thời duy trì hoạt động chia sẻ tình báo với Kiev. Đây dĩ nhiên không phải là kịch bản lý tưởng và chắc chắn không phải phương án tối ưu nhưng cũng chưa đến mức là thảm họa mà nhiều người vẫn e sợ”.
Chuyên gia này cũng nói thêm rằng một sự điều chỉnh như vậy có thể khiến Tổng thống Trump phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: giữa mong muốn duy trì một mối quan hệ hòa hảo với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và mục tiêu thúc đẩy lợi ích kinh tế cho Mỹ thông qua các hợp đồng bán vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho các đồng minh NATO.
Tổng thống Donald Trump, theo các nguồn thạo tin, mới đây đã có các cuộc trao đổi riêng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và một số lãnh đạo châu Âu. Sau cuộc điện đàm, ông Trump tuyên bố sẵn sàng “rút lui” khỏi vai trò trung tâm nếu không thấy đủ tiến triển trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moscow.
“Đây là chuyện của châu Âu. Và nó nên tiếp tục là chuyện của châu Âu”, ông Trump nói.
Tuyên bố ấy dường như đã dội một gáo nước lạnh vào cộng đồng an ninh – quốc phòng của Mỹ và các đồng minh phương Tây. Một số quan chức vẫn kỳ vọng Washington sẽ duy trì hoạt động chia sẻ tình báo với Ukraine, đặc biệt trong công tác tình báo. Việc tạm thời ngừng chia sẻ thông tin tình báo trước đó đã gây ra nhiều khó khăn cho các chiến dịch của Kiev, đồng thời làm dấy lên một nỗi lo âm ỉ trong giới chức NATO rằng Mỹ, dưới thời ông Trump, có thể sẽ “mạnh tay” với châu Âu như cách đã làm với Ukraine.
Thời gian đang cạn dần
Các chuyên gia cảnh báo rằng các lô vũ khí còn lại do cựu Tổng thống Joe Biden phê duyệt và tài trợ có thể cạn kiệt ngay trong mùa hè này. Và châu Âu vẫn đang chật vật trong nỗ lực mở rộng năng lực sản xuất quốc phòng để bù đắp khoảng trống do Mỹ để lại. Cùng lúc đó, phía Nga dường như đang chuẩn bị tận dụng khoảng lặng chiến lược này để tổ chức một đợt tấn công mùa hè quy mô lớn.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng viễn cảnh không hoàn toàn bi quan. Ông Samuel Charap, chủ tịch danh dự phụ trách chính sách Nga và Á – Âu tại RAND Corporation, nhận định: “Xét đến tính chất chủ yếu là phòng thủ của chiến trường hiện nay, cùng vai trò ngày càng lớn của các loại máy bay không người lái do Ukraine sản xuất trong nước, thì việc không có thêm gói tài trợ từ Washington sẽ không dẫn đến thảm họa tức thời”.
Song với nhiều chuyên gia, sự hiện diện của Mỹ vẫn là yếu tố không thể thiếu nếu phương Tây muốn buộc Moscow ngồi vào bàn đàm phán một cách nghiêm túc. Ông Charles Kupchan, thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), nhận định: “Cách duy nhất để khiến Nga cân nhắc chấm dứt cuộc chiến là cho Ukraine những gì họ cần và thứ đó phần lớn phải đến từ Mỹ, dù là qua con đường mua bán hay viện trợ vũ khí”.
Ông Kupchan còn đề xuất rằng một thỏa thuận kinh tế, chẳng hạn như khai thác tài nguyên thiên nhiên chung giữa Mỹ và Ukraine, có thể là đòn bẩy để ông Trump đưa vấn đề tài trợ quay trở lại Quốc hội mà không vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ những người theo chủ nghĩa biệt lập trong đảng Cộng hòa.
“Nếu ông ấy có thuyết phục Mỹ rằng đây là một khoản đầu tư có lợi cho Mỹ, chứ không phải gánh nặng cho người đóng thuế, mọi chuyện sẽ khác”, chuyên gia này cho biết.
Ngoại trưởng Marco Rubio, trong một cuộc điều trần trước Quốc hội, tiết lộ rằng chính quyền đang thúc giục các đồng minh NATO tăng tốc chuyển giao thêm các khẩu đội Patriot cho Ukraine. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn do dự, vì họ muốn giữ lại những hệ thống này để bảo vệ lãnh thổ của mình trước nguy cơ leo thang từ Nga.
Tổng thống Volodymyr Zelensky, trong một cuộc họp báo hồi tháng 4/2025, xác nhận rằng Kiev đang muốn mua ít nhất 10 hệ thống Patriot từ Mỹ và vẫn đang chờ phản hồi chính thức từ Washington. Đối với Ukraine lúc này, mỗi hệ thống là một tấm khiên sống còn, giúp quân đội nước này tiếp tục co kéo thời gian trên chiến trường trước khi ngồi vào bàn đàm phán.
Trong bối cảnh ấy, châu Âu không chỉ đang chạy đua với thời gian để lấp đầy khoảng trống chiến lược do Mỹ để lại, mà còn đứng trước một bài toán hóc búa về niềm tin: liệu họ nên tiếp tục nương theo sự dẫn dắt của Washington, hay phải tự mình viết lại luật chơi?