Nhập viện vì vui quá đà

Trong 9 ngày nghỉ Tết, các cơ sở khám chữa bệnh đã tiếp nhận cấp cứu gần 550.000 trường hợp, trong đó số điều trị nội trú là hơn 190.000 người

Sáng mùng 1 Tết, anh Trần Hoàng M. (48 tuổi ở Hà Nội) kêu đau bụng dữ dội, được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu với chẩn đoán viêm tụy cấp biến chứng suy đa tạng do sử dụng rượu, bia, huyết áp tăng cao. Người nhà cho hay anh vốn có sẵn bệnh nền, ngày Tết lại nhậu tất niên triền miên và không uống thuốc đầy đủ nên bất ngờ ngã gục khi đi vệ sinh vào sáng sớm.

Ăn uống quá "thịnh soạn"

Theo các bác sĩ, sau Tết số lượng bệnh nhân tới khám, nhập viện thường có xu hướng tăng cao hơn bình thường. Việc nạp vào cơ thể những thực phẩm chứa nhiều chất béo, nhiều đường, ít chất xơ, uống nhiều rượu, bia, nước ngọt có gaz… là nguyên nhân khiến một số bệnh có gia tăng sau Tết, nhất là các bệnh liên quan đến tiêu hóa. Đáng chú ý, viêm tụy cấp là một trong những bệnh lý thường gặp nhất mỗi dịp Tết đến xuân về. Anh M. là một trong số bệnh nhân đó.

TS-BS Phan Bá Hải, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết khi mắc viêm tụy cấp, người bệnh thường có dấu hiệu đau bụng trên hoặc lan ra sau lưng, sốt, mạch nhanh, buồn nôn, nôn, chướng bụng, chán ăn... "Những biểu hiện này dễ gặp trong những bệnh lý khác (tiêu biểu như bệnh dạ dày) khiến người dân chủ quan, không thăm khám kịp thời, có thể để lại hậu quả khôn lường" - BS Hải nhấn mạnh.

Một trường hợp khác là bệnh nhân Trần Văn T. (51 tuổi ở Hà Nội), vào ngày 3-2 (mùng 6 Tết) đã phải đến Bệnh viện Xanh Pôn vì bệnh gout tái phát. Hai ngày trước đó, ông thấy đau, sưng ngón chân cái bên phải, sau đó đau thêm ngón chân cái và cổ chân, không thể tự đi lại được. Ông từng có tiền sử bị đau sưng tương tự, sau 1 tuần tự uống thuốc hết triệu chứng và nghĩ là đã hết bệnh. Theo ông T., nguyên nhân của tình trạng này có thể do những ngày Tết vừa qua ngày nào cũng nhậu và ít vận động.

BS Nguyễn Như Bình, Trung tâm Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết trong những ngày Tết, nhiều trường hợp bị các cơn gout cấp đến bệnh viện khám hoặc phải nhập viện điều trị do bệnh tái phát gây đau đớn do lạm dụng rượu, bia và ăn nhiều thực phẩm giàu chất đạm. Ngoài ra, số ca cấp cứu do rượu, bia giảm hơn năm ngoái nhưng số ca nhập viện do đột quỵ có xu hướng tăng. Nhiều trường hợp này có sẵn bệnh nền như cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường nhưng lại uống thuốc không đều hoặc chủ quan bỏ thuốc dẫn đến bệnh nặng thêm.

Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ngày 3-2. Ảnh: NGỌC DUNG

Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ngày 3-2. Ảnh: NGỌC DUNG

Kiểm soát dinh dưỡng sau Tết

Theo các bác sĩ, sau Tết là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội nên khó tránh việc tụ tập ăn uống, vui chơi. Vì thế, để phòng ngừa các bệnh lý nguy hiểm liên quan đến gan, thận, tụy, tiêu hóa, đặc biệt là xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, suy gan thận do ăn uống, rượu bia, mọi người nên hạn chế đồ uống chứa cồn. Hạn chế tiêu thụ thức ăn nhanh, thực đơn nhiều dầu mỡ hay gia vị, đồ chế biến sẵn, đồ ăn quá lạnh hay quá nóng.

PGS-TS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết lễ, Tết là giai đoạn dễ gặp nhiều nguy cơ sức khỏe nếu bản thân không biết duy trì, cân bằng chế độ dinh dưỡng và các thói quen đã thiết lập trước đó. Người bệnh tim mạch cần kiểm soát chất đạm vì dù lựa chọn chất đạm từ thịt nạc vẫn có lượng mỡ nhất định. Đây là chất béo bão hòa không có lợi cho tim mạch. Dù có bận rộn đến đâu, người bệnh đái tháo đường cũng không nên bỏ bữa hay dồn bữa, vì đây là một trong những mẹo đơn giản nhất để duy trì sự ổn định đường huyết, tránh gây ra các biến chứng hạ đường huyết hay tăng đường huyết. Người bệnh đái tháo đường nên duy trì thời gian để tập thể dục. Không nhất thiết phải là những bài tập phức tạp, có thể là đi bộ, đạp xe, tập yoga… khoảng 30-60 phút/ngày, thực hiện đều đặn 5 ngày/tuần.

"Với người bệnh gout, cần chú ý duy trì chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục và sử dụng một số thuốc đặc trị một cách thường xuyên và lâu dài, kể cả khi không có triệu chứng. Chế độ dinh dưỡng là một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh. Những bữa ăn thịnh soạn, chứa quá nhiều chất đạm, uống rượu, bia liên tục làm gia tăng đột ngột nồng độ axít uric trong máu. Từ đó làm khởi phát các đợt gout cấp, thậm chí là khi người bệnh vẫn đang dùng thuốc điều trị" - một chuyên gia cảnh báo.

Chớ chủ quan với bệnh cúm

BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội truyền nhiễm TP HCM, khuyến cáo bệnh nhân cúm không nên chủ quan, cần vào viện ngay khi có dấu hiệu chuyển nặng như sốt kéo dài, thở mệt hoặc hụt hơi. Ngoài biến chứng viêm phổi, cúm còn làm tăng nguy cơ nhiễm các vi khuẩn, virus khác. Cúm lây qua giọt bắn từ người bệnh khi ho, hắt hơi và dễ lây lan ở nơi đông người. Để phòng tránh cần tiêm ngừa hằng năm, đặc biệt là đối với nhóm nguy cơ cao. Ngoài ra, cần vệ sinh tay thường xuyên, đeo khẩu trang, giữ vệ sinh răng miệng và tránh tiếp xúc nơi đông người. Khi mắc cúm, nên uống nhiều nước, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng.

NGỌC DUNG - HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhap-vien-vi-vui-qua-da-196250203214952906.htm
Zalo