Nhân Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam 14/10): Đồng hành cùng nông dân xây dựng sản phẩm OCOP

Những năm qua, hội nông dân (HND) các cấp trong tỉnh đã đồng hành, hỗ trợ nông dân xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, qua đó giúp các chủ thể xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường, tăng thu nhập.

Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ HTX Ong mật Thành Kim (Thạch Thành) ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu và đưa các nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ HTX Ong mật Thành Kim (Thạch Thành) ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu và đưa các nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Nhiều năm trước đây, gia đình anh Trịnh Quang Ngọc, xã Yên Phú (Yên Định) chỉ trồng nấm các loại để bán thô nên giá trị kinh tế không cao. Năm 2021, thông qua tín chấp của HND với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gia đình anh Ngọc vay 400 triệu đồng để thành lập công ty, mở rộng quy mô từ 2 lên 4 nhà trồng nấm. Được HND vận động tham gia Chương trình OCOP; đồng thời, tạo điều kiện cho đi tham quan các mô hình ngoài tỉnh, anh Ngọc đã mạnh dạn mua máy móc phục vụ các khâu sản xuất nấm. Năm 2022, công ty đã có 2 sản phẩm là trà túi lọc linh chi và nấm ngân nhĩ Ngọc Việt đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Ông Trịnh Ngọc Thắng, Chủ tịch HND huyện Yên Định cho biết: “Chương trình OCOP như “luồng gió mới” thổi vào tư duy sản xuất, kinh doanh của người nông dân. Chủ trương đúng đắn và thiết thực đó đã tạo đà để các sản phẩm nông nghiệp của mỗi địa phương, vùng miền cất tiếng nói riêng của mình. Để phát huy vai trò của HND trong thực hiện Chương trình OCOP, HND huyện đã phối hợp tổ chức và đẩy mạnh tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa đến toàn thể cán bộ, hội viên nông dân. Đẩy mạnh việc hỗ trợ thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động chi HND nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp, HTX để tham gia Chương trình OCOP".

Với mục tiêu sản xuất, cung ứng sản phẩm rượu an toàn chất lượng đến tay người tiêu dùng, cơ sở rượu An Tâm, thị trấn Vĩnh Lộc (Vĩnh Lộc) đã liên kết với HND các xã trồng sâm Báo để làm nguyên liệu sản xuất rượu sâm Báo tại địa phương. Để xây dựng sản phẩm rượu sâm Báo thành sản phẩm OCOP, HND huyện đã hướng dẫn, tư vấn cho cơ sở làm hồ sơ, thủ tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Cơ sở đã đầu tư mở rộng nhà xưởng, ứng dụng công nghệ xử lý độc tố... đảm bảo chất lượng sản phẩm. Năm 2019, sản phẩm rượu sâm Báo của cơ sở rượu An Tâm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sau khi đạt chuẩn, sản phẩm đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, doanh số tăng lên gấp 2 đến 3 lần so với trước.

Để hỗ trợ hội viên xây dựng sản phẩm OCOP, các cấp HND trong tỉnh đã đồng hành cùng nông dân lựa chọn những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, ngành nghề truyền thống đặc trưng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Hội cũng đã tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể làm hồ sơ thủ tục, tư vấn bao bì, nhãn mác; hỗ trợ vốn vay từ các ngân hàng, nguồn quỹ hỗ trợ nông dân để sản xuất... Đến nay, nhiều chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, HTX do nông dân làm chủ được hình thành và phát huy hiệu quả. Để tạo thêm nguồn vốn cho nông dân, các cấp HND trong tỉnh đang tín chấp và ủy thác với các ngân hàng tổng dư nợ trên 16.000 tỷ đồng cho 88.349 thành viên vay. Hội còn xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh với tổng dư nợ đạt 38,953 tỷ đồng của 78 dự án cho 649 hộ vay. Các dự án đã và đang thực hiện xây dựng hàng trăm mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ ngành nghề mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Đến nay, các cấp HND trong tỉnh đã tham gia vận động, hướng dẫn xây dựng được hơn 90 sản phẩm OCOP; tổ chức đào tạo tập huấn sản xuất theo quy trình VietGAP cho 8 sản phẩm và thiết kế tem nhãn, truy xuất xuất xứ cho sản phẩm; thành lập 752 tổ hợp tác, 131 HTX và thành lập được 149 doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp với bưu điện các huyện, thị, thành phố tổ chức được 26 lớp tập huấn cho gần 1.800 học viên về cách vận hành và đưa sản phẩm bán hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Đến nay, đã đưa 138 sản phẩm của hộ, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp lên sàn giao dịch thương mại điện tử; xây dựng 175 cửa hàng cung ứng thực phẩm sạch, an toàn.

Ngoài ra, HND tỉnh còn được UBND tỉnh giao chủ trì phối hợp với các sở, ngành và các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh tham gia “Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam” tại tỉnh Sơn La với 4 gian hàng trưng bày, giới thiệu hơn 40 sản phẩm OCOP đặc trưng của Thanh Hóa tại hội chợ. Các đơn vị, doanh nghiệp, HTX tham gia hội chợ đã kết nối được 25 đơn vị làm đại lý bán hàng, 2 nhà phân phối độc quyền và đưa sản phẩm vào 147 siêu thị trên toàn quốc. Sau gần 6 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 500 sản phẩm OCOP đã được công nhận, trong đó có nhiều sản phẩm của các chủ thể do hội viên nông dân làm chủ.

Bài và ảnh: Hoàng Lan

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhan-ngay-thanh-lap-hoi-nong-dan-viet-nam-14-10-nbsp-dong-hanh-cung-nong-dan-xay-dung-san-pham-ocop-227495.htm
Zalo