Nhân rộng các mô hình chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu là những yếu tố then chốt để đưa nông sản Khánh Hòa vươn xa

Đã từ lâu, nông dân tỉnh Khánh Hòa đã dựa vào tiềm năng địa lý và sự sáng tạo, tìm tòi hướng đi để phát triển nông nghiệp đa dạng, với những sản phẩm nông sản chủ lực như: xoài Cam Lâm, sầu riêng Khánh Sơn, dừa xiêm Ninh Hòa... Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản lâu nay chủ yếu dưới dạng sản phẩm thô và tập trung vào thị trường nội địa, hoặc phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, dẫn đến tình trạng "được mùa mất giá, mất mùa được giá". Đồng thời, chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn còn nhiều hạn chế, khiến giá trị gia tăng chưa được khai thác tối ưu.

Để nâng cao giá trị cho nông sản, không thể tiếp tục dựa vào phương thức sản xuất truyền thống mà cần một sự chuyển mình mạnh mẽ, trong đó việc phát triển chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ là hướng đi tất yếu, vừa đảm bảo tính bền vững, vừa giúp nông nghiệp Khánh Hòa vươn xa. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025 phát triển và nhân rộng các mô hình chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn, với ít nhất có 1 doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ trong mỗi chuỗi.

Sản phẩm xoài được bày bán tại siêu thị Mega Market An Phú, Thủ Đức, Tp Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Sản phẩm xoài được bày bán tại siêu thị Mega Market An Phú, Thủ Đức, Tp Hồ Chí Minh. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp ở Khánh Hòa là phải xây dựng đầu ra cho sản phẩm, tạo dựng thương hiệu nông sản và quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP; giải pháp kết nối cung cầu, tăng cường hợp tác sản xuất và kinh doanh, qua đó mở rộng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp tại Khánh Hòa.

Hợp tác xã Táo Cam Thành Nam, thành lập năm 2019 tại thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, ban đầu với 11 thành viên, diện tích 5 ha và sản lượng 250 tấn/năm, chủ yếu tiêu thụ tại siêu thị Coopmart và đưa ra phía Bắc. Đến năm 2024, hợp tác xã mở rộng lên 50 thành viên và diện tích canh tác 50 ha, phát triển thị trường tiêu thụ rộng hơn.

Ông Hồ Tấn Cường, Giám đốc Hợp tác xã Táo Cam Thành Nam chia sẻ: Hợp tác xã đã tạo việc làm cho hàng chục lao động, đồng thời giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Với doanh thu hàng năm trên 2 tỷ đồng, ông chứng minh rằng sản xuất nông nghiệp bền vững có thể nâng tầm giá trị nông sản, giúp người dân thoát nghèo, mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp địa phương. Nhờ ứng dụng kỹ thuật hiện đại và xây dựng mô hình nhà lưới trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP, ông đã giúp bà con địa phương cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm. Xã Cam Thành Nam giờ đây đã có vùng chuyên canh táo với diện tích hơn 60ha, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân trồng táo.

Tại Khánh Hòa, trước khi mô hình nhà lưới trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP được người tiêu dùng biết đến, thì các sản phẩm xoài Cam Lâm, sầu riêng Khánh Sơn, dừa xiêm Ninh Hòa... đã khẳng định thương hiệu trên thị trường. Khánh Hòa hiện có 81 chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp, bao gồm các sản phẩm chủ lực như xoài, sầu riêng, bưởi da xanh và tỏi. Những thành tựu cụ thể từ các chuỗi liên kết này đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế. Điển hình, sầu riêng Khánh Sơn với 2.700 ha cho sản lượng 17.300 tấn, sầu riêng đã trở thành loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Với 15 mã số vùng trồng được cấp đã giúp sản phẩm này xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tăng khả năng cạnh tranh.

Xoài Cam Lâm là sản phẩm chủ lực với diện tích trên 8.250 ha, sản lượng 44.000 tấn/năm. Các mã số vùng trồng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU và các thị trường lớn đã mở ra cơ hội tăng trưởng bền vững. Tổ yến Nha Trang đã tham gia chuỗi liên kết với 13 doanh nghiệp, giúp xuất khẩu sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa, chuỗi liên kết sản xuất thời gian qua đã đem lại nhiều hiệu quả rõ rệt, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất rau quả và nuôi trồng thủy sản. Các sản phẩm cung ứng qua các đại lý đạt chất lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu thị trường.

Ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, cho biết địa phương rất quan tâm đến vấn đề tiêu thụ nông sản. Để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt đề án phát triển và mở rộng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2025.

Sự liên kết sản xuất và tiệu thụ nông sản sẽ giúp giải quyết tình trạng sản xuất manh mún, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng nông sản, từ đó làm tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Phát triển chuỗi thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều thách thức do thói quen sản xuất truyền thống và thiếu sự liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp và hộ dân. Để tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm tại các khâu, đặc biệt là kiểm tra việc sử dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động tiếp thị, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu địa phương để thu hút đầu tư và giảm thiểu rủi ro trong tiêu thụ.

Ông Lê Văn Hòa - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Khánh Hòa cũng cho rằng, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm là yếu tố then chốt để nâng cao giá trị nông sản, đặc biệt với các sản phẩm chủ lực như bưởi da xanh, sầu riêng, tỏi Ninh Phước và xoài Cam Lâm. Thời gian qua, chi cục đã phối hợp triển khai các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn theo VietGAP, xây dựng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn và hỗ trợ đầu ra ổn định. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như tổ chức sản xuất chưa đồng bộ, vi phạm hợp đồng liên kết, và thiếu sự tham gia của doanh nghiệp lớn.

Theo kế hoạch, Khánh Hòa sẽ phát triển 6 chuỗi cung ứng thực phẩm chủ lực gồm rau, củ, quả, xoài, bưởi da xanh, sầu riêng, mía và thịt lợn. Mục tiêu đến năm 2025 là phát triển và nhân rộng các mô hình chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn, với ít nhất có 1 doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ trong mỗi chuỗi. Đặc biệt, các sản phẩm chủ lực của tỉnh như sầu riêng, bưởi da xanh, xoài, tỏi và các sản phẩm thủy sản nuôi sẽ được kiểm soát an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, hướng đến mục tiêu xuất khẩu bền vững.

Nâng tầm thương hiệu và giá trị nông sản Khánh Hòa đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng từ phía chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững, kết nối cung cầu hiệu quả và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu là những yếu tố then chốt để đưa nông sản Khánh Hòa vươn xa, khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đặng Anh Tuấn/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhan-rong-cac-mo-hinh-chuoi-cung-ung-nong-lam-thuy-san-an-toan/354444.html
Zalo