Nhân tố Iran thay đổi xung đột Nga - Ukraine và gây khó cho ông Trump ra sao?

Bỏ qua những khác biệt, Nga chủ động thắt chặt quan hệ với Iran để tạo lợi thế cho mình trong xung đột Ukraine. Nga tiếp tục nâng cấp quan hệ đó ngay trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ đắc cử Trump, đặt ra thách thức cho chính quyền ông Trump trong thời gian tới.

Quan hệ Nga - Iran vươn lên tầm cao mới, tiếp thêm sức mạnh cho Moscow

Chỉ 3 ngày trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Trump nhậm chức, Nga và Iran đạt được “Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện” (ký vào ngày 17/1/2025 tại thủ đô Moscow).

Sự kiện này làm nổi bật mối quan hệ đối tác Nga - Iran, với tác động lớn lên cục diện chiến trường Ukraine và sự cam kết thách thức trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt, ngay cả khi chính phủ mới sắp tới của Mỹ hứa hẹn sẽ đẩy mạnh hơn nữa quan hệ Mỹ - Nga.

Tổng thống Nga Putin (phải) và người đồng cấp Iran Pezeshkian tại Moscow hôm 17/1. Ảnh: Văn phòng tổng thống Iran.

Tổng thống Nga Putin (phải) và người đồng cấp Iran Pezeshkian tại Moscow hôm 17/1. Ảnh: Văn phòng tổng thống Iran.

Tổng thống Nga Putin ca ngợi thỏa thuận song phương mới và hoan nghênh cơ hội thảo luận “mối quan hệ đối tác chiến lược” đang phát triển mạnh mẽ với Iran. Về phần mình, Tổng thống Iran Pezeshkian nói rằng quan hệ giữa hai nước đang phát triển “từng ngày”.

Thực ra Nga và Iran vốn có mối quan hệ khá phức tạp, chứa đựng cả xung đột, cả hợp tác lẫn hoài nghi lẫn nhau. Tuy nhiên, xung đột vũ trang tại Ukraine đã kéo Moscow và Tehran lại gần nhau.

Jon Alterman - Giám đốc Trung tâm Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, trụ sở tại Washington) nhận định với CNN: “Ý tưởng của Nga và Iran coi Mỹ không chỉ là đối thủ mà còn là mục tiêu chiến lược trong chính sách đối ngoại của mình đã kéo cả Nga và Iran xích lại với nhau, cụ thể ở đây là trong vấn đề Ukraine”.

Vào tháng 7/2022, 5 tháng sau khi xung đột vũ trang Nga - Ukraine nổ ra, Tổng thống Nga Putin tới thăm thủ đô Tehran của Iran. Đây là chuyến công du thời chiến đầu tiên của ông Putin bên ngoài không gian Xô viết cũ.

Chuyến thăm giữa năm 2022 đó mang lại nhiều lợi ích cụ thể cho Nga. Nhờ có một thỏa thuận được ký kết sau chuyến thăm. Nga hiện đang sản xuất được nhiều UAV cảm tử do Iran thiết kế, tại một nhà máy ở Tatarstan. Một cuộc khảo sát của CNN vào tháng 12/2024 cho thấy mức sản xuất tại nhà máy này đã tăng hơn hai lần trong năm đó.

Những UAV như trên đã trở thành xương sống trong cuộc chiến tiêu hao của Nga, tàn phá cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine và năng lực phòng không của nước này.

Nga triển khai hơn 11.000 UAV tại Ukraine trong năm 2024 vừa qua, theo một thống kê của CNN dựa trên các báo cáo không quân. Con số này là gấp hơn 4 lần mức trên 2.500 UAV của năm 2023 theo nguồn tin từ tình báo quốc phòng Ukraine.

Ngoài ra, Nga cũng tiếp nhận các tên lửa đạn đạo do Iran sản xuất.

Trong tháng 1/2025, một số blogger quân sự nổi bật của Nga cho biết, các bệ phóng tên lửa Iran cùng một số khí tài khác được chuyển giao cho các thao trường Nga trước khi Hiệp ước toàn diện Nga - Iran được ký kết.

Lợi thế của Nga và thông điệp gửi chính quyền ông Trump sắp nhậm chức

Hai năm rưỡi sau chuyến thăm của ông Putin tới Tehran, tình hình đã thay đổi đáng kể cho cả hai bên tham chiến trong xung đột Nga - Ukraine. Nga đang nắm lợi thế ở Ukraine. Họ giành thêm lãnh thổ ở mặt trận phía Đông. Với trợ giúp của binh lính Triều Tiên, quân Nga đang đẩy dần lực lượng Ukraine ra khỏi tỉnh Kursk thuộc Nga. Chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Trump muốn các bên đàm phán để chấm dứt xung đột. Rộ lên nhiều thông tin cho thấy ông Trump muốn duy trì hiện trạng Nga kiểm soát lãnh thổ của Ukraine hiện nay và chặn nỗ lực của Ukraine xin gia nhập khối quân sự NATO.

Trong khi đó, Iran cũng rất cần đến thỏa thuận với Nga. Nikita Smagin - một chuyên gia độc lập về Nga và Iran, cho rằng chính quyền của Tổng thống Iran Pezeshkian vội ký kết hiệp ước với Nga giữa lúc an ninh Iran đối mặt nhiều mối đe dọa. Ông Smagin phân tích: “Phía Iran e sợ chính quyền Trump, lo ngại Israel, e ngại trước việc chính quyền Assad sụp đổ, rồi việc Hezbollah rơi vào thế khó”.

Trước viễn cảnh Liên Hợp Quốc có thể nối lại các lệnh trừng phạt Iran (từng được gỡ bỏ dựa trên thỏa thuận hạt nhân năm 2015), Iran đang nỗ lực tìm cách thuyết phục Mỹ tham gia trở lại thỏa thuận này (Mỹ đơn phương rút khỏi vào năm 2018) hoặc khởi động lại đàm phán.

Alterman (CSIS) cho rằng Nga biết tận dụng tình hình tại Iran trong lúc này theo hướng có lợi cho Moscow. Hiệp ước Nga - Iran có thể đóng vai trò gửi thông điệp cảnh báo tới Mỹ rằng Nga đang có nhiều lựa chọn.

Giới chức Nga và Iran cho rằng văn bản Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước sẽ giúp Moscow và Tehran trở thành “đối tác chiến lược” trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm hợp tác quốc phòng, chống khủng bố, nặng lượng, tài chính, khoa học công nghệ…

Tổng thống Iran Pezeshkian coi Nga là “quốc gia anh em thân thiện”. Ông cũng kỳ vọng hai bên sẽ sớm đạt được thỏa thuận về xây nhà máy điện hạt nhân tại Iran.

Đáng chú ý, Hiệp ước lịch sử này khẳng định, khi một trong hai nước bị tấn công, nước còn lại không được trợ giúp dưới bất cứ hình thức nào cho bên tấn công. Hiệp định cũng quy định rằng không nước nào trong 2 nước này được tham gia bất cứ chế tài trừng phạt nào của những nước thứ 3 nhằm vào nước còn lại. Tuy nhiên, khác với Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện Nga - Triều Tiên (ký vào tháng 6/2024 tại Bình Nhưỡng), thỏa thuận lần này giữa Nga và Iran không đòi hỏi hai nước phải trực tiếp bảo vệ cho nhau nếu một bên bị tấn công.

Trung Hiếu/VOV.VN tổng hợp Nguồn: CNN, RT, TASS

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhan-to-iran-thay-doi-xung-dot-nga-ukraine-va-gay-kho-cho-ong-trump-ra-sao-post1149504.vov
Zalo