Làn sóng đóng cửa nhà thuốc lan rộng tại Mỹ

Từ năm ngoái đến nay, các chuỗi nhà thuốc lớn tại Mỹ đều tuyên bố đóng cửa trên phạm vi rộng. Ở nhiều thành phố lớn, mọi tiện ích hiện đại đều có nhưng lại rất khó tìm nhà thuốc.

 Chuỗi nhà thuốc lớn Rite Aid đồng loạt đóng cửa. Ảnh: Bloomberg.

Chuỗi nhà thuốc lớn Rite Aid đồng loạt đóng cửa. Ảnh: Bloomberg.

New Lebanon, 1 thị trấn nhỏ thuộc tiểu bang Ohio (Mỹ), có 3.756 người dân đang sinh sống. Tại đây, các tiện ích như cửa hàng tạp hóa, thức ăn nhanh, trường học hay thư viện cộng đồng đều có đủ.

Thế nhưng, người dân lại khó nhìn thấy 1 nhà thuốc vẫn còn hoạt động, theo CNBC.

“Đỏ mắt” tìm nhà thuốc

Tháng 10/2023, chuỗi nhà thuốc lớn Rite Aid đã nộp đơn phá sản và đóng cửa 800 điểm bán. Trong đó, tiểu bang Ohio là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chủ yếu là những thị trấn nhỏ khó khăn và vùng Rust Belt (“Vành đai rỉ sét”).

Rite Aid đã quyết định đóng cửa 180 nhà thuốc tại Ohio. Trên toàn nước Mỹ, chuỗi này chỉ còn 1.700 cửa hàng đang hoạt động, trong khi trước đây có hơn 2.100 nhà thuốc. Rite Aid cũng tuyên bố chuỗi sẽ thoát cảnh phá sản với quy mô khoảng 1.300 điểm bán.

“Tôi lo rằng thị trấn không còn 1 người dược sĩ nào và người dân đang rất cần họ”, David Nickerson, thị trưởng New Lebanon nói. Hiện, một số thị trấn lân cận đều có dược sĩ riêng nhưng người dân New Lebanon cũng phải mất 15 phút lái xe mới đến được.

Đại diện chuỗi nhà thuốc Rite Aid cũng xác nhận rằng việc đóng các cửa hàng đã tác động rất lớn đến tiểu bang Ohio. Công ty cho biết các nhà thuốc tại đây sẽ đóng cửa vào cuối tháng 9 và đây là một phần trong quá trình tái cơ cấu của Rite Aid. Thời gian tới, Rite Aid sẽ chỉ duy trì hoạt động 4 cửa hàng ở Ohio.

Tuy nhiên, đây không phải nơi duy nhất ở Mỹ chứng kiến các nhà thuốc đồng loạt đóng cửa.

Nhiều ý kiến cho rằng những người quản lý phúc lợi dược phẩm (PBM) là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu hụt nhà thuốc. Đây là bên thứ 3 đóng vai trò đàm phán giá thuốc để bảo đảm quyền lợi cho cả các công ty bảo hiểm, hãng dược phẩm và nhà thuốc, theo quy định của Mỹ.

Tuy nhiên, hiện tại đang diễn ra vụ kiện giữa chính phủ liên bang với các PBM về việc giá thuốc tăng cao, điển hình như giá insulin đã tăng 5-10 lần vào đầu năm nay tại Mỹ.

Lý do các nhà thuốc chật vật

Hồi tháng 6, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) công bố báo cáo chỉ trích các PBM và tình trạng nhiều chuỗi nhà thuốc lớn bị siết chặt bởi các thương vụ thâu tóm trong hàng thập kỷ qua.

Theo FTC, 3 PBM lớn nhất hiện kiểm soát đến 80% tổng hóa đơn thuốc tại Mỹ và thực hiện đàm phán các điều khoản nhằm tiếp cận đơn thuốc của hàng trăm triệu người Mỹ. Đó là Caremark của CVS, OptumRX - một phần của United Health và Express Scripts thuộc sở hữu của Cigna.

“Các PBM thúc đẩy lợi nhuận cho nhà thuốc của họ bằng cách giới thiệu bệnh nhân đến mua thuốc. Còn đối với cửa hàng khác, họ áp dụng chính sách chi trả rất thấp”, bà Miranda Rochol, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách các giải pháp cung cấp dịch vụ tại công ty công nghệ chăm sóc sức khỏe Prescryptive Health, cho biết.

 Tranh cãi về chi phí hoàn trả cho các hiệu thuốc không công bằng. Ảnh: Bloomberg.

Tranh cãi về chi phí hoàn trả cho các hiệu thuốc không công bằng. Ảnh: Bloomberg.

Bên cạnh đó, các tổ chức này cũng bị chỉ trích là khiến tỷ lệ hoàn trả thuốc giảm mạnh, đẩy nhiều chuỗi nhà thuốc lớn vào khó khăn tài chính. “Chừng nào 3 PBM này không được kiểm soát thì tình trạng thiếu hụt nhà thuốc sẽ còn diễn ra”, bà Miranda Rochol nói.

Tim Wentworth, Giám đốc điều hành chuỗi nhà thuốc Walgreens Boots Alliance đã đề cập đến các PBM trong báo cáo thu nhập quý III, cho biết doanh nghiệp đang tích cực thảo luận với đối tác nhằm điều chỉnh các ưu đãi cũng như đảm bảo mức chi trả công bằng.

Walgreens cho hay công ty có thể đóng cửa 25% trong tổng số 8.200 tiệm thuốc và điều này sẽ tiếp tục làm cho tình hình khan hiếm nhà thuốc ở Mỹ trở nên trầm trọng hơn.

Tuy Walgreens có quy mô lớn nhưng công ty không hề liên kết với bất kỳ PBM nào. Do đó, công ty cũng phải đối mặt với nhiều áp lực về giá cả như những chuỗi nhà thuốc nhỏ lẻ khác.

Người phát ngôn của Express Scripts đã phản ứng lại với các cáo buộc của FTC, cho rằng vụ kiện này là hoàn toàn vu khống và bịa đặt.

Đại diện CVS cũng lên tiếng bác bỏ các cáo buộc, khẳng định chính sách hoàn trả cho các hiệu thuốc độc lập nhiều hơn đáng kể so với những chuỗi hiệu thuốc khác.

Người này cho biết thêm vấn đề đóng cửa nhiều hiệu thuốc CVS hoàn toàn không liên quan đến PBM mà do thói quen mua hàng của người tiêu dùng thay đổi. Đồng thời, sự chuyển dịch về mặt dân cư cũng góp phần làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhà thuốc.

“Nhiều cuộc khảo sát đã chứng minh rằng các tổ chức trên hoàn trả phí cho nhà thuốc độc lập cao hơn rất nhiều so với những nhà thuốc khác”, Greg Lopes, phát ngôn viên của Hiệp hội Quản lý Chăm sóc Dược phẩm Mỹ khẳng định.

Dù vậy, theo một số chuyên gia, các PBM chỉ là một trong những lý do khiến các hiệu thuốc bán lẻ gặp khó khăn.

Quả thực, mô hình dược phẩm bán lẻ đã bị thu hẹp bởi quy trình hoàn trả thuốc trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên, các nhà thuốc cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với các nền tảng online như Amazon, chưa kể là “cuộc chiến” doanh số ở các sản phẩm phụ tiềm năng khác như kẹo và khăn giấy.

Anh Nguyễn

Nguồn Znews: https://znews.vn/lan-song-dong-cua-nha-thuoc-lan-rong-tai-my-post1503943.html
Zalo