Điểm danh hàng loạt tập đoàn lớn 'rót tiền' vào lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Theo tờ Wall Street Journal, hàng loạt tập đoàn lớn vừa 'rót tiền' vào lễ nhậm chức của ông Donald Trump, bao gồm Ford, Amazon, Meta, Toyota, Uber và Pfizer.
Tờ Wall Street Journal mới đây đã xác định được ít nhất 13 tập đoàn và hiệp hội vừa góp "triệu USD" cho lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Với số tiền tối thiểu 1 triệu USD cho mỗi khoản quyên góp, lễ nhậm chức lần 2 của ông Donald Trump đang trên đà trở thành lễ nhậm chức Tổng thống lớn nhất từ trước đến nay.
Theo tờ Wall Street Journal, các 'ông lớn' như Ford, Toyota và Hiệp hội Nghiên cứu và Sản xuất Dược phẩm Hoa Kỳ (PhRMA) đều đã quyên góp 1 triệu USD. Các nhà tài trợ lớn khác đã khuyên góp cho quỹ của Tổng thống đắc cử bao gồm ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, hãng sản xuất ô tô General Motors, Ngân hàng Bank of America, tập đoàn viễn thông AT&T và công ty sản xuất đồ gia dụng Stanley Black & Decker.
Đối với Goldman Sachs, Toyota và PhRMA, đây là lần đầu tiên, các công ty này quyên góp cho lễ nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, sau ít nhất một thập kỷ.
Phía ban tổ chức lễ nhậm chức đã nói rằng, số tiền họ nhận được đang trên đà vượt qua số tiền quyên góp hơn 107 triệu USD trong lễ nhậm chức đầu tiên của ông Donald Trump, trong đó có 18 công ty đã quyên góp hơn 1 triệu USD. Được biết, lễ nhậm chức của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden chỉ nhận được 61 triệu USD tiền quyên góp.
Số 'tiền khủng' đổ vào lễ nhậm chức của ông Donald Trump diễn ra trong bối cảnh hàng loạt các CEO đã kéo đến đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago kể từ khi cuộc bầu cử kết thúc, để có thể gặp gỡ với Tổng thống đắc cử và xây dựng mối quan hệ với ông.
Bản thân ông Donald Trump cũng đã gặp gỡ các CEO từ các "gã khổng lồ" công nghệ Meta, Amazon và Google. Gần đây nhất, ông chủ Amazon là tỷ phú Jeff Bezos đã dùng bữa tối với ông Donald Trump và quyên góp 1 triệu USD vào quỹ nhậm chức. Tỷ phú Mark Zuckerberg, ông chủ tập đoàn Meta, cũng có hành động tương tự vào tháng trước.
Trong khi đó, một số chiến lược gia thuộc Đảng Cộng hòa đã kêu gọi các công ty loại bỏ những nội dung được cho là thiên vị Đảng Dân chủ trên trang web và trong chính sách của mình. Một trong số đó là nhà sản xuất gia dụng hàng đầu Hoa Kỳ Stanley Black & Decker, khi tập đoàn này không chỉ rút lại cam kết tạm dừng quyên góp cho Đảng Cộng hòa sau sự kiện tại Đồi Capitol ngày 6/1/2021, mà quyên góp 1 triệu USD cho lễ nhậm chức của ông Donald Trump. Được biết, số tiền mà tập đoàn này quyên góp cho lễ nhậm chức đầu tiên của ông Trump chỉ "vỏn vẹn" 25.000 USD.
Tương tự, nền tảng giao dịch tiền điện tử Kraken cũng đã quyên góp 1 triệu USD cho Tổng thống đắc cử, trong bối cảnh ngành công nghiệp tiền điện tử đặt nhiều kỳ vọng vào chính quyền sắp tới. Đại diện Kraken cho biết, Chủ tịch Jesse Powell và Giám đốc điều hành Arjun Sethi đã có các cuộc gặp gỡ với ông Donald Trump trong suốt chiến dịch tranh cử cũng như sau khi ông đắc cử. Trong các cuộc thảo luận, ưu tiên hàng đầu được hai bên đề cập là việc giải quyết việc một số ngân hàng Hoa Kỳ từ chối hợp tác với các công ty tiền điện tử.
Tương tự, Coinbase – một nền tảng giao dịch tiền điện tử khác – cũng đã quyên góp 1 triệu USD cho lễ nhậm chức của ông Donald Trump. Bà Kara Calvert, Phó Chủ tịch chính sách của nền tảng này tại Mỹ, khẳng định cam kết hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền lực và kỳ vọng sẽ tiếp tục hợp tác với “chính quyền ủng hộ tiền điện tử nhất trong lịch sử Hoa Kỳ”.
Bên cạnh ngành tiền điện tử, các tập đoàn lớn thuộc nhiều lĩnh vực khác cũng không đứng ngoài cuộc. Intuit, nhà sản xuất phần mềm thuế, đã quyên góp 1 triệu USD – một động thái bất ngờ sau khi công ty không tham gia quyên góp trong hai lễ nhậm chức Tổng thống trước đó. Theo CEO Intuit, công ty mong muốn hợp tác với chính quyền mới về các vấn đề như cải cách bộ luật thuế.
Ngành dược phẩm, vốn lo ngại trước viễn cảnh ông Robert F. Kennedy Jr. có thể được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, cũng đã tìm cách cải thiện quan hệ với ông Trump. Đại diện các tập đoàn dược phẩm lớn như Pfizer, Eli Lilly và hiệp hội PhRMA đã gặp gỡ Tổng thống đắc cử tại Mar-a-Lago để thảo luận và công bố kế hoạch quyên góp 1 triệu USD cho lễ nhậm chức.
Ngoài ra, một số “ông lớn” như tập đoàn viễn thông Charter Communications và ứng dụng gọi xe Uber cũng gia tăng mạnh mẽ mức đóng góp của mình. Từ khoản ủng hộ 250.000 USD cho lễ nhậm chức năm 2017 của ông Donald Trump, Charter Communications lần này đã đóng góp 1 triệu USD cho Tổng thống đắc cử. Uber cũng đóng góp 1 triệu USD, cộng thêm 1 triệu USD từ chính CEO Dara Khosrowshahi.
Chia sẻ với tờ Wall Street Journal, một đại diện giấu tên đến từ 1 trong những tập đoàn đã thay đổi lập trường quyên góp tài chính cho biết: "Mọi người thực sự muốn tiến về phía trước và tiếp tục kinh doanh. Kết quả bầu cử rất rõ ràng".
Đồng quan điểm, ông Kevin Madden, một chiến lược gia kỳ cựu của Đảng Cộng hòa, cũng cho rằng, giới doanh nghiệp Mỹ nên chủ động tham gia vào các cuộc thảo luận với ông Donald Trump. Chia sẻ với tờ Wall Street Journal, ông Madden nhận định: "Chúng tôi có một câu nói: Nếu bạn không có mặt tại bàn ăn, thì bạn sẽ có mặt trên thực đơn. Sẽ có rất nhiều chính sách được thực hiện vào năm 2025 và 2026, quá trình ấy bắt đầu ngay bây giờ".