Nhẩn nha với 'Ủ hồng bếp lửa'
Ai đã từng có những năm tháng tuổi thơ gắn với bếp lửa thực tế và bài thơ 'Bếp lửa' của Bằng Việt trong văn học nhà trường chắc chắn sẽ cảm nhận đầy đủ sự ấm áp tỏa ra từ 'Ủ hồng bếp lửa'
Nhan đề "Ủ hồng bếp lửa" thật sự giàu sức gợi, bếp lửa với người Việt Nam bao đời nay là biểu tượng của đầy đủ vật chất và ấm áp tinh thần. Nếu "Bếp lửa" của Bằng Việt gợi trong ta sự ấm áp về tình bà cháu thì trong thơ Vũ Thanh Thủy là tình cảm vợ chồng. Lâu nay đàn bà, trong quan niệm truyền thống là người giữ lửa, giữ hạnh phúc gia đình.
Nhan đề tập thơ cũng chính là nhan đề rút gọn của bài thơ ấm áp nhất trong cả tập, có tên "Ủ hồng bếp lửa":
Ủ hồng bếp lửa
Không thể tắt, không thể mất khi hồn làng ở đấy
Ủ tình nhau bằng củi cháy, men rừng
Trai bản yêu vợ bền như lòng bếp
Gái núi cời than âm ỉ giữ chồng
Cáu bẳn nhọc nhằn quăng ngoài bậc cửa
Đặc sắc của bài thơ nằm ở câu cuối "Cáu bẳn nhọc nhằn quăng ngoài bậc cửa", câu thơ phản ánh hiện thực một cách rất nên thơ. Ai trong đời chẳng có lúc "cáu bẳn", cuộc sống này dẫu thi vị vẫn có những lúc nhọc nhằn. Với người dân miền núi, lao động chân tay vất vả thì sự nhọc nhằn còn nhiều hơn. Tuy nhiên, khi thấy ánh sáng ấm áp của bếp lửa thì chỉ còn hiện diện niềm vui và tình yêu thương. "Cáu bẳn nhọc nhằn quăng ngoài bậc cửa", đó là hệ quả của tình yêu như lửa cháy vững bền, âm ỉ, bền bỉ qua tháng năm, bởi "Trai bản yêu vợ bền như lòng bếp" và "Gái núi cời than âm ỉ giữ chồng", có sự tương đồng, hô ứng của cặp câu 4 và 5 trong bài thơ 6 câu gọn gàng, xinh xắn.
Tình người đàn ông trong thơ Vũ Thanh Thủy ví như lòng bếp, bếp của năm tháng, bếp của no ấm, bếp của từng trải và chứa đựng. Bếp trong thơ Vũ Thanh Thủy là chủ thể trong một gia đình thực sự không thể thiếu, nhưng để giữ ấm bếp còn ai ngoài người phụ nữ suốt cuộc đời cời lên ngọn lửa yêu thương âm ỉ không bao giờ lụi tắt. Bài thơ vẽ ra một không gian đầm ấm, rất tình nhưng chân thành và gần gũi. Đó cũng là hồn cốt cả tập thơ.
"Ủ hồng bếp lửa" gợi cảm giác ấm áp lan truyền, thân thương, trìu mến. Cũng gợi ra ân tình đặc biệt của người phụ nữ - người vợ, người mẹ, người bà. Phụ nữ là "người giữ lửa" cho mái ấm gia đình và Vũ Thanh Thủy (như tôi được biết), trước hết, là một phụ nữ của gia đình - người phụ nữ "vượng phu ích tử" luôn biết chăm lo cho chồng, con.
Nhà văn Vũ Thanh Thủy tính đến nay đã xuất bản 9 tập thơ và 1 tập truyện ngắn dành cho thiếu nhi. Với một nhà văn trẻ, "gia tài" này được gọi là đáng kể. Trong số 9 tập thơ của Vũ Thanh Thủy, tôi thích hơn cả là giọng thơ trong "Lối sen sương" và "Ủ hồng bếp lửa" (thể thơ 1-2-3).
Tôi yêu thơ 1-2-3 bởi lẽ:
"Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là một chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu, tối đa 11 chữ, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ.
Đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ.
Chữ càng tinh lọc, càng đa nghĩa càng có giá trị.
Đề tài thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành thơ 1-2-3".
Thơ 1-2-3 khiến cảm xúc không bị gò bó bởi niêm luật quá khắt khe, vì thế nó phù hợp nhịp sống hiện đại.
Chỉ vài ngày lạnh đủ thương nhau
Len ấm hay tình nàng ấm
Đo lòng nhẫn nại vì nhau
Dâng chồng từng mũi đan khâu
Áo yêu tay buông hết lạnh
Trời thương thả rét quay đầu
Tôi dám chắc câu thơ "Dâng chồng từng mũi đan khâu" sẽ gây nhiều tranh cãi. Chữ "dâng" kia là hành động gói trọn yêu thương - cho những ai cũng suy nghĩ như Vũ Thanh Thủy.
Cách thể hiện tình yêu thương này bắt nguồn từ hình ảnh "Nàng Bân may áo cho chồng". Cứ vậy, tôi hình dung đó là em - nhà văn Vũ Thanh Thủy đang chịu khó, chịu thương từng ngày từng ngày đan khâu chiếc áo cuộc đời dẫu chậm muộn nhưng lại là không muộn.
Còn khoảnh khắc khác là quan sát con chơi.
Gundam
Chú bé say sưa với các mảnh gundam rời rạc
Lắp ghép
Sau một hồi nhựa thành người cử động
Thế giới tuổi thơ thời a còng mở rộng
Chú bé thỏa thích chơi
Và cũng vậy, tôi nghĩ đây là hai bé Bình An và Thiên An con trai của Vũ Thanh Thủy đang say mê "thỏa thích chơi". Trong ánh nhìn âu yếm, người mẹ không thấy việc con chơi là xấu hay đáng lo ngại mà ngược lại, người mẹ tôn trọng khoảnh khắc con được sống đúng nghĩa tuổi thơ. Nếu như thời trước, Giang Nam từng mô tả trong bài thơ "Quê hương": "Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm/có những ngày trốn học bị đòn roi" thì ngày nay, tuổi thơ của trẻ phải là được thư giãn vui chơi, được về quê đắm mình vào không gian yên tĩnh… Vì thế, bài thơ của Vũ Thanh Thủy càng có giá trị, khiến nhiều bậc làm cha, làm mẹ phải nhìn lại mình trong quan niệm về tuổi thơ của trẻ.
Sâu nặng trong cung bậc cảm xúc, "Ủ hồng bếp lửa" còn phải kể đến bài thơ "Chớm rét".
Chớm rét
Lạnh ngồi đan áo cho con
Liệu mai gái mẹ vuông tròn hay không
Chân non bước vào nhà chồng
Mẹ thấp thỏm, mẹ phập phồng lo âu
Len này thay mẹ ấm lâu.
Bài thơ là nhớ thương, là hoài niệm về người mẹ kính yêu đan áo, dệt vào mũi chỉ đường kim là ấm áp, yêu thương, là vẹn tròn hạnh phúc, "Lạnh ngồi đan áo cho con/ Liệu mai gái mẹ vuông tròn hay không" từ cử chỉ, hành động đến suy tư của mẹ đều thiết tha, trìu mến và trĩu nặng ân tình. Đọc câu thơ này, chắc hẳn ai cũng cảm nhận được đúng nghĩa câu hát "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào". Lo lắng của mẹ là tấm lòng của mẹ, là lo lắng có tính chất truyền thống của tình mẹ bao la, lo cho con về sự vuông tròn bởi hạnh phúc ở đời không dễ, lo cho còn non dại… và người con gái cảm nhận được tình thương của mẹ "Len này thay mẹ ấm lâu".
Vũ Thanh Thủy còn là một nhà thơ biết quan sát tinh tế và cảm nhận cuộc sống khá sâu sắc. Vũ Thanh Thủy nhạy cảm với không gian, thời gian và cỏ cây hoa lá. Đó cũng chính là tố chất của người làm thơ.
Lên Mộc Châu thấy mận đan xanh tím tạo nên một màu sắc rất riêng, bắt mắt du khách thập phương và ấn tượng nhất là hình ảnh những người dân miền núi cõng gùi trĩu nặng trên lưng, "cười loang bản".
Mộc Châu mùa thu hái
Quả đâu treo nhiều thế
Chùm chùm tím chen xanh
Đồng bào mùa thu hái
Gùi nâng bổng sức mình
Trĩu lưng cười loang bản
Đó là tiếng cười trong trẻo, vô tư, hồn nhiên và hạnh phúc, nụ cười của người nông dân được mùa. Tôi cùng đi với Thủy chuyến lên Mộc Châu đó, bạt tràn mận vào mùa thu hái, bạt tràn sắc tím của quả mận chín xen sắc xanh của lá cây. Nếu không có tâm hồn thi sĩ chắc chỉ thấy đẹp, thấy không gian của vườn mận chín là không gian bắt mắt để check-in. Nếu có sự tinh tế, có cái nhìn của thi sĩ sẽ thấy đó còn là không gian của ấm no, hạnh phúc. Khách du lịch thập phương đổ về, những nụ cười loang bản sẽ còn loang xa nữa, loang qua rừng, qua núi, vượt khỏi ranh giới Mộc Châu.
Vũ Thanh Thủy, ở những bài thơ khác đều thể hiện mạch nguồn nhân văn trong ánh nhìn và cách nghĩ, khi thì "Giữa đêm thức giấc tiễn người lạ", khi thì thương thân phận những người ở lại khi tiễn một người đi qua đám tang gặp trên đường, thương những phận người, phận đời chưa từng suôn sẻ… Và trong tập thơ còn có nhiều bài thơ về nhân tình thế thái, về kiếp nhân sinh phù du.
Đa dạng về nội dung, linh hoạt trong sáng tạo ngôn từ; bên cạnh nhiều bài thơ cô đọng, ý vượt xa ngoài lời, dành khoảng trống cho độc giả tiếp nhận là những bài thơ sử dụng ngôn từ giản dị, chắt lọc từ vốn từ phong phú trong "gia tài" ngôn ngữ của nhà văn luôn cầu thị và trách nhiệm với cuộc đời, Vũ Thanh Thủy đặt tên cho tập thơ của mình là "Ủ hồng bếp lửa" khiến người đọc cảm nhận được sự ấm áp chính là tâm điểm của cả tập thơ. Từ “Bếp lửa” ấy nhen lên và nhân rộng khát vọng hạnh phúc, ấm no, đủ đầy, viên mãn…
Đây là tập thơ giàu giá trị hiện thực, mang đậm dư vị triết lý nhân sinh. Một tập thơ đáng đọc, đáng để luận bàn, tập thơ làm cho gia tài văn học của Vũ Thanh Thủy thêm bề thế. Cảm ơn nhà văn đã khiến tôi thêm yêu thơ 1-2-3 và yêu cuộc sống đa sắc màu.