Fintech: Giải pháp cho những thách thức của hành trình tài chính toàn diện
Theo khảo sát của EY Việt Nam, 42% trong tổng số người đã từng sử dụng dịch vụ chính thống và không chính thống, trả lời đã từng sử dụng các dịch vụ không chính thống như vay người quen, vay nóng, chơi hụi…trong một năm qua.
Thông tin tại buổi công bố báo cáo “Thúc đẩy Tài chính toàn diện ở Việt Nam và vai trò của Fintech trong phối hợp với Tổ chức tín dụng”, diễn ra sáng ngày 28/11, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY) cho biết, Việt Nam cũng đã có những bước tiến lớn trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện, với vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Singapore, Thái Lan), và xếp thứ 14 trên thế giới, trong bảng xếp hạng Chỉ số Tài chính toàn diện toàn cầu năm 2024 của Principal Financial Group.
Số liệu cụ thể hơn tại Việt Nam được bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho biết, trên 87% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán, tăng từ 31% của giai đoạn 2015-2017. Trong giai đoạn 2021-2023, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh di động bình quân tăng 103,3%; số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet bình quân tăng 52%; tăng trưởng trên 170% số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code…
Đây là những con số đáng chú ý trong bối cảnh toàn cầu thập kỷ qua, với nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách, số lượng người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng đã giảm từ 2,5 tỷ người từ năm 2011 xuống còn 1,4 tỷ người năm 2021, đánh dấu những bước tiến đáng kể của tài chính toàn diện, theo báo cáo “Financial Inclusion” cập nhật tháng 9 năm 2022 của World Bank.
Tuy vậy, bà Dương nhận định, tiến trình tài chính toàn diện vẫn còn phải đối mặt với những thách thức do khoảng cách về: cơ sở hạ tầng tài chính, việc tiếp cận kênh tín dụng chính thống, vấn đề chấm điểm tín dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh, vấn đề thiếu kiến thức tài chính của một bộ phận người sử dụng dịch vụ cũng như vấn đề bất bình đẳng giới trong tài chính.
Minh chứng cho thách thức này, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ Phần MISA chia sẻ, những khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chỉ sử dụng các sản phẩm tài chính ngân hàng hạn chế thường không đáp ứng được các tiêu chí xét duyệt theo yêu cầu. Do đó, khách hàng thường gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận trực tiếp với các sản phẩm và dịch vụ của các tổ chức tín dụng truyền thống.
Trong bối cảnh đó, theo bà Dương, Fintech với các ưu điểm nổi bật về hạ tầng công nghệ, sản phẩm đa dạng, khả năng tận dụng dữ liệu, hệ thống thanh toán tinh gọn, các công cụ quản lý kinh doanh hiệu quả… đang “bình dân hóa” dịch vụ tài chính - ngân hàng, giúp nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhóm yếu thế.
Báo cáo của EY đã chỉ ra năm lợi ích của Fintech dành cho cá nhân đó là: nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ một cách đơn giản và thuận tiện; Gia tăng động lực tiếp nhận dịch vụ tài chính - ngân hàng số; Cân bằng giữa tốc độ cung cấp dịch vụ và sự hài lòng của người dùng; Giảm chi phí giao dịch; “Trao quyền” cho người dùng thông qua việc trang bị thêm kiến thức tài chính.
Đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh, báo cáo cũng đã chỉ ra ba lợi ích nổi bật là nhân rộng quá trình chuyển đổi số; đáp ứng nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh; tăng cường quản trị, tuân thủ và thúc đẩy tăng trưởng trong hệ sinh thái tài chính.
Ông Đỗ Quang Thuận, Phó tổng giám đốc thường trực MoMo nhận định, Fintech là cầu nối giữa các định chế tài chính với số đông người dùng còn yếu thế. Dẫn chứng câu chuyện tại MoMo, ông Thuận cho biết, MoMo đã tập trung vào việc ứng dụng công nghệ để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tài chính - ngân hàng phù hợp với nhu cầu đa dạng của người dùng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của tài chính toàn diện, giúp mọi người có thể tiếp cận tài chính một cách dễ dàng và an toàn hơn.
"Đúng nhu cầu để khách hàng dễ dàng “nhúng” trong luồng thanh toán” ông Thuận nói.
Dựa trên kết quả khảo sát, EY đã đưa ra các khuyến nghị đối với cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng; nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ và đặc biệt, các Fintech không chỉ tập trung vào dịch vụ thanh toán.
Bên cạnh đó là khuyến nghị đối với các tổ chức tín dụng trong việc tăng cường hợp tác, thúc đẩy phổ cập kiến thức và giáo dục tài chính và phát triển cơ chế ngân hàng mở. Còn các Fintech cần đơn giản hóa dịch vụ tài chính - ngân hàng, tập trung vào nhu cầu số hóa của Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs).
“Tham gia tích cực vào cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sẽ trao cho Fintech cơ hội chủ động thử nghiệm và tinh chỉnh các công nghệ mới nổi. Qua đó có thể đáp ứng nhu cầu liên tục thay đổi của người dùng và doanh nghiệp, đồng thời còn đảm bảo an toàn cho người dùng, thúc đẩy tài chính toàn diện”, bà Dương nhấn mạnh.
Cũng theo bà Dương, hành trình tài chính toàn diện của Việt Nam đã chứng kiến những bước tiến đáng kể, được thúc đẩy bởi các sáng kiến và dẫn dắt quan trọng của các cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng truyền thống và năng lực đổi mới sáng tạo từ FinTech. Tuy nhiên, để tiến tới được một hệ sinh thái tài chính toàn diện ở mức độ sâu và rộng hơn nữa, nỗ lực phối hợp giữa các bên cần được tiếp tục phát huy nhằm giải quyết những thách thức còn tồn tại và vận dụng phù hợp các công nghệ mới nổi và tăng cường công tác giáo dục tài chính.
“Sự hợp tác giữa ngân hàng và FinTech là đặc biệt quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ tài chính trong bối cảnh quy định hiện hành, nhằm đảm bảo rằng lợi ích của quá trình đổi mới sáng tạo tài chính sẽ đến được với tất cả người dân”, bà Dương nói.
Để thực hiện Báo cáo, EY đã thực hiện khảo sát sâu rộng đối với với gần 1.500 người dùng và 1.074 doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh tại Việt Nam. Cùng với đó, EY cũng đã triển khai một nghiên cứu chuyên sâu đối với các báo cáo ngành, nghiên cứu học thuật và các tài liệu chính sách để xây dựng một góc nhìn tổng thể về bối cảnh tài chính toàn diện.
Tài chính toàn diện, theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới, là: “Khả năng các cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính - ngân hàng hữu ích với chi phí hợp lý nhằm đáp ứng các nhu cầu: giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng, và bảo hiểm - được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững”.