Đồng Nai giải bài toán an cư cho hàng nghìn cán bộ sau sáp nhập tỉnh

Sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh với Bình Phước, tỉnh Đồng Nai đang đối mặt với bài toán đảm bảo chỗ ở cho khoảng 1.600 cán bộ, công chức, viên chức chuyển về công tác. Trước yêu cầu cấp thiết này, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã lên kế hoạch xây dựng mới 7 khu nhà ở công vụ và chuyển đổi công năng hàng loạt trụ sở, ký túc xá, nhà ở xã hội còn trống thành nơi ở phục vụ đội ngũ cán bộ.

Đồng Nai có 3 dự án nhà ở xã hội với tổng số khoảng 3.500 căn hộ đang triển khai. Khi hoàn thiện, các dự án này sẽ là nguồn bổ sung chỗ ở không chỉ cho đội ngũ cán bộ mới chuyển đến mà còn cho người lao động, viên chức đang sinh sống và làm việc trên địa bàn Thành phố. Ảnh: ST

Đồng Nai có 3 dự án nhà ở xã hội với tổng số khoảng 3.500 căn hộ đang triển khai. Khi hoàn thiện, các dự án này sẽ là nguồn bổ sung chỗ ở không chỉ cho đội ngũ cán bộ mới chuyển đến mà còn cho người lao động, viên chức đang sinh sống và làm việc trên địa bàn Thành phố. Ảnh: ST

Đẩy mạnh xây dựng mới 7 khu nhà công vụ

Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Đồng Nai và Bình Phước được hợp nhất thành một tỉnh mới, giữ nguyên tên gọi là tỉnh Đồng Nai. Trung tâm hành chính đặt tại TP. Biên Hòa, đồng nghĩa với việc hàng nghìn cán bộ, công chức từ tỉnh Bình Phước sẽ phải chuyển về làm việc tại đây.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, có khoảng 1.600 cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ “tỉnh bạn” Bình Phước sẽ chuyển về công tác. Việc bố trí nơi ăn ở ổn định cho lực lượng này là yêu cầu cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của bộ máy hành chính sau sáp nhập.

Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ông Hồ Văn Hà đã ký Văn bản đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng về việc đầu tư xây dựng các khu nhà ở công vụ phục vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang khi sáp nhập hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.

Cụ thể, tỉnh dự kiến xây dựng 7 khu nhà ở công vụ tại các phường Trảng Dài, Tân Phong, Quang Vinh và Tân Hiệp thuộc thành phố Biên Hòa. Các đơn vị như Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh được giao làm chủ đầu tư, khẩn trương hoàn thành các thủ tục để sớm triển khai xây dựng, đảm bảo chỗ ở cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang khi sáp nhập tỉnh.

Tỉnh đã yêu cầu các đơn vị đầu mối khẩn trương lập thủ tục đầu tư, hoàn thành hồ sơ để triển khai thi công trong thời gian sớm nhất, bảo đảm tiến độ, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở ngay trong năm 2025.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, toàn bộ các dự án phải thiết kế theo hướng hiện đại, đồng bộ hạ tầng, bảo đảm tiện nghi và phù hợp với đặc thù nhà công vụ - vừa phục vụ sinh hoạt cá nhân, vừa bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt cộng đồng.

Tỉnh Đồng Nai sẽ chuẩn bị tốt trụ sở làm việc và nhà ở công vụ phục vụ lực lượng cán bộ công chức cấp tỉnh từ Bình Phước về Đồng Nai làm việc sau sáp nhập.

Võ Tấn Đức - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Tận dụng cơ sở hiện có, đẩy nhanh tiến độ nhà ở xã hội

Cùng với việc xây dựng mới, tỉnh Đồng Nai cũng chủ trương rà soát, tận dụng lại quỹ đất, tài sản công sẵn có để tiết kiệm chi phí đầu tư. Nhiều trụ sở cơ quan, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng sau sáp nhập đang được tính toán chuyển đổi công năng thành nhà ở công vụ.

Theo thống kê ban đầu, Đồng Nai có ít nhất 6 địa điểm có thể cải tạo, gồm: Khu nhà khách 71; Trung tâm Công tác xã hội tỉnh; Trung tâm Giáo dục thường xuyên tại phường Trung Dũng; một số khu ký túc xá cũ; 4 block nhà ở xã hội tại phường Quang Vinh chưa sử dụng.

Tổng cộng các địa điểm này có thể sửa chữa để cung cấp hơn 150 căn hộ hoặc phòng ở tiêu chuẩn.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương khảo sát hiện trạng, đề xuất phương án sửa chữa, nâng cấp. Thời hạn hoàn tất rà soát, lập phương án đầu tư được ấn định trước ngày 10/5/2025.

Song song đó, tỉnh cũng làm việc với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đang triển khai tại TP. Biên Hòa để thúc đẩy tiến độ. Hiện có 3 dự án nhà ở xã hội với tổng số khoảng 3.500 căn hộ đang được triển khai, dự kiến hoàn thành trong vài năm tới.

Khi hoàn thiện, các dự án này sẽ là nguồn bổ sung chỗ ở quan trọng, không chỉ cho đội ngũ cán bộ mới chuyển đến mà còn cho người lao động, viên chức đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố.

Giải pháp chiến lược trong xây dựng nền hành chính hiện đại

Việc chủ động bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức sau sáp nhập tỉnh không chỉ mang tính chất tình thế mà còn thể hiện tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai trong quản lý hạ tầng hành chính. Theo nhận định từ các chuyên gia đô thị và tài chính công, đây là hướng đi hợp lý nhằm tiết kiệm ngân sách, hạn chế đầu tư dàn trải và tận dụng hiệu quả tài sản công.

Đặc biệt, việc kết hợp đầu tư mới với chuyển đổi công năng không chỉ giảm áp lực ngân sách mà còn tránh được tình trạng trụ sở, công trình công lập bị bỏ hoang, gây lãng phí.

Bên cạnh đó, cách tiếp cận đa nguồn gồm vốn đầu tư công và huy động nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp bất động sản cũng cho thấy sự linh hoạt trong tư duy điều hành, phù hợp với xu hướng phát triển đô thị bền vững.

Việc chuẩn bị đầy đủ cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nơi ở cho đội ngũ cán bộ, là điều kiện tiên quyết để bộ máy hành chính mới hoạt động ổn định, hiệu quả, không bị gián đoạn sau sáp nhập. Đây cũng là yếu tố tác động lớn đến tâm lý cán bộ, viên chức - những người đang chuẩn bị chuyển về địa phương mới công tác.

Bằng việc triển khai đồng bộ cả ba giải pháp - xây mới, cải tạo và đẩy nhanh tiến độ nhà ở xã hội - Đồng Nai đang từng bước giải bài toán an cư cho hàng nghìn cán bộ sau sáp nhập tỉnh. Không chỉ là động thái kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu trước mắt, đây còn là bước đi chiến lược cho thấy tầm nhìn và quyết tâm xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả và bền vững của chính quyền tỉnh trong giai đoạn mới./.

MINH ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/dong-nai-giai-bai-toan-an-cu-cho-hang-nghin-can-bo-sau-sap-nhap-tinh-40127.html
Zalo