Nhật Bản: BoJ không vội can thiệp khi lợi suất trái phiếu có dấu hiệu leo thang

Thị trường tài chính Nhật Bản đang chứng kiến sự thay đổi đáng kể, khi mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) thể hiện thái độ không quá lo lắng trước việc lợi suất trái phiếu chính phủ nước này có dấu hiệu tăng lên

BoJ hiện tại không quá lo lắng về lợi suất trái phiếu tăng cao

BoJ hiện tại không quá lo lắng về lợi suất trái phiếu tăng cao

BoJ không mấy quan ngại

Các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) đang dần thích nghi với bối cảnh không còn sự can thiệp mạnh mẽ từ BoJ. Điều đáng chú ý là ngân hàng trung ương này không cho thấy dấu hiệu nào về việc sẽ quay trở lại phương thức can thiệp trực tiếp, mặc dù lợi suất dài hạn đã ghi nhận mức tăng trưởng đều đặn trong thời gian gần đây.

Thống đốc BoJ, ông Kazuo Ueda, trong một phát biểu vào thứ Sáu tuần trước, đã đưa ra cảnh báo rằng ngân hàng có thể sẽ tăng cường mua trái phiếu nếu thị trường xuất hiện những biến động "bất thường" dẫn đến lợi suất tăng vọt. Tuy nhiên, đây thực chất chỉ là việc ông nhắc lại cam kết mà BoJ đã đưa ra khi bắt đầu tiến trình giảm dần lượng mua trái phiếu từ tháng 7 năm ngoái.

Ông Ueda nhấn mạnh rằng BoJ vẫn kiên định với quan điểm để các yếu tố thị trường tự do quyết định lợi suất dài hạn.

Sau khi chấm dứt chính sách trần lợi suất trái phiếu quanh mức 0 vào năm trước, BoJ đã thiết lập một ngưỡng rất cao cho việc triển khai các hoạt động mua trái phiếu khẩn cấp. Theo hai nguồn tin quen thuộc với BoJ, đây là công cụ chỉ được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như khi lợi suất trái phiếu tăng đột ngột và liên tục.

Một nguồn tin nhận định: "Việc lợi suất trái phiếu nhích lên là điều dễ hiểu, nếu kỳ vọng của thị trường về lãi suất cuối cùng của BoJ tăng lên".

Quan điểm này cũng được nguồn tin thứ hai chia sẻ và bổ sung: "Tôi không cho rằng BoJ quá lo ngại về những diễn biến hiện tại, bởi chúng diễn ra từ tốn chứ không đột ngột".

Trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) đã chứng kiến xu hướng tăng ổn định từ tháng 10 năm ngoái, ban đầu chủ yếu do theo dòng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng.

Quyết định nâng lãi suất ngắn hạn lên 0,5% của BoJ vào tháng 1, cùng với dữ liệu GDP và lạm phát trong nước khả quan hơn dự kiến, đã đẩy nhanh đà tăng này. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn đã chạm mức cao nhất trong 15 năm, đạt 1,44% vào thứ Năm tuần trước, do thị trường kỳ vọng BoJ sẽ tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến ban đầu.

Mặc dù phát biểu của ông Ueda đã giúp hạ lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm xuống còn 1,42% vào thứ Sáu, một số nhà quan sát thị trường dự đoán rằng con số này có thể sẽ tăng lên 1,5% trong những tuần tới.

"Tôi không nghĩ rằng thị trường tin rằng lợi suất đã đạt đỉnh khi chạm mức 1,4%", ông Naoya Hasegawa, chiến lược gia trái phiếu trưởng tại Okasan Securities, nhận định và cho rằng, có nhiều khả năng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ đạt 1,5% vào cuối tháng Ba.

Kết quả khảo sát của Reuters cho thấy các chuyên gia kinh tế dự đoán sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, thị trường hoán đổi lãi suất cho thấy một số nhà đầu tư đang đặt cược vào khả năng 69% sẽ có thêm hai đợt tăng.

Ông Trump có thể "làm dịu" thị trường trái phiếu?

Ông Ueda tiết lộ rằng ông không thảo luận về diễn biến lợi suất trái phiếu tăng gần đây trong cuộc họp với Thủ tướng Shigeru Ishiba, điều này khiến một số nhà đầu tư mua vào đồng yên Nhật, cho rằng các nhà hoạch định chính sách không coi đây là vấn đề đáng lo ngại.

Phát biểu này được đưa ra sau khi thành viên hội đồng quản trị BoJ, ông Hajime Takata, người từng là một chiến lược gia trái phiếu, nhận định rằng việc lợi suất tăng là sự phản ánh tự nhiên của nền kinh tế đang phục hồi.

Cách tiếp cận lạc quan này đánh dấu một sự thay đổi lớn so với giai đoạn trước, khi BoJ sử dụng cả cảnh báo bằng lời và mua trái phiếu quy mô lớn để kiểm soát lợi suất, đồng thời thúc đẩy lạm phát theo chương trình kích thích tiền tệ quyết liệt của cựu Thống đốc Haruhiko Kuroda.

Điều này cũng cho thấy sự tập trung của BoJ vào việc giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các biện pháp hỗ trợ tiền tệ quy mô lớn trong nhiều thập kỷ, bao gồm cả việc giảm sự can thiệp mạnh mẽ của mình đối với JGB.

Việc tăng cường mua trái phiếu sẽ không dễ dàng, bởi nó sẽ đi ngược lại các nỗ lực của BoJ trong việc loại bỏ dần các biện pháp kích thích khổng lồ.

BoJ đã chấm dứt chương trình kích thích của ông Kuroda, bao gồm cả việc kiểm soát lợi suất trái phiếu, vào tháng Ba năm ngoái. Họ cũng bắt đầu giảm dần lượng mua trái phiếu quy mô lớn theo kế hoạch công bố vào tháng Bảy, với mục tiêu giảm một nửa lượng mua hàng tháng xuống còn 3 nghìn tỷ yên (20 tỷ USD) vào tháng 3/2026.

Ngân hàng trung ương này đang giảm lượng trái phiếu mua vào hàng tháng theo từng giai đoạn, hiện ở mức 4,5 nghìn tỷ yên. Với tốc độ này, các nhà phân tích dự đoán sẽ mất khoảng 7 năm để giảm một nửa lượng trái phiếu 585 nghìn tỷ yên, tương đương gần bằng quy mô GDP của Nhật Bản.

Bà Sayuri Shirai, cựu thành viên hội đồng quản trị BoJ, hiện là giáo sư tại Đại học Keio, Nhật Bản, nhận định: "BoJ có thể sẽ không thực hiện việc mua trái phiếu khẩn cấp, ngay cả khi lợi suất tiếp tục tăng, vì mục tiêu chính của họ là giảm lượng trái phiếu nắm giữ khổng lồ".

Bà nói thêm: "Tốc độ giảm dần hiện tại vốn dĩ đã khá chậm. Về phần mình, chính phủ có lẽ cũng hài lòng, miễn là lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm vẫn ở dưới mức 2%".

BoJ hy vọng kế hoạch giảm dần lượng mua trái phiếu sẽ giúp giảm bớt những căng thẳng trên thị trường do sự can thiệp mạnh mẽ trước đây. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của BoJ với các công ty bảo hiểm, công ty quản lý tài sản và các nhà đầu tư khác, tiến độ đạt được cho đến nay vẫn còn chậm.

Chỉ số đo lường hoạt động của thị trường trái phiếu trong khảo sát, bao gồm các câu hỏi về khả năng giao dịch với khối lượng lớn của các thành viên thị trường, đang ở mức -20, cho thấy số người đánh giá hoạt động thị trường trái phiếu ở mức thấp nhiều hơn so với số người đánh giá ở mức cao.

Thử thách quan trọng sẽ đến vào tháng Sáu, khi BoJ tiến hành đánh giá lại kế hoạch giảm dần lượng mua trái phiếu hiện tại, có hiệu lực đến tháng 3/2026, và đưa ra kế hoạch cho giai đoạn từ tháng Tư năm đó trở đi.

Mặc dù các cuộc thảo luận nội bộ về việc đánh giá lại vẫn chưa bắt đầu, quyết định này sẽ có vai trò then chốt trong việc xác định tốc độ BoJ có thể giảm quy mô bảng cân đối kế toán khổng lồ của mình.

Nếu xu hướng tăng lợi suất dài hạn tiếp tục diễn ra, nó có thể ảnh hưởng đến tốc độ BoJ giảm dần lượng mua trái phiếu sau tháng 4/2026. Lợi suất trái phiếu tăng cũng có thể tác động đến cuộc tranh luận của hội đồng quản trị về tốc độ và thời điểm tăng lãi suất chính sách ngắn hạn, các nhà phân tích nhận định.

Tuy nhiên, cựu thành viên hội đồng quản trị BoJ, ông Takahide Kiuchi, cho rằng chính những đe dọa về thuế quan ô tô của Tổng thống Mỹ có thể sẽ kéo lợi suất trái phiếu đi xuống, do làm gia tăng lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế ở Nhật Bản và giảm bớt kỳ vọng về việc BoJ tăng lãi suất mạnh mẽ.

"Nếu những lo ngại về triển vọng kinh tế Nhật Bản gia tăng và gây áp lực lên giá cổ phiếu trong nước, trái phiếu chính phủ Nhật Bản có thể được mua vào như một tài sản an toàn, từ đó đẩy lợi suất đi xuống", ông Kiuchi, hiện là chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nomura, nói.

Đại Hùng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nhat-ban-boj-khong-voi-can-thiep-khi-loi-suat-trai-phieu-co-dau-hieu-leo-thang-160736.html
Zalo