Nhân rộng niềm vui, chia sẻ, lắng nghe để tăng nghị lực cho học viên cai nghiện
'Hết mình vì công việc, chịu khó, sáng tạo, luôn đồng cảm, chia sẽ, giúp đỡ học viên cai nghiện cũng như đồng nghiệp, chăm lo cho gia đình' - Đó là những nhận xét mà đồng nghiệp dành cho đồng chí Hà Thị Hồng Nhị, hiện là nhân viên văn thư của phòng Tổ chức hành chính, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội.
Vào công tác tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội từ năm 2011, hàng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều người “sa cơ, lầm lỡ” tại Cơ sở, mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn họ đều có nỗi niềm, tâm sự riêng.
Thấu hiểu những vấn đề này, là một người tinh tế, đồng chí Hà Thị Hồng Nhị luôn thấu hiểu và có những cách giao tiếp, ứng xử phù hợp, thực hiện tốt Mô hình “4 Xin, 4 Luôn”: “Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ”, nhân rộng niềm vui, chia sẻ, lắng nghe đem lại niềm tin cho học viên.
Năm 2014, đồng chí Nhị được điều động sang công tác tại Phòng Dạy nghề-Lao động sản xuất. Với mong muốn giúp cho học viên cai nghiện có việc làm ổn định, đồng chí đã miệt mài tìm hiểu về thị trường lao động, đưa ra ý tưởng sáng tạo, tham mưu cho Ban chỉ huy phòng về việc khảo sát trình độ, sở trường của từng học viên trước khi mở các lớp học nghề, từ đó hướng cho họ đăng ký học các ngành nghề phù hợp với trình độ, sức khỏe, phát huy được khả năng của bản thân, sau này trở về cộng đồng tìm được việc làm, tạo ra thu nhập có giá trị.
Năm 2015, khi được phân công nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý hồ sơ cai nghiện ma túy, đồng chí cùng các anh chị em trong bộ phận nghiên cứu, viết sáng kiến kinh nghiệm “ứng dụng công nghệ thông tin vào lưu trữ hồ sơ học viên”.
Sáng kiến này đã và đang thực hiện tại đơn vị, giúp việc tra cứu hồ sơ dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, mang lại hiệu quả cao trong công tác chuyên môn.
Đến năm 2022, khi được chuyển về làm việc tại phòng Tổ chức hành chính, chị Nhị luôn trăn trở và tự tìm tòi, nghiên cứu kiến thức thông qua sách báo, internet và học ở đồng nghiệp để vận dụng phù hợp vào đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của Cơ sở, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc và sự phát triển công nghệ thông tin.
Bên cạnh nhiệm vụ văn thư, đồng chí Nhị còn tham gia giảng dạy chuyên đề cho học viên cai nghiện. Những bài học về giá trị sống luôn được đồng chí quan tâm, nghiên cứu, đánh thức những “mầm thiện” đang ngủ quên trong mỗi học viên cai nghiện, trang bị cho họ nhiều kỹ năng về cuộc sống, giúp họ biết đối mặt với khó khăn, biết cách giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống tích cực hơn, biết từ chối những lời mời xấu, hoàn thành tốt quá trình cai nghiện sớm hòa nhập cộng đồng, trở thành người công dân có ích cho gia đình, xã hội.
Bên cạnh đó, đồng chí luôn tiên phong tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, như tham gia tuyên truyền tác hại của ma túy tại 10 trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, 01 đơn vị bộ đội trên địa bàn huyện Sóc Sơn; tham gia hiến máu tình nguyện, các cuộc thi: “Nét đẹp công sở”, cán bộ làm công tác “tư vấn giỏi”, thi tìm hiểu về cuộc đời, thân thế sự nghiệp Hồ Chí Minh do Cơ sở tổ chức…
Với tinh thần trách nhiệm cao, sự nỗ lực và cố gắng của bản thân, nhiều năm liền đồng chí đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, Lao động tiên tiến; được Liên đoàn Lao động huyện Sóc Sơn, UBND huyện Sóc Sơn tặng giấy khen; được UBND Thành Phố Hà Nội tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ công tác…
Đồng chí Ngô Văn Ất - Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội cho biết, những năm vừa qua, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ cán bộ viên chức, người lao động tại Cơ sở đã gặt hái được nhiều thành tích, góp phần thúc đẩy tiến bộ của phụ nữ, bình đẳng giới và sự phát triển chung của xã hội. Phẩm chất đáng quý của phụ nữ đã được cán bộ Cơ sở Cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội duy trì và phát triển tạo thành những bông hoa ngát hương, tỏa sáng trong phòng trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.