Nhân Lý - Làng cổ dưới chân Tây Yên Tử
Theo các nhà khảo cổ, dọc tuyến đường tỉnh 293 (còn gọi đường tâm linh Tây Yên Tử) có nhiều bản làng cổ xuất hiện chí ít từ thời Trần (thế kỷ XIII-XIV), hậu Lê (thế kỷ XV-XVIII) và rõ nét dấu tích chùa chiền, đền miếu từ khoảng thế kỷ XVIII còn tồn tại đến ngày nay. Một trong những làng cổ thuộc vùng Mai Sưu (vừa chỉ riêng khu chợ Mai Sưu vừa chỉ chung vùng núi bốn xã Lục Sơn, Bình Sơn, Trường Sơn, Vô Tranh) là làng Nhân Lý.
Tên làng Nhân Lý có nghĩa gì? Chữ Nhân, “nhị nhân” là đạo nhân, nhân ái, nhân đức, nhân hậu, nhân tâm, nhân từ, yêu thương. Chữ Lý là làng, xóm, xóm làng, làng xóm, hàng xóm, nơi cư ngụ, nơi ở, quê nhà. Tên làng cổ Nhân Lý hàm nghĩa làng xóm nhân ái, khoan hòa.
Làng Nhân Lý từng có ngôi chùa bề thế, sau bị quân Pháp đốt phá (năm 1948), nay là khu Trường THCS xã Trường Sơn. Từ nửa thế kỷ trước, phía dưới khu chùa cũ vẫn còn bềnh si, vũng chuôm chạy dài nửa cây số giữa cánh đồng Mai Sưu. Những cây si nước trải bao nhiêu đời, thân cây nối dài hàng trăm mét, rễ chùm cắm xuống lòng bềnh nước nối cả đôi bờ. Đình làng xưa với nhiều cột lim to nổi tiếng một vùng nhưng cũng bị quân Pháp càn quét, đốt phá năm 1948.
Lợi dụng địa hình dốc núi, dân làng ở dọc chân núi Dông (còn gọi dông Là, dông Xóm Làng) nối dài khoảng một cây số chia thành hai khu chính. Khu trên vẫn gọi chung là xóm Làng, phía dưới là xóm Uổng - Đồng Hang và một dộc đồng nhỏ. Biệt về bên kia góc núi có Hang Đá, xa xưa là nơi hang hổ quần tụ. Khoảng trăm năm về trước, nơi đây còn nhiều hổ. Mãi đến đầu thế kỷ trước mới có người phát nương trồng sắn, trồng chè rồi mở rộng thành xóm trại Chè Độ cuối làng.
Chủ nhân của làng Nhân Lý chủ yếu thuộc họ La và họ Nguyễn. Tương truyền cụ tổ họ La thuộc quân binh nhà Mạc, đến đầu thế kỷ XVII mới về đây khởi nghiệp, mở trường dạy học, làm thuốc, vỡ ruộng cày cấy. Bà con họ Nguyễn sinh sống lâu đời, một phần từ các xóm Chẳm, Chẽ nhập về. Trên thực tế, Nhân Lý chỉ là một làng nhỏ nhưng do những tranh chấp quyền lực, đất đai nên từ đầu thế kỷ trước đã tách ra thành lập cả một đơn vị xã.
Sách Địa chí Bắc Giang - Từ điển xác định: “Xã trước Cách mạng Tháng Tám, thuộc tổng Vô Tranh, huyện Lục Ngạn. Số dân 92 người (1927); số đinh 30 người (1930); điền thổ 115 mẫu (1930). Xã này thành lập ngày 16/8/1911 trên cơ sở thôn Nhân Lý của xã Mai Sưu (theo Quyết định của Quyền Thống sứ Bắc Kỳ). Phần đất tương ứng với ngày nay thuộc xã Trường Sơn, huyện Lục Nam”, trong khi làng Nhân Lý chỉ cách khu chợ Mai Sưu chừng một cây số. Căn cứ theo một số thư tịch cổ, được biết chợ Mai Sưu thành lập thời Lê Trung hưng, từng nổi danh với đặc sản chè xanh, mộc nhĩ, nấm hương và khoai môn, hạt dẻ.
Ngoài những phế tích đình, chùa mới được phục dựng, hiện ở làng Nhân Lý còn bốn ngôi miếu cổ. Lớn nhất có nghè Đức Ông ở xóm Làng, tương truyền đã tới 300 năm. Miếu thờ sơn thần thổ địa, điển hình cho lối thờ nhiên thần vùng miền núi (thần rừng, thần cây đa, cây gạo). Thứ hai là nghè Miễu ở giữa làng, bên gốc đa và cây gạo cổ thụ. Vào độ cuối xuân, hoa gạo nở đỏ trên nền trời xanh, đôi khi khẽ khàng buông từng bông xuống bờ cỏ. Bên cạnh có khu bềnh si, vài đời trước là khu ao của các cụ Đoàn, cụ Thiệu, cụ Tuyển, cụ Phác, cụ Thạc, nay đã lấp đầy thành vườn cây.
Tiếp theo có nghè Ao Lanh chủ yếu thờ thần thổ địa thuộc về xóm Uổng - Đồng Hang. Cuối cùng có nghè Là thuộc trại mới Chè Độ, trước đây gồm một gian nhà kẻ truyền, lợp ngói mũi bề thế. Nghè từng bị quân Pháp đốt phá và nay chỉ còn là miếu thờ nhỏ. Đã gọi là nghè, đền, miếu thì ở đâu cũng linh thiêng. Truyền rằng vào thời hợp tác xã, có ông ngỗ ngược lấy đá tảng nghè Đức Ông bị ốm liệt giường, sau phải mang trả và làm lễ tạ mới khỏi. Lại có người xẻ cây gỗ lim cổ bên nghè Là, sau cửa nhà lục đục cũng phải đem trả lại khúc gỗ. Chuyện tâm linh khó xét nhưng đã khiến mọi người biết kính cẩn tôn thờ đền miếu cha ông hơn.
Gắn kết với vùng quê miền rừng Mai Sưu và tuyến đường tâm linh Tây Yên Tử, trải qua hàng trăm năm tồn tại, đến nay làng cổ Nhân Lý đã và đang phát triển ổn định, ngày càng thêm đầy đủ, giàu có, vững mạnh.
Nói đến làng Nhân Lý cũng cần đặt trong tổng thể núi rừng chiến khu Mai Sưu thời chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi từng là vùng tự do, nuôi dưỡng bộ đội (đặc biệt có Trung đoàn 98 vang danh với tên tuổi Trung đoàn trưởng Mạnh Hùng “hổ xám vùng Đông Bắc”), chở che đồng bào tản cư các tỉnh bạn, đồng thời cũng là nơi sơ tán của nhiều cơ quan Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Hồng (Quảng Ninh) và Hải Phòng. Vào ngày 15/10/1948, quân Pháp bất ngờ nhảy dù nhằm bắt giữ các cơ quan đầu não, đánh phá căn cứ, truy sát khoảng 200 bộ đội, dân công và trên 100 đồng bào địa phương rồi đốt phá hầu hết nhà cửa, đình, chùa, đền, miếu.
Làng Nhân Lý cũng có người bị quân Pháp sát hại… Sang thời chống Mỹ, làng Nhân Lý không chỉ chi viện sức người cho tiền tuyến với lớp lớp thanh niên nhập ngũ, có tới 14 liệt sĩ, mà còn là một trong những địa chỉ tin cậy của Trung đoàn 568, đơn vị vừa tích cực huấn luyện, tuyển quân từ các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh thuộc Quân khu Tả ngạn, trực tiếp đưa quân chi viện cho các chiến trường cho đến ngày toàn thắng.
Gắn kết với vùng quê miền rừng Mai Sưu và tuyến đường tâm linh Tây Yên Tử, trải qua hàng trăm năm tồn tại, đến nay làng cổ Nhân Lý đã và đang phát triển ổn định, ngày càng thêm đầy đủ, giàu có, vững mạnh. Bà con trong làng chuyển mạnh từ chuyên canh trồng lúa nước sang trồng rừng, cây ăn quả, dược liệu với điểm nhấn sản phẩm Trà hoa vàng của Hợp tác xã sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh đã được Bộ Công Thương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021.
Từ một làng quê rừng núi non cao khép kín, lớp người trẻ tuổi đã và đang mở rộng tầm nhìn, vươn rộng ra các vùng miền trong nước và nước ngoài, nâng tầm kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng năng lực lao động kỹ thuật trong các công ty, doanh nghiệp đòi hỏi trình độ cao, từng bước hòa nhập đời sống hiện đại.