Nhân rộng mô hình phòng ngừa, ứng phó bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam

Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) sẽ tài trợ 5,5 triệu USD hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là các nhóm yếu thế như người khuyết tật và cộng đồng LGBTQI+.

Ngày 13/1, tại Hà Nội, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Lễ ra mắt Dự án thúc đẩy nhân rộng mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam giai đoạn 2024-2027.

Dự án được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ 5,5 triệu USD với hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ UNFPA nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là các nhóm yếu thế như người khuyết tật và cộng đồng LGBTQl+.

Ngôi nhà Ánh Dương là nơi tạm lánh của các nạn nhân bạo lực giới. Ảnh TL

Ngôi nhà Ánh Dương là nơi tạm lánh của các nạn nhân bạo lực giới. Ảnh TL

Theo thống kê, khoảng 2/3 phụ nữ đã kết hôn ở Việt Nam từng trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực từ bạn đời. Điều tra quốc gia năm 2019 cho thấy về bạo lực đối với phụ nữ, cứ 3 phụ nữ từ 15 – 64 tuổi thì có gần 2 người từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần và kinh tế trong đời. Đây không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là rào cản đối với sự phát triển của xã hội. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là sự xâm phạm nghiêm trọng quyền con người, trở ngại với bình đẳng giới và gây tổn hại tới tổng thể phúc lợi quốc gia.

Với sự hỗ trợ của KOICA trong giai đoạn 1 của dự án "Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam" giai đoạn 2017-2021, Trung tâm dịch vụ một cửa (OSSC) đầu tiên (Ngôi nhà Ánh Dương) đã được thành lập và đi vào hoạt động tại tỉnh Quảng Ninh từ năm 2020 đến nay với mục tiêu cung cấp dịch vụ toàn diện cho những người bị bạo lực trên cơ sở giới.

Tiếp nối thành công của Ngôi nhà Ánh Dương tại Quảng Ninh, KOICA quyết định tiếp tục tài trợ cho dự án giai đoạn 2. Dự án này sẽ hỗ trợ việc thành lập và vận hành mô hình Nhà Ánh Dương tại các địa phương khác, góp phần củng cố công tác ứng phó liên ngành trong quá trình xử lý bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở cấp trung ương và địa phương. Sáng kiến sẽ ưu tiên các nhóm yếu thế, bao gồm người khuyết tật và cộng đồng LGBTQI+. Một nội dung cốt lõi của dự án là thay đổi hành vi, khuyến khích sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong các chiến dịch truyền thông có mục tiêu để thúc đẩy nam tính tích cực và giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bạo lực.

Các đại biểu đến từ Bộ LĐTB&XH, UNFPA, KOICA và cơ quan liên quan bấm nút khai trương 2 dự án thúc đẩy nhân rộng mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh PT

Các đại biểu đến từ Bộ LĐTB&XH, UNFPA, KOICA và cơ quan liên quan bấm nút khai trương 2 dự án thúc đẩy nhân rộng mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh PT

Ngoài ra, KOICA sẽ tài trợ giai đoạn nối tiếp lần 2 được triển khai năm 2025 nhằm ‘Hỗ trợ công tác khẩn cấp và phục hồi sau thiên tai cho trung tâm dịch vụ một cửa Quảng Ninh’. UNFPA sẽ cung cấp kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực phòng chống thiên tai ở cấp địa phương và trung ương, qua đó đảm bảo các cộng đồng được trang bị kỹ năng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp về bạo lực trên cơ sở giới.

UNFPA Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan khác cũng như chính quyền địa phương của các tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh và Khánh Hòa để hoàn thành dự án vào cuối năm 2027.

Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đã nhấn mạnh: "Hai dự án mới do KOICA tài trợ nhằm thúc đẩy những nỗ lực trong công tác ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và đảm bảo cung cấp liên tục các dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực ở Việt Nam. Để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái cần có những nỗ lực, cam kết và hợp tác lâu dài. UNFPA và KOICA cam kết phối hợp để xây dựng tương lai mà tất cả phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam, bao gồm những nhóm dễ bị tổn thương nhất, được sống và phát triển trong môi trường không bạo lực, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau".

Ông Lee Byung Hwa, Giám đốc Quốc gia KOICA tại Việt Nam cũng khẳng định: "Vẫn còn nhiều phụ nữ và trẻ em chưa biết đến các dịch vụ hỗ trợ hoặc do sợ không dám tìm kiếm sự giúp đỡ, tiếp tục chịu đựng trong im lặng. Chúng tôi sẽ nâng cao nhận thức của người dân về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, khuyến khích họ tìm kiếm sự giúp đỡ. Đây sẽ là những nỗ lực cần thiết và tôi tin tưởng rằng những nỗ lực chung sẽ tạo dựng một xã hội an toàn và bình đẳng cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam".

Tại buổi lễ, ông Lê Khánh Lương - Vụ trưởng Vụ bình đẳng giới (Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội) cho biết, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Điều đó đã mang lại tác động tích cực, rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực, góp phần giảm thiểu bạo lực giới và hỗ trợ ngày càng tốt hơn cho người bị bạo lực trên cơ sở giới, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của tầng lớp nhân dân.

Các dự án mới này sẽ là cơ hội để Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và những thực hành tốt nhất của quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới…

Ngôi nhà Ánh Dương đầu tiên đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khai trương tại Quảng Ninh vào tháng 4/2020 với hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ UNFPA và KOICA.

Năm 2022, UNFPA đã huy động hỗ trợ tài chính của Chính phủ Nhật Bản và Australia để nhân rộng và triển khai mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa tại 3 tỉnh khác, bao gồm Thanh Hóa, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Gần đây, Ngôi nhà Ánh Dương thứ 5 đã được khai trương ở Hòa Bình với nguồn tài trợ từ Chính phủ Australia.

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhan-rong-mo-hinh-phong-ngua-ung-pho-bao-luc-gioi-voi-phu-nu-va-tre-em-gai-tai-viet-nam-172250113194352492.htm
Zalo