Nhận định chứng khoán 21-25/4: VN-Index sẽ có diễn biến giằng co trong biên độ hẹp
VN-Index nhiều khả năng sẽ có diễn biến giằng co biên độ hẹp với các nhịp tăng giảm đan xen trong tuần 21-25/4. Thị trường sẽ thiết lập vùng dao động tích lũy ngắn hạn từ 1.165-1.185 đến 1.245-1.255 điểm.
► Một số cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/4
Áp lực chốt lời có thể khiến VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.180 điểm
Sau khi trải qua tuần giao dịch nhiều cung bậc cảm xúc với biên độ 148 điểm thì thị trường bắt đầu có động thái cân bằng về mặt tâm lý. Những tác động từ tin tức thuế quan của Tổng thống Trump dịu đi giúp thị trường khởi đầu tuần mới khá tích cực, nhưng áp lực bán lại nhanh chóng xuất hiện trong 2 phiên kế tiếp khiến VN-Index về vùng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm. Tại vùng này lực cầu có xu hướng gia tăng giúp VN-Index hồi phục khá tốt, song nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM sụt giảm mạnh trong phiên cuối tuần đã đánh mất một phần lớn những nổ lực tăng điểm của thị trường chung.
Trên biểu đồ tuần, VN-Index kết phiên tuần với cây nến rút chân, tuy nhiên, giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa, thanh khoản xấp xỉ tuần trước và cao hơn 39% so với khối lượng giao dịch trung bình 20 tuần cho thấy áp lực chốt lời vẫn hiện hữu. Đóng cửa tuần giao dịch 14/4 - 18/4, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.219,12 điểm, giảm 3.34 điểm (-0,27%).

Đóng cửa tuần giao dịch 14/4 - 18/4, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.219,12 điểm
Thanh khoản khớp lệnh bình quân tuần qua gần như đi ngang so với tuần giao dịch trước đó và vượt 39% so với mức bình quân 20 tuần. Lũy kế cả tuần giao dịch, thanh khoản bình quân trên sàn HSX đạt 903,73 triệu cổ phiếu (-21,5%), tương đương giá trị giao dịch ở mức 22.190,53 tỷ đồng (-13,06%).
Thị trường giao dịch cân bằng với 11 ngành tăng điểm so với 10 ngành giảm điểm. Tuy nhiên, mức độ biến động lớn của từng ngành cho thấy sự phân hóa rõ rệt sau khi thị trường tìm kiếm trạng thái mới. Phân bón (+5.86%), Cảng biển (+4,98%) và Bán lẻ (+4,47%) là ba ngành ghi nhận mức tăng tốt nhất. Ở chiều ngược lại, Bất động sản Khu công nghiệp (-6,07%), Công nghệ viễn thông (-4,33%) và Thủy sản (-3,67%) là ba nhóm ngành sụt giảm mạnh nhất.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Kiến Thiết (CSI), VN-Index giữ được sắc xanh phiên thứ 2 liên tiếp, song áp đà tăng bị chững lại đáng kể về cuối phiên trong bối cảnh thanh khoản gia tăng và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sụt giảm mạnh (MWG, VJC, VHM, VIC). Khối lượng khớp lệnh phiên cuối tuần cao nhất so với 4 phiên trước đó và vượt (+9,9%) so với bình quân 20 phiên. Xét trên biểu đồ tuần, VN-Index đóng cửa giảm nhẹ (-0,27%) sau khi tiếp cận mốc 1.245 điểm cho thấy áp lực chốt lời có xu hướng gia tăng và không loại trừ khả năng sẽ tiếp diễn trong các phiên của tuần này (21-25/4).
“Áp lực chốt lời có thể khiến VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.180 điểm rồi mới tiếp tục quay lại xu hướng hồi phục, hướng tới ngưỡng kháng cự mạnh 1.270 – 1.300 điểm – mốc điểm cân bằng trước khi thông tin mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam được công bố. Vì vậy, vị thế mua mới cũng như gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu nhà đầu tư cần kiên nhẫn chờ đợi VN-Index test vùng hỗ trợ 1.180 điểm mới kích hoạt”, chuyên gia của CSI nhận định.
VN-Index sẽ có diễn biến giằng co biên độ hẹp với các nhịp tăng giảm đan xen
Còn theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, thị trường đang dần hình thành vùng cân bằng cung cầu tại 1.200-1.250 điểm sau giai đoạn biến động giá mạnh thời gian qua. Bước sang nửa cuối tháng 4, thị trường sẽ chuyển dịch sự quan tâm sang bức tranh kết quả kinh doanh (KQKD) quý 1. Trong bối cảnh thị trường đã về vùng “định giá rẻ”, những thông tin tích cực về KQKD có thể là chất xúc tác giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư cũng như mặt bằng định giá cổ phiếu. Những doanh nghiệp dự kiến có kết quả tích cực sẽ thu hút được dòng tiền của thị trường.

VN-Index sẽ có diễn biến giằng co biên độ hẹp với các nhịp tăng giảm đan xen (Ảnh minh họa: KT)
“Về chiến lược giao dịch, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp tích lũy của thị trường để cơ cấu lại danh mục đầu tư, xem xét gia tỷ trọng cổ phiếu trong những nhịp điều chỉnh của thị trường về vùng hỗ trợ quanh 1.200 điểm, ưu tiên cổ phiếu cơ bản trong những ngành có triển vọng KQKD quý 1 tích cực như ngân hàng, bán lẻ, chăn nuôi, thủy sản và điện. Tuy vậy, việc sử dụng đòn bẩy vẫn chưa được khuyến khích trong giai đoạn hiện nay khi rủi ro thuế quan vẫn hiện hữu và thị trường chưa xác lập lại xu hướng tăng bền vững”, chuyên gia của VNDIRECT lưu ý.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Báo Việt (BVSC) nhận định, VN-Index nhiều khả năng sẽ có diễn biến giằng co biên độ hẹp với các nhịp tăng giảm đan xen trong tuần ngày 21-25/4. Thị trường sẽ thiết lập vùng dao động tích lũy ngắn hạn từ 1.165-1.185 đến 1.245-1.255 điểm. Diễn biến thị trường hiện tại có thể không biến động quá mạnh về mặt điểm số nhưng các nhóm cổ phiếu sẽ tiếp tục phân hóa mạnh theo KQKD quý 1 và các thông tin trong kỳ ĐHCĐ của các doanh nghiệp niêm yết.
“Đây là giai đoạn phù hợp để các nhà đầu tư thực hiện tái cơ cấu các cổ phiếu trong danh mục khi triển vọng nhiều nhóm ngành và cổ phiếu đã có sự thay đổi theo bối cảnh mới. Đối với các hoạt động trading T+, nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế khi thị trường xuất hiện rung lắc, điều chỉnh trong phiên”, chuyên gia của BVSC khuyến nghị.