Nhân lên nguồn lực phát triển trong giai đoạn mới

Trước ngày 1/5/2025, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Đà Nẵng năm 2025 đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua, bảo đảm hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng hạn định. Theo dự kiến, số đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp sẽ giảm từ 47 xuống còn 16, bao gồm 12 phường, 3 xã và 1 đặc khu, giảm 65,96%.

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” phường Phước Ninh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: HOÀNG NHUNG)

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” phường Phước Ninh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: HOÀNG NHUNG)

Quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, những yếu tố đặc trưng về lịch sử, văn hóa luôn được xem xét, nghiên cứu trong tổng thể quy hoạch đô thị và định hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho thành phố trong giai đoạn cách mạng mới.

Khẩn trương quyết liệt nhưng thận trọng và cầu thị

Triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11, khóa XIII, căn cứ tiêu chí và thực tế địa phương, Thành ủy Đà Nẵng đã khẩn trương, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, phục vụ kịp thời lợi ích thiết thực của nhân dân.

Với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, trong khoảng thời gian rất ngắn, từ ngày 15/4 đến 23/4/2025, Thành ủy đã ban hành liên tiếp 3 nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố; có sự điều chỉnh kịp thời số lượng và tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp.

Ngoài bảo đảm các tiêu chí về diện tích, quy mô dân số, vị trí địa lý, các yếu tố đặc thù như truyền thống văn hóa, lịch sử, nhất là tâm tư, tình cảm và mong muốn chính đáng người dân được lắng nghe, tiếp thu và xem xét thấu đáo.

Với Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 23/4/2025, Thành ủy đã thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp là 16. Như vậy, so với phương án dự kiến trước đó được nêu tại các Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 15/4/2025 và 26-NQ/TU ngày 22/4/2025, số lượng đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp giảm thêm 3 đơn vị, đồng thời, tên gọi của các đơn vị hành chính cấp xã cũng được điều chỉnh phù hợp.

Thay vì đặt tên xã, phường mới theo tên gọi của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) gắn với số thứ tự như phương án ban đầu, thì 16 đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Đà Nẵng sau sắp xếp theo phương án hiện tại đã giữ được những địa danh thể hiện chiều sâu văn hóa và đặc điểm riêng có, như các tên gọi phường: Hải Châu, Hòa Cường, Thanh Khê, An Khê, An Hải, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hòa Khánh, Liên Chiểu, Hải Vân, Cẩm Lệ, Hòa Xuân; các xã: Hòa Tiến, Hòa Vang, Bà Nà và đặc khu Hoàng Sa.

Phương án này được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, thống nhất cao, đồng thời bảo đảm tiêu chí tên gọi dễ nhớ, ngắn gọn, có tính hệ thống, khoa học, bao hàm yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương.

Sự điều chỉnh kịp thời thể hiện tinh thần nghiêm túc, cầu thị trong thực hiện chỉ đạo của Trung ương, khẩn trương, quyết liệt nhưng thận trọng, chắc chắn, bài bản, không nóng vội, chủ quan, thực hiện đúng quy trình thủ tục theo quy định, không làm tắt, làm qua loa đại khái bất cứ công việc nào. Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, kết quả tổng hợp lấy ý kiến cử tri liên quan Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đạt tỷ lệ đồng thuận rất cao với 98,78%.

Theo Đề án, tất cả 47 đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Đà Nẵng đều thuộc diện sắp xếp, kể cả những đơn vị hành chính đã được sắp xếp trước đó theo Nghị quyết số 1251/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Đối với một số đơn vị hành chính cấp xã, việc thực hiện điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số còn nhằm giải quyết bất hợp lý về phân định địa giới như tại 2 xã Hòa Liên và Hòa Bắc thuộc huyện Hòa Vang hiện nay. Theo đó, phần diện tích tự nhiên được đề xuất điều chỉnh từ xã Hòa Liên nhập vào xã Hòa Bắc nhằm giải quyết tình trạng chia cắt với phần còn lại của xã Hòa Liên bởi một con sông. Sau khi điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính hợp lý, sẽ tiếp tục thực hiện sáp nhập phần còn lại để thành lập phường mới, qua đó tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương.

Không gian đô thị Đà Nẵng bên bờ sông Hàn.

Không gian đô thị Đà Nẵng bên bờ sông Hàn.

Sớm ổn định để phát triển

Trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, cử tri của thành phố Đà Nẵng đến dự các hội nghị tiếp xúc cử tri rất đông đủ, thể hiện quan tâm các chủ trương, quyết sách chiến lược của Trung ương và kỳ vọng sự phát triển của đất nước và thành phố trong giai đoạn mới.

Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm, đó là chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sau khi kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã kể từ ngày 1/8/2025. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà Đinh Thị Mỹ Hạnh đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét chế độ phù hợp, vừa bảo đảm quyền lợi, vừa là sự ghi nhận đóng góp của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố được diễn ra theo 2 đợt. Đợt 1 triển khai theo Nghị quyết số 1251/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã giảm từ 56 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 47; đợt 2 dự kiến sẽ còn 16 đơn vị hành chính cấp xã. Quá trình xây dựng và hoàn thiện Đề án, Ban Chỉ đạo đã liên tục thảo luận, lắng nghe ý kiến của các địa phương, đơn vị và nhân dân để nghiên cứu, điều chỉnh; chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền ghi nhận, tiếp thu để báo cáo Quốc hội, Chính phủ.

Tuy nhiên, do yêu cầu chuẩn hóa cán bộ từ Trung ương tới cơ sở, số cán bộ dôi dư nhiều, Đà Nẵng có hơn 900 người hoạt động không chuyên trách cấp xã, tỉnh Quảng Nam có số lượng lớn hơn, do đó hai Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thống nhất rà soát, đánh giá cụ thể để nghiên cứu phương án hợp lý; giao Hội đồng nhân dân của 2 địa phương cùng bàn và thống nhất chính sách hỗ trợ, bảo đảm không có sự chênh lệch giữa 2 địa phương.

Đà Nẵng cũng áp dụng cơ chế đặc thù hỗ trợ tìm việc làm sau sắp xếp đơn vị hành chính. Về trụ sở làm việc, sẽ bố trí, sắp xếp cho các khối đảng, mặt trận, đoàn thể và chính quyền, số còn lại bố trí làm trụ sở lực lượng công an, trạm y tế, đơn vị sự nghiệp cấp xã hoặc các cơ quan, đơn vị cấp thành phố khi hợp nhất tỉnh…

Đồng chí Bí thư Thành ủy cho biết thêm, Ban Chỉ đạo của 2 địa phương cũng đã họp 3 phiên, cơ bản thống nhất các nội dung, bảo đảm đúng yêu cầu của Trung ương, phù hợp thực tiễn. Sau hợp nhất tỉnh, diện tích thành phố Đà Nẵng sẽ lớn gấp 10 lần hiện tại, với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của Đà Nẵng, cùng lợi thế truyền thống, đất đai của Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng sẽ là địa phương có 2 sân bay, 3 cảng biển với hạ tầng hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Yếu tố con người, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị sẽ là yếu tố quyết định sớm ổn định tổ chức bộ máy, làm động lực thúc đẩy hiệu quả các quyết sách chiến lược trong giai đoạn phát triển mới của thành phố.

Theo lộ trình đề ra, trước thời hạn 15/5/2025, thành phố phải hoàn thành các phương án bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý chính quyền cấp xã gắn với sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, địa phương, đơn vị cấp huyện, cấp xã; phương án kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thực hiện chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách theo quy định; hoàn thành phương án sử dụng trụ sở làm việc của các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (cũ) và bố trí trụ sở làm việc của đơn vị hành chính cấp xã (mới); sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập gắn với hoạt động của Ủy ban nhân dân phường, xã mới.

Trước ngày 30/6/2025, các cơ quan, đơn vị phối hợp hoàn thành các phương án quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, hồ sơ tài liệu và số hóa tài liệu của các cơ quan, tổ chức cấp huyện, cấp xã trước sắp xếp; trước ngày 30/5/2025 hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp, bảo đảm kết nối, liên thông, tích hợp dữ liệu giữa cấp cơ sở với cấp thành phố và cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm không ngắt quãng, không gián đoạn, chậm trễ, bỏ sót nhiệm vụ; phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu tăng trưởng kinh tế-xã hội năm 2025.

TIỂU PHƯƠNG - ĐÌNH TĂNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhan-len-nguon-luc-phat-trien-trong-giai-doan-moi-post878677.html
Zalo