Nhân lực và hạ tầng - yếu tố then chốt để hình thành, phát triển trung tâm tài chính
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho rằng, để hình thành và phát triển trung tâm tài chính, hạ tầng và nguồn nhân lực cần được đầu tư xứng đáng.
Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng
Tại Hội thảo Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng tổ chức, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, TP. HCM và Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của từng địa phương để cùng hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau, hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển trung tâm tài chính (TTTC).
Trong những điều kiện thuận lợi để phát triển TTTC quốc tế tại TP. HCM gồm quy mô kinh tế, dân số, cơ sở hạ tầng, thị trường vốn…Chủ tịch UBND TP. HCM cho rằng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát của các TTTC, đặc biệt là nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính và công nghệ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, TP. Hồ Chí Minh có lực lượng lao động trẻ, trình độ cao nhưng vẫn có chi phí phải chăng, nhất là trong lĩnh vực công nghệ và lập trình.
Chủ tịch UBND TP. HCM thông tin, địa phương được xếp hạng trong danh sách TTTC tại báo cáo xếp hạng các TTTC toàn cầu (Global Financial Centres Inde - GFCI) lần đầu tiên vào năm 2022. Tại báo cáo gần nhất của GFCI (tháng 9/2024), TTTC TP. HCM được đánh giá là một trong số các TTTC có sự cải thiên nổi bật về thứ hạng thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Báo cáo của GFCI cũng đánh giá TP. Hồ Chí Minh là TTTC mới nổi, đang trên đà tăng trưởng, tuy nhiên còn thiếu tính kết nối, đa dạng và chuyên môn hóa của các TTTC hàng đầu. Vì vậy, để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trở thành TTTC quốc tế đặt ra rất nhiều thách thức cho thành phố, không chỉ là quyết tâm, trách nhiệm mà còn đòi hỏi nỗ lực thực hiện, vừa học vừa làm, phối hợp cùng nhau giữa trung ương, các bộ, ngành và các thành phố”, ông Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP. HCM cũng đề cập, Thành phố sẽ tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng TTTC, xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực, bao gồm nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn lực tư nhân để phát triển hạ tầng phục vụ TTTC; xây dựng và triển khai phương án đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho TTTC…
Đầu tư vào hạ tầng và nhân lực
Sau khi điểm lại các tiềm năng, thuận lợi của địa phương, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông tin, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư tài chính quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Singapore, Trung Đông, Thụy Sĩ rất quan tâm đến việc phát triển TTTC Đà Nẵng theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại để cộng hưởng với các lợi thế từ vị trí địa chính trị - kinh tế quan trọng trong hành lang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và môi trường sống, hạ tầng đô thị, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng của TP. Đà Nẵng.
“Đây là định hướng phù hợp với thực tiễn phát triển và thời cơ mới từ việc hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và Khu thương mại tự do Đà Nẵng, phát huy được các điều kiện, lợi thế của TP. Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, đáp ứng sự quan tâm của các tổ chức, quỹ đầu tư, nhà đầu tư, kinh doanh thương mại quốc tế đặt ra khi nghiên cứu đầu tư vào TP. Đà Nẵng, mở ra triển vọng đưa Đà Nẵng trở thành cửa ngõ đầu tư - thương mại - tài chính - công nghệ của quốc gia, khu vực”, ông Minh cho hay.
Theo Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, TTTC TP. Đà Nẵng đề xuất phát triển hệ sinh thái đa thành phần, tập trung vào 3 nhóm dịch vụ gồm cung cấp các dịch vụ tài chính quốc tế; các dịch vụ Fintech và TechFin; các dịch vụ hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và dịch vụ tiện ích.
Để phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp TTTC, ông Minh cũng cho hay, TP. Đà Nẵng đã quy hoạch quỹ đất 6,17 ha với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của Việt Nam để thiết kế chức năng văn phòng, cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, tiện ích; bố trí khu đất 9,7 ha để phát triển các dịch vụ công nghệ tài chính nằm liền kề Khu Công viên phần mềm số 2.
Và trong dài hạn, theo nhu cầu phát triển, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu tạo quỹ đất mới mở rộng thêm 62 ha đề hình thành một tổ hợp đầy đủ về quy mô và không gian phát triển, gia tăng sự hấp dẫn phát triển hạ tầng TTTC và thu hút các nhà đầu tư khác vào hoạt động tại TTTC quốc tế Đà Nẵng.
Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng cho rằng, để hình thành và phát triển TTTC quốc tế đòi hỏi phải bảo đảm hạ tầng và nhân lực được đầu tư thỏa đáng và có sự đột phá mạnh mẽ về cơ chế chính sách.
“Thành phố sẽ tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao trên các lĩnh vực dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, quản trị tài chính số và các chuyên ngành liên quan để phục vụ nhu cầu nhân lực tại chỗ trong hoạt động và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng…”, ông Minh phát biểu.