Nhẩn nha đi chợ Tết

Tết hiện đại, việc mua sắm đồ rất nhanh chóng, tiện lợi chỉ với cú nhấp chuột, nhưng tôi vẫn nhớ những ngày Tết xưa giản dị, dù thiếu thốn song vẫn tràn đầy yêu thương. Bởi thế, năm nào tôi cũng dành thời gian nhẩn nha đi chợ tìm lại Tết xưa.

Đi chợ hoa ngày Tết vừa mua sắm, vừa ngắm cảnh là thú vui của nhiều người dân Thái Nguyên. Ảnh: TL

Đi chợ hoa ngày Tết vừa mua sắm, vừa ngắm cảnh là thú vui của nhiều người dân Thái Nguyên. Ảnh: TL

Rực rỡ sắc màu chợ hoa

Trong những sắc màu Xuân mới, tôi thích nhất là không khí Tết ở những chợ hoa. Năm nào cũng thế, ngoài Rằm tháng Chạp tôi đã đi chợ hoa. Không chỉ để mua sắm những chậu hoa bày trong nhà ngày Tết, tôi còn muốn hòa mình vào bức tranh mùa Xuân với muôn hoa khoe sắc.

Tết đến sớm hơn khi tôi tản bộ ở con đường hoa ven sông Cầu bao lâu nay được các nhà vườn lựa chọn làm nơi trưng bày và bán đủ các loại hoa, cây cảnh. Ngay từ đầu chợ hoa, tôi đã gặp nhiều nụ cười trong đáy mắt, đầu môi người mua- kẻ bán đủ lứa tuổi. Có lẽ, mọi người cũng như tôi, đi chợ hoa không chỉ nhằm mục đích mua sắm, mang sắc Xuân về nhà, mà hơn cả là đi cảm nhận niềm vui, hạnh phúc trong năm mới.

Năm nào cũng vậy, áp Tết Nguyên đán, ngoài chợ hoa ven sông Cầu, các tuyến đường trung tâm thành phố Thái Nguyên cũng được sắp xếp để họp chợ hoa. Lạc vào dòng người giữa sắc hoa rực rỡ trong khu vực quảng trường, dọc đường Nha Trang, Đội Cấn, tôi thỏa mắt ngắm nhìn những cây quất sai trĩu quả, sắc đào tươi hồng và muôn loại hoa lan, ly, cúc mâm xôi, hải đường, thủy tiên, mẫu đơn, hoa trà, trạng nguyên, kim tiền...

Rực rỡ sắc màu chợ hoa Tết. Ảnh: TL

Rực rỡ sắc màu chợ hoa Tết. Ảnh: TL

Mỗi loại hoa một kiểu dáng, màu sắc vươn mình trong nắng làm không khí Xuân rộn ràng hơn. Vừa ngắm hoa, tôi vừa tranh thủ hít hà hương vị Tết và miên man nghĩ: Hoa làm hài lòng cả người giàu và người nghèo, mang niềm vui đến mọi người, mọi nhà không phân chia đẳng cấp. Có phải thế không mà từ người có thu nhập thấp bỏ ra số tiền vài chục nghìn đến người có điều kiện kinh tế đều sẵn lòng bỏ ra hàng triệu thậm chí vài chục triệu đồng để chọn loại hoa mà mình ưng ý để chơi Tết.

Tôi nghĩ không có hoa nào sang hơn loài hoa nào, chỉ có niềm vui, hạnh phúc ngập tràn trong mỗi nếp nhà khi có bình hoa, chậu cây đón Xuân. Bởi thế mà trên mỗi chuyến xe người dân lựa chọn hoa mang về, tôi như thấy bao niềm vui hân hoan nhảy nhót theo từng cung đường.

Điều đặc biệt năm nay là không chỉ Thái Nguyên mà người dân ở nhiều tỉnh thành trong cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Yagi, thiệt hại về nhà cửa, tài sản và nhất là nhiều diện tích trồng đào, quất và hoa bị ngập, hư hỏng nên nguồn hàng khan hiếm. Vậy mà nay, nhìn bao sắc hoa khoe mầu rực rỡ, tôi thầm cảm ơn và cảm phục biết bao người nông dân chân lấm tay bùn đã hồi sinh những vườn đào, quất, mang sắc Xuân tươi mới cho nhân dân đón Tết rộn ràng.

Những phiên chợ đong đầy kỷ niệm

Xưa, để chuẩn bị cho mấy ngày Tết sum vầy đầm ấm, gia đình tôi cũng như nhiều người dân vùng nông thôn phải tích cóp, dành dụm cả năm trời. Chợ Tết ở quê tôi thường diễn ra vào các ngày 23, 25, 27 và 30 tháng Chạp. Sở dĩ người dân đi chợ Tết nhiều phiên vì các đồ cần mua lẻ tẻ nhiều thứ, phần vì kinh tế chưa đủ đầy, nhà nào cũng phải căn cơ suy nghĩ xem nên mua gì cần thiết cho Tết. Còn một lý do sâu xa hơn là để họ có thời gian để xoay xở, gom góp buồng chuối, cây rau trong nhà mang đi bán lấy tiền mua sắm.

Hai mẹ con và niềm vui đi chợ hoa ngày Tết. Ảnh: TL

Hai mẹ con và niềm vui đi chợ hoa ngày Tết. Ảnh: TL

Đi chợ vào những ngày cuối năm, tôi lẽo đẽo xách làn theo mẹ, nhìn mẹ lựa từng tập lá dong, chọn mấy đốt giang chẻ lạt để gói bánh chưng, rồi mua túm mộc nhĩ, nấm hương cùng nhiều măng, miến… Trong ký ức tôi, chợ quê vui nhất, nhộn nhịp nhất là phiên 30. Sân chợ to, rộng dưới UBND xã chật kín trẻ con đi chơi hơn là đi mua sắm.

Hầu hết phiên chợ 30 Tết, lúc mẹ dở dang công đoạn luộc bánh, nấu măng, tôi được mẹ gọi lại giao nhiệm vụ quan trọng: “Út, cầm tiền lên chợ mua hoa về cắm Tết”. Háo hức và hăm hở, tôi vớ ngay chiếc mũ tai bèo, chân sáo chạy lên chợ để chọn hoa. Phiên chợ cuối cùng của năm cũ quê tôi ngày ấy tấp nập, nhộn nhịp với những gian hàng đầy ắp sắc màu.

Chân tôi lướt qua từng hàng hoa, ngắm nhìn những bông đào hồng thắm, hoa cúc vàng rực rỡ và sà ngay vào hàng hoa chọn mua hoa violet với thược dược cắm ở phòng khách, cùng mấy bông hoa cúc vàng thắp bàn thờ tổ tiên. Tôi không quên mẹ dặn vòng qua chỗ bán quất, mua mấy chùm quất người bán tỉa hoặc bị rụng để về trang trí nải chuối trên mâm ngũ quả. Hoàn thành công việc, tôi xòe tay đếm thấy mình còn dư mấy tờ bạc lẻ nên rẽ sang hàng kem, mua ngay chiếc bánh mì kẹp kem lấp đầy chiếc bụng rỗng đang hò reo biểu tình từ sáng.

Người dân lựa chọn mua quất cảnh ngày Tết. Ảnh: TL

Người dân lựa chọn mua quất cảnh ngày Tết. Ảnh: TL

Đến giờ, khi đã lập gia đình riêng, mỗi dịp Xuân về, tôi có thói quen ngày 30 Tết đưa chồng và các con xuống thăm mẹ và đi chợ quê. Đến chợ, tôi nhẩn nha dạo qua những gian hàng đầy ắp hoa quả, bánh kẹo, hàng hoa và đồ trang trí Tết, nghe tiếng rao mời mua hàng đầy thân quen và ấm áp.

Bất chợt gặp một gương mặt thân quen, ríu rít chào hỏi. Đó có thể là người bạn cũ học cùng tôi từ năm cấp hai giờ đã sớm lên chức bà ngoại, hay thầy giáo cũ của tôi nay tóc đã bạc trắng. Đó cũng có khi là người đàn ông bán bánh rán thường ngồi dưới gốc đa năm xưa hào phóng cho tôi thêm phần bánh khi chút tiền lẻ của tôi chẳng đủ mua chia cho bạn bè. Đi chợ Tết, ai cũng vui vẻ, hối hả. Và một câu chào, một lời chúc Tết chan chứa tình cảm chân thành, mộc mạc của người quê cũng đủ khiến mọi người thấy trong lòng ấm áp.

Trong thời đại nhịp sống số, dù mọi người quen đến sắm đồ Tết ở những siêu thị hay gian hàng Tết online, nhưng tôi vẫn nhớ về phiên chợ Tết xưa tươi đẹp đầy màu sắc rực rỡ và hương hoa thơm ngát. Với tôi, đi chợ quê ngày Tết cũng chính là để tìm về những hoài niệm, cảm nhận và trân quý hơn những giá trị truyền thống, để sống chậm lại và yêu thương, trân trọng hơn tình cảm gia đình và quê hương.

Minh Hiếu

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phong-su-ghi-chep/202501/nhan-nha-di-cho-tet-a8a21d4/
Zalo