Bảo đảm nguồn hàng, ổn định giá phục vụ Tết
Để chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp đầu mối tham gia Chương trình Bình ổn thị trường tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, siêu thị, chợ… cũng cam kết đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Theo đại diện Chợ đầu mối nông sản-thực phẩm Hóc Môn, những ngày qua, khối lượng hàng nhập về tăng khoảng 20% so với những ngày bình thường. Với ngày bình thường (tính cả ngày và đêm), chợ nhập khoảng 2.300 tấn hàng hóa các loại. Dự kiến, từ ngày 25-29 tháng Chạp, lượng hàng về chợ có thể tăng từ 30-50% so với ngày thường; trong đó, mặt hàng thịt heo tăng khoảng 100%. Bên cạnh đó, nguồn hàng rau-củ-quả cũng được thương nhân dự trữ tại các kho lạnh chung quanh chợ với khối lượng hơn 2.000 tấn.
Tại Chợ đầu mối nông sản-thực phẩm Thủ Đức, theo đại diện chợ, các mặt hàng rau-củ-quả, trái cây và hoa tươi được nhập về với khối lượng khá dồi dào. Theo đó, dự kiến từ ngày 25 tháng Chạp trung bình mỗi ngày chợ sẽ nhập về khoảng 3.600 tấn đến 4.500 tấn nông sản các loại; bảo đảm cung ứng đủ cho nhu cầu mua sắm của người dân thành phố. Các thương nhân tại chợ đã chủ động dự trữ đủ lượng hàng phục vụ Tết; không lo tình trạng thiếu hàng, tăng giá. Tương tự, dự báo những ngày cận Tết lượng hàng hóa nhập về Chợ đầu mối Bình Điền cũng tăng từ 30-60% so với ngày thường, đạt khoảng 4.000 tấn/ngày…
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) Phan Văn Dũng cho biết: Dù giá heo tăng nhưng doanh nghiệp sẽ không tăng giá mặt hàng này. VISSAN đã dự trữ 1.000 tấn thịt heo nóng và 1.500 tấn thịt heo đông lạnh để kịp thời cung ứng trong trường hợp thị trường thiếu hụt.
Phó Giám đốc Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết: Để chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình Bình ổn thị trường ở thành phố đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng. Tổng khối lượng hàng hóa thiết yếu được chuẩn bị chiếm từ 25-43% thị phần. Dự kiến, bình quân mỗi tháng (tháng trước và sau Tết) các doanh nghiệp sẽ cung ứng khoảng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau-củ-quả, 200 tấn thủy-hải sản…
Cùng với đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường cũng cam kết giữ ổn định, không tăng giá bán trong một tháng trước và sau Tết. Giá cả các mặt hàng bình ổn thị trường luôn được duy trì thấp hơn ít nhất 5% so với giá bình quân trên thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng. Đáng chú ý, trong ba ngày cận Tết, các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ còn thực hiện khuyến mãi mạnh, giảm giá sâu cho một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như thịt gia súc, thịt gia cầm, rau-củ-quả, bánh, kẹo…
Các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý tình trạng biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có). Bên cạnh đó, trong những ngày cận Tết, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ tăng cường nhân lực, công suất phục vụ và thời gian hoạt động; kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng…
Tại buổi làm việc với ngành công thương thành phố về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (ngày 13/1), Thứ trưởng Công thương Phan Thị Thắng đề nghị Sở Công thương thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm của các doanh nghiệp uy tín trong nước. Đồng thời, ngành công thương cần tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường; trong đó, chú trọng các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Đối với vấn đề khó khăn trong hoạt động vận chuyển hàng hóa hiện nay, Thứ trưởng đề nghị Sở Công thương thành phố tập hợp ý kiến của các đơn vị và báo cáo sớm để Bộ Công thương tham mưu, báo cáo Chính phủ nếu cần thiết; nhằm có những giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời, hợp lý cho doanh nghiệp.