Làm thế nào để bảo vệ hợp tác kinh tế Mỹ - Nhật dưới thời Trump 2.0?

Khi cựu Thủ tướng Nhật Bản đến thăm Washington vào tháng 4.2024, ông Fumio Kishida và Tổng thống Joe Biden đã ăn mừng 'kỷ nguyên mới của hợp tác chiến lược Hoa Kỳ - Nhật Bản'. Một trong những trụ cột của quan hệ đối tác này là củng cố an ninh kinh tế. Nhưng điều đó có thể phải đối mặt với những thách thức dưới thời Tổng thống Donald Trump, người sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20.1.

Căng thẳng được kiểm soát

Nỗi bất an về hợp tác an ninh kinh tế Hoa Kỳ - Nhật Bản hoàn toàn có cơ sở. Một trong những lý do tiềm ẩn cho nỗi bất an này là sự khác biệt về mục tiêu chiến lược. Cụ thể, Hoa Kỳ coi các chính sách an ninh kinh tế hạn chế (chẳng hạn như áp thuế) là một hình thức “áp đặt chi phí”. Ngược lại, Nhật Bản chủ yếu áp dụng các chính sách như vậy để “tăng cường và bảo vệ phát triển công nghệ”. Các văn bản chính sách của Nhật Bản, chẳng hạn như Kế hoạch Hành động an ninh kinh tế và Đạo luật Thúc đẩy an ninh kinh tế hiếm khi nhấn mạnh đến việc áp đặt chi phí như một mục tiêu chiến lược. Ngoài ra, tính bất cân xứng liên quan đến nỗi sợ hãi gia tăng của Nhật Bản trước nguy cơ trả đũa của Trung Quốc đặt ra áp lực đối với Nhật Bản trong việc tuân thủ theo những chính sách an ninh kinh tế của Hoa Kỳ.

 Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp năm 2019. Ảnh: AP

Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp năm 2019. Ảnh: AP

Chẳng hạn, kể từ đầu năm 2024, Washington đã thúc giục Nhật Bản thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với thiết bị sản xuất chất bán dẫn. Phản ứng của Nhật Bản khá hờ hững và Chính phủ Hoa Kỳ đã cân nhắc mở rộng việc áp dụng Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài (FDPR) đối với các đồng minh. Quy định này buộc Nhật Bản không được xuất khẩu các sản phẩm có liên quan sang Trung Quốc mà không có sự cho phép của Hoa Kỳ, nếu các sản phẩm đó kết hợp công nghệ hoặc linh kiện của Hoa Kỳ ở bất kỳ mức độ nào.

Chính quyền Biden cũng đã can thiệp vào nỗ lực mua lại US Steel của Nippon Steel, một động thái mà một quan chức Nhật Bản giấu tên mô tả là Hoa Kỳ "đối xử với các đồng minh Nhật Bản theo cùng cách mà họ đối xử với các nước đối thủ". Washington cuối cùng đã quyết định chặn thỏa thuận vào ngày 3.1.2025 và Yoji Muto, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, không hề che giấu thái độ không hài lòng của mình khi nói rằng "thật khó hiểu và đáng tiếc khi Mỹ đưa ra một quyết định như vậy với lý do an ninh quốc gia".

Khi những yếu tố phức tạp của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tạm thời lắng xuống, Chính quyền Biden cũng đã thay đổi chính sách an ninh kinh tế của mình theo hướng giảm bớt áp lực đối với đồng minh. Chẳng hạn, Mỹ đã loại Nhật Bản và Hà Lan khỏi FDPR đối với thiết bị sản xuất chất bán dẫn. Cho tới hiện nay, hợp tác an ninh kinh tế Hoa Kỳ - Nhật Bản tương đối ổn định và ở một mức độ nào đó, những bất ổn trước kia đã được chính quyền Biden xoa dịu thành công.

Thách thức trở lại

Tuy nhiên, những thách thức có vẻ sẽ tái diễn và trở nên tồi tệ hơn dưới thời chính quyền Donald Trump thứ hai. Mối lo ngại hàng đầu là khả năng Mỹ sẽ mở rộng kiểm soát xuất khẩu để bao gồm các sản phẩm kém tiên tiến. Jamieson Greer, nhân vật có thể trở thành Đại diện Thương mại trong Chính phủ của ông Trump đã đề cập đến tầm quan trọng của việc mở rộng kiểm soát xuất khẩu để bao gồm các chất bán dẫn cũ và công nghệ vận tải. Trong khi đó, ứng cử viên vị trí Ngoại trưởng Marco Rubio đã lập luận về việc áp dụng hạn chế đối với các chất bán dẫn kém tiên tiến. Ngược lại, chính quyền Biden luôn loại trừ các chất bán dẫn không tiên tiến và thiết bị sản xuất chất bán dẫn khỏi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.

Vấn đề thứ hai mà Nhật Bản có thể phải lưu ý dưới thời Trump là xu hướng hành động đơn phương mà không cần tham vấn đồng minh. Dựa trên cách thức hoạt động và điều hành của chính quyền Trump đầu tiên, có thể cho rằng thắt chặt quan hệ với các đồng minh sẽ không phải là ưu tiên hàng đầu của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai.

Cựu Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer đã chỉ ra rằng họ không cần “chờ đợi” các đồng minh hợp tác với Hoa Kỳ trong các biện pháp thuế quan nhằm vào Trung Quốc vì điều đó tương đối vô vọng và mất thời gian. Tương tự như vậy, Nazak Nikakhtar, một cựu quan chức Bộ Thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi kiểm soát xuất khẩu đối với Huawei vào năm 2019, dường như công khai ủng hộ việc kiểm soát thương mại đối với các đồng minh.

Nếu chính sách an ninh kinh tế của chính quyền Donald Trump đi theo hướng đơn phương như nhiệm kỳ trước đó, điều này sẽ thách thức đáng kể sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản trong lĩnh vực này. Tokyo lo ngại Hoa Kỳ có thể mở rộng phạm vi chính sách an ninh kinh tế của mình và sau đó gây sức ép buộc Nhật Bản tuân thủ. Một cách tiếp cận như vậy sẽ làm suy yếu quyền tự chủ chiến lược của Nhật Bản trong khi đây là lại mục tiêu cốt lõi của chiến lược an ninh kinh tế của nước này.

Nhật Bản cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ bị Trung Quốc trả đũa. Tiếp xúc kinh tế giữa Nhật Bản với Trung Quốc sâu hơn so với Hoa Kỳ, vì tỷ lệ xuất khẩu của và nhập khẩu của Nhật Bản từ Trung Quốc cao hơn Hoa Kỳ lần lượt là 10% và 7%. Ngoài ra, các công ty Nhật Bản cũng tiếp xúc đáng kể với thị trường Trung Quốc. Với những mối quan hệ kinh tế sâu sắc này, Nhật Bản phải đánh giá cẩn thận những rủi ro khi thực hiện các biện pháp trừng phạt.

Quỳnh Vũ (Theo EAF)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lam-the-nao-de-bao-ve-hop-tac-kinh-te-my-nhat-duoi-thoi-trump-20-post402407.html
Zalo