Nhân lên những Tuần lễ sách

Tuần lễ sách và các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2024) đang diễn ra tại Đường Sách TPHCM với nhiều hoạt động phong phú. Chương trình do Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp với Bộ Tư lệnh TPHCM, Bảo tàng Lực lượng Vũ trang miền Đông Nam bộ, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật và Công ty Đường sách TPHCM phối hợp tổ chức.

Tuần lễ sách đặc biệt này có sự tham gia của 24 đơn vị và gần 20 chương trình giới thiệu sách, hoạt động trải nghiệm, biểu diễn, giao lưu về âm nhạc dân tộc. Dịp này, ban tổ chức cũng thực hiện triển lãm đặc biệt giới thiệu 343 tư liệu, hình ảnh và xuất bản phẩm với chủ đề “Quân đội anh hùng - Quốc phòng vững mạnh” và “Lực lượng vũ trang TPHCM viết tiếp truyền thống anh hùng”. Đáng chú ý, ban tổ chức còn giới thiệu cuốn sách Những trận đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang TPHCM giai đoạn 1945-1989 và tổ chức giao lưu cùng các chứng nhân lịch sử. Trong đó nổi bật là hai trận đánh mang tính quyết định trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968: trận đánh vào Dinh Độc Lập (31/1 – 1/2/1968) và trận đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy (31/1/1968).

Những người yêu sách đã thực sự bất ngờ trước một dòng sách văn học vô cùng đặc sắc, từ những tác phẩm tổng kết nhiều tư liệu lịch sử chiến tranh, nghệ thuật quân sự Việt Nam, đến những hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Dòng văn học đặc biệt đó cho thấy những gian nan, sự hy sinh to lớn của dân tộc Việt Nam trong những năm tháng trường kỳ chiến đấu, quyết giành bằng được độc lập cho dân tộc, tự do cho giống nòi và thống nhất đất nước.

Đó chính là biểu tượng của lòng dũng cảm, tinh thần kiên cường của quân và dân ta trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, càng chói ngời khí phách của bộ đội Việt Nam, nhân dân Việt Nam.

Nhiều bạn trẻ TPHCM tham dự Tuần lễ sách đặc biệt này cho biết, dù không sống trong những ngày tháng chiến trận hào hùng đó, nhưng họ đã phần nào cảm nhận được những hy sinh vô bờ bến của thế hệ cha ông, càng thêm trân trọng cuộc sống hòa bình của ngày hôm nay.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nên có thêm nhiều hơn những Tuần lễ sách chuyên đề như vậy, ở các lĩnh vực khác nhau, để người đọc trẻ hôm nay cảm nhận sâu sắc hơn những gì đã qua và những gì đang diễn ra, từ đó nhìn về tương lai một cách rõ ràng hơn. Văn học bằng cách riêng của mình sẽ “từ trái tim đến trái tim”, lay động tâm hồn con người, giúp mỗi người có thêm nguồn năng lượng tích cực, vun đắp và làm đầy đặn thêm ý nghĩa cuộc sống.

Văn hóa đọc cần được xây dựng chính từ những tuần lễ sách như vậy, chứ không chỉ là sự kêu gọi, hô hào mang tính phong trào mà phải chủ động “mở đường” đến với người đọc. Nhất là với giới trẻ khi họ phải chịu nhiều áp lực cuộc sống buộc phải tìm cách hóa giải. Thời gian của họ cũng bị “chia nhỏ” cho các lĩnh vực khác rất nhiều cuốn hút.

Tuy nhiên, khi đã được giới thiệu kỹ càng, người trẻ sẽ hiểu và yêu mến, từ đó tìm đến với sách, trong đó có sách văn học như một lẽ tự nhiên.

Tất nhiên xây dựng văn hóa đọc, hình thành văn hóa đọc có nhiều cách, nhưng việc tổ chức những Tuần lễ sách là rất tích cực mà Tuần lễ sách Quân đội đang diễn ra tại TPHCM là một minh chứng rõ nét.

Hy vọng từ thành công đó, các Tuần lễ sách mang tính chuyên đề sẽ diễn ra thường xuyên hơn, ở nhiều địa phương hơn. Nói như một bạn sinh viên Đại học Ngoại thương TPHCM thì sách cũng phải “xuống đường” chứ không nên nằm im trên những kệ sách thư viện, kể cả trưng bày ở những cửa hàng sách.

Phương Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhan-len-nhung-tuan-le-sach-10296662.html
Zalo