Nhân rộng những mô hình khuyến nông hiệu quả
Bám sát định hướng của huyện và ngành Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông Tam Nông tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật, nhân rộng các mô hình hiệu quả. Công tác khuyến nông thực sự là 'cầu nối' đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân, góp phần cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Đồng chí Đào Biên Thùy - Phó trưởng Trạm cho biết: “Việc lựa chọn, xác định nội dung, hình thức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn giữ vai trò quan trọng để các mô hình, cách làm hay tại cơ sở được lan tỏa. Trạm chú trọng phối hợp với chính quyền các xã trong khảo sát, đánh giá nhu cầu tập huấn của nông dân, tuyển chọn học viên đúng đối tượng. Các nội dung tuyên truyền, chuyển giao phù hợp với nhu cầu, điều kiện canh tác, thời vụ, trình độ, khả năng sản xuất nông nghiệp của địa phương. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm, nội dung tập huấn chú trọng vào quy trình sản xuất an toàn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ”.
Năm 2024, Trạm tổ chức 22 hội nghị và lớp tập huấn kỹ thuật cho trên 1.000 lượt người là đội ngũ khuyến nông viên cơ sở, nông dân về kỹ thuật mới, kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi, trồng trọt như: Trồng, chăm sóc cây ăn quả có múi; nuôi cá lăng trong ao; kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ngô vụ Đông; kỹ thuật nuôi ong mật, nuôi bò ứng dụng thụ tinh nhân tạo nhằm cải tạo đàn bò địa phương; sử dụng phân bón mới cho cây trồng... Những buổi tập huấn không chỉ trang bị kiến thức lý thuyết mà còn kết hợp thực hành trực tiếp, giúp người dân dễ dàng tiếp thu và áp dụng ngay vào sản xuất.
Trên cơ sở đánh giá sự thích nghi của các loại cây trồng, vật nuôi với điều kiện, trình độ canh tác của người dân địa phương, Trạm Khuyến nông huyện lựa chọn những mô hình nông nghiệp có triển vọng để đề xuất, triển khai thực hiện thí điểm. Trạm phối hợp với địa phương lựa chọn các hộ dân có khả năng để thực hiện, hướng dẫn các hộ trong quá trình triển khai, thường xuyên kiểm tra tiến độ, đánh giá rút kinh nghiệm. Năm 2024, Trạm đã thực hiện 10 mô hình trình diễn về canh tác các giống lúa mới, nuôi cá lăng trong ao, thử nghiệm giống mướp mới, trồng cây dược liệu, cây bí đỏ vụ Đông, tre măng ngọt trên đất vùng đồi, trồng hoa cúc...
Đồng thời phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi dê lấy thịt cho 5 hộ thuộc đối tượng hộ nghèo và cận nghèo tại xã Lam Sơn, quy mô 40 con; mô hình nuôi gà thương phẩm phục vụ Tết Nguyên đán cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo của xã Bắc Sơn, quy mô 2.000 con cho 8 hộ dân; mô hình nuôi bò sinh sản tại xã Dân Quyền, quy mô 11 hộ; mô hình nâng cao chất lượng đàn ong nội tại xã Quang Húc, Thọ Văn.
Hoạt động khuyến nông trên địa bàn không chỉ giúp gia tăng năng suất và thu nhập mà còn thay đổi nếp nghĩ, cách làm của nông dân. Từ chỗ e ngại với đổi mới, họ đã chủ động hơn trong tìm hiểu, áp dụng công nghệ mới, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa và thích ứng với những thách thức từ biến đổi khí hậu.
Tề Lễ là xã có kinh tế nông nghiệp tương đối phát triển, ngoài cây trồng chính là ngô, lúa, trên địa bàn đã phát triển một số mô hình trồng cây dược liệu, duy trì tổng đàn gia súc, gia cầm. Đồng chí Đặng Trần Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Công tác khuyến nông giữ vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp của địa phương, nhất là trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình trình diễn cây, con giống mới, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất. Đặc biệt, nhiều đối tượng hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận, tập huấn kỹ thuật canh tác mới để áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững”.
Thời gian tới, Trạm tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, các viện nghiên cứu, công ty sản xuất giống cùng các đơn vị liên quan triển khai tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao; xây dựng mô hình trình diễn công nghệ cao, công nghệ sinh học và các mô hình có tính mũi nhọn, phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương, giúp người sản xuất tăng thu nhập, giảm nghèo. Cùng với đó, chuyển tải, giới thiệu một cách kịp thời, đầy đủ chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, kỹ thuật canh tác, tiến bộ kỹ thuật mới để người dân tham khảo, học tập và nhân rộng.