Nhân lên, lan tỏa điển hình học tập và làm theo Bác Hồ
Tôn vinh, nhân lên, lan tỏa, rút ra bài học quý về sự kiên định, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, mang lại hiệu quả thiết thực của những tấm gương điển hình, mô hình hay là mục đích của Chương trình giao lưu các điển hình tiêu biểu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực phía bắc được Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 3/10 tại Thái Nguyên.
Phát biểu ý kiến tại Chương trình, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, khẳng định giá trị trường tồn, mang tính thời đại, kim chỉ nam của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Kiên định đổi mới, sáng tạo làm theo Bác; dám nghĩ, dám làm, tự chủ, tự lực, tự tin, tự cường, tự tôn, tự hào dân tộc sẽ đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đồng chí ghi nhận, biểu dương 33 mô hình hay, các tấm gương điển hình học tập, làm theo Bác Hồ hiệu quả, bình dị, cao quý các lĩnh vực, nhiều ngành, địa bàn khác nhau, có sức lan tỏa lớn, góp phần xây dựng con người mới, thể hiện tinh thần kiên định đổi mới, sáng tạo, đương đầu với khó khăn và có hiệu quả, có sức lan tỏa mạnh mẽ, là hạt nhân dẫn dắt việc học tập và làm theo Bác trở thành nhu cầu tự thân của mọi người, tạo phong trào thi đua sôi nổi trong xã hội.
Phát huy cao nhất kết quả đã đạt được trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn 40 năm đổi mới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các ngành, toàn xã hội tiếp tục quán triệt, thấm nhuần những nguyên lý, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nền tảng tinh thần, kim chỉ nam cho sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng văn hóa trong Đảng.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ là chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên; là cơ sở, thế giới quan, phương pháp luận để xác định, triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần khơi dậy, phát huy nguồn lực văn hóa, con người, tạo động lực mới để phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, tiếp tục học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ trong mỗi cán bộ, đảng viên, trong toàn xã hội, trong mỗi việc làm, trong chính sách nhằm tạo đột phá trong học tập, làm theo Bác; kiên quyết ngăn chặn, đầy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo trong phong trào học tập, làm theo Bác; tổng kết, tuyên truyền nhân rộng các điển hình, cách làm hay có hiệu quả, sức lan tỏa sâu rộng; khơi dậy, phát huy tinh thần sáng tạo, đổi mới, tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc; mỗi cá nhân là những tấm gương dám nghĩ, dám làm trong thời kỳ mới.
Với sự kiên định trong học tập, làm theo Bác, các đại biểu dự chương trình và qua truyền hình xúc động được nghe ông Lý Văn Hềnh, 75 tuổi, dân tộc Dao ở tỉnh Hòa Bình đã kiên trì bảo tồn văn hóa dân tộc, dạy chữ Đạo cho người dân, con cháu với mong muốn chữ Dao sẽ trường tồn.
Cảm phục trước sự kiên trì của bà Đào Thanh Hảo, vốn chỉ là một nông dân ở xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, đã trong nhiều năm tích tụ, cải tạo đất đai, quy tụ bà con và trở thành Giám đốc khi thành lập Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, trồng 50 ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, sản xuất xanh, đưa Hảo Đạt trở thành một trong những hợp tác xã chè lớn nhất tỉnh Thái Nguyên.
Với quan niệm cho đi là còn mãi, chị Lê Thị Thu Thủy ở thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình đã kiên trì, bền bỉ, dám vượt qua thách thức truyền thống vận động cả gia đình, thông gia và hàng trăm người hiến tạng, giác mạc khi qua đời.
Những người trẻ ở xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội đã dầy công nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về di tích, rồi số hóa để thuận tiện lan tỏa đến toàn xã hội.
Nhiều tấm gương, mô hình được kể về phá dỡ cổng, hàng rào, hiến đất ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, có gia đình hiến đất với giá trị lên đến 4 tỷ đồng để mở rộng đường giao thông; hay hiến hàng nghìn m2 đất để làm nghĩa trang ở xã Lê Lợi, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương có sức lan tỏa lớn.
Qua những tấm gương, mô hình tiêu biểu học tập, làm theo Bác ở mọi cấp, ngành, địa bàn cho thấy những đó là những người dù bình dị, nhưng dám nghĩ, dám làm, kiên trì học tập, làm theo Bác nên có hiệu quả, lan tỏa, thuyết phục trong xã hội; có những việc rất khó, nhưng người dân lo liệu cũng xong.
Ở tỉnh Thái Nguyên, sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị khóa XIII, đã có gần 4.000 mô hình hay, cách làm sáng tạo về học tập, làm theo Bác và hơn 2.200 tập thể, cá nhân được các cấp biểu dương, khen thưởng. Mỗi mô hình, tập thể, cá nhân tiêu biểu chính là minh chứng sống động, sự khẳng định thuyết phục cho tính hiệu quả của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh.
Với khát vọng và quyết tâm hiện thực hóa mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi thăm Thái Nguyên cách đây 60 năm là “làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền bắc nước ta”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực vươn lên, đến nay quy mô GRDP của tỉnh đạt hơn 152 nghìn tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 113 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3%, tự cân đối thu-chi và có điều tiết về ngân sách trung ương. Qua đó cho thấy, việc học tập và làm theo Bác Hồ góp phần làm nên những thành quả ở Thái Nguyên.