Nhân rộng mô hình xử lý rác hữu cơ bằng men IMO
Thực hiện Đề án 'Phụ nữ Hưng Yên thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2023 - 2026' (Đề án), qua khảo sát, đánh giá của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) trong tỉnh, lượng rác hữu cơ thải ra môi trường giảm khoảng 50%. Qua đó, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường.
Triển khai thực hiện Đề án từ năm 2023, hiện nay, hơn 60% số hộ dân của thôn Bãi Sậy 2, xã Tân Dân (Khoái Châu) thường xuyên thực hiện việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình. Chị Hoa Thị Oanh, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn là một trong những điển hình, chị đã cùng các hội viên trong chi hội tổ chức làm gần 400kg men IMO khô và gần 2.000 lít men IMO nước. Hằng ngày, chị đến các quán bia trong thôn xin bia thừa về nhân men nước, giúp tiết kiệm chi phí, đồng thời bảo đảm việc nhân men hiệu quả. Trong nhà chị luôn có từ 200 - 300 lít men IMO để cung cấp cho 300 hộ dân trong thôn thực hiện Đề án. Hằng tuần, chị cùng các hội viên trong chi hội đóng chai men IMO nước, sau đó cấp cho các hộ và hướng dẫn họ cách làm men IMO, cách phân loại rác thải, cách ngâm ủ xử lý rác hữu cơ bằng men IMO thành phân bón cho cây trồng… Bên cạnh đó, chị đi thu gom bã mía, xơ dừa ở các quán bán nước mía, nước dừa và tiếp nhận rác thải hữu cơ đã được phân loại từ các hộ dân để làm đất mùn tơi xốp (đất Tama), bón cho gần 1 mẫu trồng chuối, bưởi của gia đình. Chị Oanh cho biết: Sử dụng đất mùn đã được xử lý bằng men IMO để bón cho cây trồng giảm chi phí được khoảng 50% so với việc sử dụng phân bón hóa học như trước. Đối với cây trồng sau khi sử dụng đất mùn phát triển xanh tốt, rau quả khi thu hoạch bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hội LHPN huyện Kim Động được đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện tốt Đề án. Các cấp Hội LHPN trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án tại cơ sở. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện phối hợp với các ban chuyên môn của Hội LHPN tỉnh và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tổ chức 19 lớp tập huấn cho 3.320 cán bộ, hội viên tại các địa phương tham gia thực hiện Đề án.
Đồng chí Nguyễn Thị Huế, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Trong các buổi tập huấn, học viên được trực tiếp thực hành làm men IMO từ các nguyên liệu sẵn có tại địa phương để sau đó áp dụng vào thực tế. Đồng thời, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cấp 30.500 gói men Emuniv cho các gia đình hội viên để xử lý rác. Đến nay, toàn huyện có 31.741 hộ phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình, đạt 76% tổng số hộ dân, trong đó có 8.514 hộ xử lý rác hữu cơ bằng men IMO. Nhờ thực hiện phân loại, xử lý rác, mỗi ngày toàn huyện giảm khoảng 10 tấn rác thải phải vận chuyển mang đi xử lý so với trước.
Thực hiện Đề án, từ đầu năm đến nay, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 218 lớp tập huấn cho 25.800 lượt cán bộ, hội viên về Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản liên quan; hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải hữu cơ bằng men IMO, đồng thời cấp phát hỗ trợ kinh phí mua nguyên liệu làm men IMO cho các hộ đăng ký thực hiện Đề án. Hội LHPN cấp huyện và cơ sở đã tổ chức, phối hợp tổ chức 361 lớp tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; cách thức làm men IMO... cho 32.665 lượt hội viên. Hội LHPN tỉnh cấp phát 316 thùng xử lý rác hữu cơ tập trung, 298 thùng thu gom pin cho các địa phương thực hiện Đề án; một số địa phương hỗ trợ men IMO hoặc Emuniv, hỗ trợ thùng để các hộ gia đình đựng rác, xử lý rác hữu cơ... Đến nay, toàn tỉnh có 97.899 hộ tại các địa phương thực hiện Đề án đã tiến hành phân loại, xử lý rác thải tại nguồn, trong đó có 69.825 hộ xử lý rác hữu cơ bằng men IMO và men khác, chiếm 71,3% trong tổng số các hộ thực hiện phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn. Tiêu biểu như Hội LHPN các huyện: Phù Cừ, Kim Động đã nhân rộng thực hiện Đề án tại 100% các cơ sở hội...
Sau gần 2 năm, theo đánh giá của tổ chức hội, tại các địa phương thực hiện Đề án, so với trước đây, ước tính mỗi năm tiết kiệm được khoảng 36 tỷ đồng dành cho chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp. Rác hữu cơ được xử lý bằng men IMO làm phân bón hữu cơ, dần thay thế cho phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp, giúp cây trồng phát triển tốt, cải tạo hệ vi sinh vật có lợi, làm tơi xốp đất, nâng cao hiệu quả sản xuất.