Kết quả kinh doanh quý I hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư chứng khoán
Thị trường chứng khoán dần cân bằng trở lại sau giai đoạn chịu áp lực bán mạnh. Những thông tin kết quả kinh doanh quý I đã và sẽ tiếp tục công bố đang hỗ trợ tích cực hơn đến tâm lý nhà đầu tư.
*Thị trường về vùng “định giá rẻ”
Theo Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), kỳ vọng sẽ có thông tin về đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc cũng hỗ trợ tâm lý thị trường.
Trong ngắn hạn, tính trên toàn thị trường hơn 1.600 mã thì mức P/E (chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu với thu nhập trên một cổ phiếu) hiện tại là khoảng 12,4 lần, mức P/B (chỉ số dùng để so sánh giá của một cố phiếu với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó) khoảng 1,55 lần. Rất nhiều mã, nhóm mã sau giai đoạn bán tháo có mức P/B khá thấp.
SHS cho rằng, nhiều mã vẫn tương đối hấp dẫn so với yếu tố nội tại của doanh nghiệp và triển vọng tăng trưởng dài hạn, phù hợp các vị thế tỷ trọng thấp tích lũy, hoặc xem xét mua lướt ngắn hạn hạ giá vốn đầu tư. Nhà đầu tư vẫn ưu tiên quản trị rủi ro trong bối cảnh mới hiện nay đối với các trường hợp tỷ trọng cao, chưa kịp thời cơ cấu danh mục khi thị trường giảm mạnh.
“Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã có nền tảng cơ bản tốt, đầu ngành trong các ngành chiến lược, tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế”, SHS khuyến nghị

Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán tại Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS). Ảnh: TTXVN
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), thị trường dần tìm được vùng cân bằng, nhà đầu tư xem xét gia tăng tỷ trọng đón sóng kết quả kinh doanh quý I.
Sau khi tăng mạnh vượt mốc 1.240 điểm trong phiên đầu tuần, chỉ số VN-Index chứng kiến áp lực bán gia tăng trong 2 phiên sau đó trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Chỉ số VN-Index có thời điểm về sát mức hỗ trợ 1.200 điểm trước khi lực cầu bắt đáy xuất hiện giúp chỉ số phục hồi trong 2 phiên cuối tuần.
Chốt tuần, chỉ số VN-Index chạm mức 1.219 điểm, giảm nhẹ hơn 3 điểm so với cuối tuần trước đó. Việc thị trường điều chỉnh sau khi chạm vùng kháng cự 1.240 điểm là lành mạnh để hấp thụ một phần lượng hàng bắt đáy giá rẻ. Thị trường đang dần hình thành vùng cân bằng cung cầu tại 1.200-1.250 điểm sau giai đoạn biến động giá mạnh thời gian qua.
Bước sang nửa cuối tháng 4, thị trường sẽ chuyển dịch sự quan tâm sang bức tranh kết quả kinh doanh quý I. Trong bối cảnh thị trường đã về vùng “định giá rẻ”, những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh có thể là “chất xúc tác” giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư cũng như mặt bằng định giá cổ phiếu.
Những doanh nghiệp dự kiến có kết quả tích cực sẽ thu hút được dòng tiền của thị trường. Với số liệu tăng trưởng tín dụng khởi sắc gần đây cùng với xu hướng hạ nhiệt của mặt bằng lãi suất đầu vào, ngành ngân hàng dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong quý 1 năm nay.
Cùng đó, tăng trưởng của ngành tiêu dùng-bán lẻ được kỳ vọng sẽ bắt đầu bứt tốc khi sức mua trong nước có dấu hiệu cải thiện rõ nét nhờ thu nhập người dân cải thiện và hưởng lợi từ chính sách kích cầu của Chính phủ. Các ngành được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan khác bao gồm chăn nuôi, thủy sản và điện.
Về chiến lược giao dịch, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp tích lũy của thị trường để cơ cấu lại danh mục đầu tư, xem xét gia tỷ trọng cổ phiếu trong những nhịp điều chỉnh của thị trường về vùng hỗ trợ quanh 1.200 điểm, ưu tiên cổ phiếu cơ bản trong những ngành có triển vọng kết quả kinh doanh quý I tích cực như ngân hàng, bán lẻ, chăn nuôi, thủy sản và điện.
Tuy vậy, việc sử dụng đòn bẩy vẫn chưa được khuyến khích trong giai đoạn hiện nay khi rủi ro thuế quan vẫn hiện hữu và thị trường chưa xác lập lại xu hướng tăng bền vững, VNDIRECT khuyến nghị.
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) nhìn nhận, sau khi trải qua tuần giao dịch nhiều cung bậc cảm xúc với biên độ 148 điểm, thị trường bắt đầu có động thái cân bằng về mặt tâm lý. Những tác động từ tin tức thuế quan của tổng thống Trump dịu đi giúp thị trường khởi đầu tuần mới khá tích cực, nhưng áp lực bán lại nhanh chóng xuất hiện trong 2 phiên kế tiếp khiến VN-Index về vùng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm.
Tại vùng này lực cầu có xu hướng gia tăng giúp VN-Index hồi phục khá tốt, song nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM sụt giảm mạnh trong phiên cuối tuần đã đánh mất một phần lớn những nỗ lực tăng điểm của thị trường chung.
Thanh khoản khớp lệnh bình quân tuần qua gần như đi ngang so với tuần giao dịch trước đó, vượt 39% so với mức bình quân 20 tuần. Lũy kế cả tuần giao dịch, thanh khoản bình quân trên sàn HOSE đạt 903,73 triệu cổ phiếu (giảm 21,5%), tương đương giá trị giao dịch ở mức 22.190,53 tỷ đồng (giảm 13,06%).
Thị trường giao dịch cân bằng với 11 ngành tăng điểm so với 10 ngành giảm điểm. Tuy nhiên mức độ biến động lớn của từng ngành cho thấy sự phân hóa rõ rệt sau khi thị trường tìm kiếm trạng thái mới. Cổ phiếu phân bón tăng 5,86%, cảng biển tăng 4,98% và bán lẻ tăng 4,47% là ba ngành ghi nhận mức tăng tốt nhất.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp (giảm 6,07%), công nghệ viễn thông giảm 4,33% và thủy sản giảm 3,67% là ba nhóm ngành sụt giảm mạnh nhất.
Khối ngoại tăng mạnh bán ròng với tổng giá trị bán ròng đạt 4.809 tỷ đồng trên sàn HOSE; trong đó, ghi nhận giá trị bán ròng mã cổ phiếu VIC đạt 4.361 tỷ đồng, HCM đạt 372 tỷ đồng và FPT đạt 344 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, khối ngoại tập trung mua ròng các mã cổ phiếu vốn hóa lớn như: HPG (535 tỷ đồng), MWG (378 tỷ đồng) và ACB (302 tỷ đồng).
CSI cho rằng, VN-Index giữ được sắc xanh phiên thứ 2 liên tiếp, song áp đà tăng bị chững lại đáng kể trong cuối phiên cuối tuần qua (18/4), giữa bối cảnh thanh khoản gia tăng và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sụt giảm mạnh (MWG, VJC, VHM, VIC).
Khối lượng khớp lệnh phiên cuối tuần cao nhất so với 4 phiên trước đó và vượt 9,9% so với bình quân 20 phiên.
Xét trên biểu đồ tuần, VN-Index đóng cửa giảm nhẹ 0,27%, sau khi tiếp cận mốc 1.245 điểm cho thấy áp lực chốt lời có xu hướng gia tăng và không loại trừ khả năng sẽ tiếp diễn trong các phiên của tuần tới.
CSI dự báo áp lực chốt lời có thể khiến VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.180 điểm rồi mới tiếp tục quay lại xu hướng hồi phục, hướng tới ngưỡng kháng cự mạnh 1.270 - 1.300 điểm - mốc điểm cân bằng trước khi thông tin mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ áp lên hàng hóa Việt Nam được công bố.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đang cân bằng trở lại, trong bối cảnh giao dịch cổ phiếu tại các thị trường chứng khoán trên thế giới chịu ảnh hưởng từ thông tin các cuộc đàm phán thuế quan giữa nhiều quốc gia với Mỹ.
* Nhà đầu tư theo dõi sát các cuộc đàm phán thuế quan
Trong phiên giao dịch thưa thớt ngày 18/4, các thị trường châu Á biến động trái chiều, khi giới đầu tư đang theo dõi sát sao các cuộc đàm phán thuế quan giữa nhiều quốc gia với Mỹ.
Khép lại phiên này, thị trường chứng khoán Tokyo dẫn đầu đà tăng, với chỉ số Nikkei 225 ở Tokyo tăng 1,03% lên 34.730,28 điểm, ngay cả khi dữ liệu cho thấy lạm phát của Nhật Bản đã tăng tốc vào tháng trước do giá gạo tăng hơn gấp đôi. Các thị trường Seoul và Đài Bắc cũng tăng điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite ở Thượng Hải giảm 0,11% xuống 3.276,73 điểm.
Nhiều nước đang lần lượt đàm phán với Mỹ nhằm tìm cách giảm bớt các mức thuế đối ứng mà nước này áp đặt.

Các thị trường châu Á biến động trái chiều, khi giới đầu tư đang theo dõi sát sao các cuộc đàm phán thuế quan giữa nhiều quốc gia với Mỹ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Những hy vọng rằng Mỹ có thể rút lại hầu hết các biện pháp thuế quan với các đối tác thương mại đã phần nào xoa dịu tâm lý lo ngại của thị trường sau những biến động mạnh hồi đầu tháng. Tuy nhiên, xu hướng thay đổi chính sách của Tổng thống Trump vẫn khiến các nhà đầu tư “đứng ngồi không yên”.
Tổng thống Trump ngày 17/4 đã phát đi một tín hiệu tích cực khi nói rằng ông không muốn tiếp tục tăng thuế đối với Trung Quốc vì điều đó có thể làm đình trệ thương mại giữa hai siêu cường kinh tế. Phát biểu này của ông Trump được đưa ra sau khi Bloomberg đưa tin rằng Trung Quốc có thể sẵn sàng đối thoại.
Tuy nhiên, Mỹ ngày 17/4 đã công bố mức phí cảng mới đối với các tàu do Trung Quốc đóng và vận hành, trong nỗ lực nhằm thúc đẩy ngành đóng tàu trong nước.
Giới đầu tư cũng đang theo dõi diễn biến tại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sau khi Tổng thống Trump chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell vì không hạ lãi suất như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã làm.
Chuyên gia Michael Hewson tại MCH Market Insights cho biết, Tổng thống Trump đang gia tăng áp lực buộc Fed phải nhanh chóng cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, chính sách của ông Trump lại là nguyên nhân khiến Fed tạm dừng, khi ông Powell cảnh báo rằng thuế quan đang làm phức tạp công việc của Fed.
Ông Hewson cho biết lạm phát của Mỹ đang cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của Fed, và chính sách thuế quan của ông Trump đã gây ra nhiều tác động kinh tế tiêu cực, khiến niềm tin tiêu dùng và kinh doanh sụt giảm.