Du xuân bằng metro: Dạo chơi quanh các điểm đến gần ga 'đầu não' Bến Thành

Ga Bến Thành là trạm đầu tiên và cũng là một trong ba ga ngầm (Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Ba Son) của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Mời bạn đọc tham khảo một vài điểm đến xung quanh ga Bến Thành trong chuỗi bài Du xuân bằng metro.

Nằm ngay khu vực trung tâm TPHCM, bên cạnh là chợ Bến Thành, công viên 23-9 và các tuyến đường lớn như Hàm Nghi, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo…, ga ngầm Bến Thành là ga "đầu não" và cũng là ga có vị trí "đắc địa" nhất của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.

Lân cận khu vực ga Bến Thành, bạn đọc có thể tham quan những công trình biểu tượng của TPHCM, chiêm bái một vài kiến trúc tâm linh và ghé thăm khu phố nhộn nhịp bậc nhất Sài Gòn về đêm.

Một trong những địa điểm check in không thể bỏ lỡ đó chính là chợ Bến Thành, công trình biểu tượng của TPHCM. Chợ Bến Thành không chỉ là một địa điểm mua sắm truyền thống mà còn là một "studio" ngoài trời để bạn đọc tha hồ "sống ảo". Bên cạnh đó, bên trong khu chợ còn chứa đựng những trải nghiệm ẩm thực đa dạng, bạn có thể thưởng thức các món ăn tại các quán ăn nhỏ trong chợ, từ bánh xèo, bún riêu, hủ tiếu đến các món ăn vặt như bánh tráng trộn, kem bơ...

Ảnh: Thái Bảo - Minh Thuận

Ảnh: Thái Bảo - Minh Thuận

Sau khi nạp đầy năng lượng với những trải nghiệm ăn uống tại chợ, bạn đọc có thể di chuyển đến Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM để tham quan. Tọa lạc tại số 97A Phó Đức Chính, Quận 1, bảo tàng này là nơi lưu giữ và trưng bày những tác phẩm nghệ thuật quý báu, phản ánh sự phong phú của nền mỹ thuật Việt Nam.

Bên cạnh đó, bảo tàng được thiết kế theo phong cách kiến trúc Pháp, mang đậm dấu ấn lịch sử, ngoài chợ Bến Thành thì đây cũng là địa điểm mà nhiều cặp đôi lựa chọn để chụp ảnh cưới, vì vậy song song với mục đích thưởng thức nghệ thuật, bạn đọc cũng có thể kỳ vọng có những bức ảnh sống ảo "nhiều like" tại đây.

Giá vé tham quan bảo tàng với người lớn là 30.000 đồng; sinh viên, học sinh là 15.000 đồng và miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, người trên 60 tuổi.

Ảnh: Hạnh Phan, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM

Ảnh: Hạnh Phan, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM

Ảnh: Thái Bảo

Ảnh: Thái Bảo

Đền có tên gốc là Đền Bà Mariamman và thờ nữ thần Mariamman. Theo tín ngưỡng của người Ấn đây là vị thần của mùa màng bội thu, đất đai màu mỡ, sức khỏe dồi dào, hôn nhân suôn sẻ, con cháu đông vui... Đền được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, khi mà một số đông người Ấn Độ di cư qua Việt Nam và sống tập trung ở gần khu vực lập đền sau này. Hiện nay, đền vẫn được đông đảo người Ấn và người Việt đến cúng bái.

Ảnh: Thái Bảo

Ảnh: Thái Bảo

Theo Nhà thờ Công giáo Việt Nam, nhà thờ Huyện Sỹ do ông bà Lê Phát Ðạt, tức Huyện Sỹ, hiến đất và 1/7 gia tài để xây dựng. Khởi công xây dựng năm 1902 theo thiết kế của Linh mục Bouttier, đến 1905 thì nhà thờ được khánh thành.

Ban đầu nhà thờ có tên là Nhà thờ Chợ Đũi thuộc họ đạo Chợ Đũi, do nhận bảo trợ của thánh Philipphê tông đồ, thánh bổn mạng của Huyện Sỹ nên còn được gọi là Nhà thờ thánh Philipphê. Tuy vậy, dân gian vẫn gọi là Nhà thờ Huyện Sỹ, và sau đó dần trở thành tên chính thức của nhà thờ này.

Bạn đọc có thể ghé thăm và chụp ảnh, tham quan và ngồi nghỉ mát dưới bóng cây tại nhà thờ được đánh giá là một trong những nhà thờ có khuôn viên rộng rãi và thoáng đãng nhất tại TPHCM.

Ảnh: Thái Bảo

Ảnh: Thái Bảo

Nằm khuất sau đường Hàm Nghi, phố đồ cổ Lê Công Kiều bao đời nay vẫn bình yên lặng lẽ dù ở ngay trung tâm TPHCM. Con đường này trở thành một nét đặc biệt vì đây là con phố duy nhất của thành phố bán tập trung các loại đồ cổ.

Theo TTXVN, ngày xưa, phố Lê Công Kiều chỉ là một con hẻm. Năm 1920, chính quyền Pháp mở rộng và đặt tên là đường Reims. Năm 1955, chính quyền Sài Gòn đổi thành Lê Công Kiều, tên của một đốc binh thời phong trào Cần Vương chống Pháp.

Phố này chỉ dài hơn 200m, vài chục năm nay diện mạo hầu như không thay đổi nhiều. Các cửa hàng đều được đánh số mà không cần bảng hiệu gì. Người mua muốn kiếm loại nào thì cứ nhìn vào số là tìm đến. Ví dụ, khách muốn kiếm các mặt hàng gốm sứ thì cứ vào các cửa hàng số 19, 21, 23. Muốn kiếm chiêng cổ, đầu tượng Khmer thì vào các cửa hàng số 34, 36, 38, 40. Muốn kiếm các loại bàn ghế, tủ, trường kỷ thì vào các cửa hàng số 15 và 36.

Phía cuối đường lại có rất nhiều cửa hàng bán đồ sơn mài, đồ gỗ, hoành phi, câu đối… Vì vậy mà phố Lê Công Kiều được người ta gọi là con phố xưa nhất Sài Gòn, vì ở đây người ta đang mua bán “thời gian”. Thời gian ở đây là đồ cổ, càng lâu năm càng giá trị.

Ảnh: Lê Vũ

Ảnh: Lê Vũ

Trái ngược với vẻ yên tĩnh của con phố đồ cổ, phố Bùi Viện về đêm là nơi vui chơi nhộn nhịp tại TPHCM. Phố đi bộ Bùi Viện cũng là tụ điểm vui chơi, giải trí quen thuộc của giới trẻ, đặc biệt với các du khách trong và ngoài nước. Nếu bạn đọc thích sự náo nhiệt và sầm uất thì đây có thể là sự lựa chọn phù hợp cho chuyến du xuân bằng metro xung quanh khu vực ga Bến Thành.

Trên đây là một vài gợi ý những địa điểm vui chơi, tham quan xung quanh ga Bến Thành. Hy vọng số cuối cùng trong chuỗi bài viết Du xuân bằng metro có thể đem lại những thông tin tham khảo hữu ích cho bạn đọc.

Trúc Nhã Thái Bảo

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/du-xuan-bang-metro-dao-choi-quanh-cac-diem-den-gan-ga-dau-nao-ben-thanh/
Zalo