Nhận diện tin giả
Mỗi cú click chuột trong thời đại số đều có thể tạo ra hệ lụy. Mỗi người cần bình tĩnh, tỉnh táo và kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ.
Nỗi oan trứng gà giả
Từ đầu tháng 5, mạng xã hội lan truyền dày đặc hình ảnh, video về “trứng gà giả”, kéo theo làn sóng hoang mang trong dư luận. Từ thế giới ảo, nỗi nghi ngờ lan nhanh vào đời thực. Tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội, nhiều người tiêu dùng trở nên dè dặt, thậm chí hạn chế dùng trứng trong bữa ăn hằng ngày.
Chị Trần Thị Thắm (Ba Vì) cho biết: "Trên mạng xã hội họ nói về trứng giả như vậy nên mỗi hôm tôi ăn cá, thịt, còn trứng thì ăn bớt đi".
Những thông tin sai sự thật về “trứng gà giả” không chỉ gây hoang mang trong dư luận, mà còn giáng đòn mạnh vào ngành chăn nuôi. Tại huyện Quốc Oai, giá trứng gà đã giảm tới 20-30% so với cuối tháng 4. Nhiều hộ và trang trại nuôi gà đẻ đang lâm vào cảnh thua lỗ, điêu đứng - chỉ vì tin đồn lan truyền nhanh hơn cả thực tế khi chưa được kiểm chứng.
Anh Đỗ Ngọc Chiến (Quốc Oai) cho hay: "Sau khi có một số thông tin liên quan đến trứng giả, các hộ chăn nuôi chúng tôi thiệt thòi rất nhiều vì giá trứng giảm xuống dưới giá sản xuất. Nhiều khi chăn nuôi rất lo lắng vì giá thấp quá. Các chủ trại như chúng tôi đang phải bù lỗ để nuôi gà".
Ông Trần Sỹ Tiến - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y - Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Hà Nội cho rằng: "Thông tin trứng giả trên mạng xã hội đương nhiên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người chăn nuôi. Lúc trước, giá trứng trên dưới 2.000 đồng/quả, người chăn nuôi có lãi. Nhưng khi có hiện tượng trứng giả trên mạng xã hội, người chăn nuôi bị lỗ rất nặng. Hiện nay giá trứng trên địa bàn chỉ còn từ 1.200-1.300 đồng/quả".
Đến thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng khoa học nào về việc có thể sản xuất trứng gà giả có hình dạng và đặc điểm giống hệt trứng gà tự nhiên. Các cơ quan chức năng và chuyên gia cũng chưa ghi nhận bất kỳ vụ bắt giữ hay phát hiện nào về trứng giả.
Không đứng ngoài cuộc, ngành chăn nuôi Hà Nội đang nỗ lực củng cố niềm tin thị trường bằng thực tiễn sản xuất minh bạch. Nhiều trang trại, doanh nghiệp đã chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi theo chuỗi khép kín, theo hướng sinh học - kiểm soát nghiêm ngặt từ con giống, thức ăn đến thu hoạch và phân phối.
"Đối với chức năng quản lý Nhà nước, chúng tôi vẫn định hướng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo định hướng quy hoạch của Kế hoạch 4537 và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo định hướng phát triển con giống là chính, đảm bảo vệ sinh môi trường và phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, với mong muốn để người chăn nuôi ổn định, đảm bảo, có lãi".
Theo đại diện chi cục, đây không chỉ là giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm, mà còn là lời khẳng định: trứng sạch, chất lượng là kết quả của một quy trình sản xuất nghiêm túc và khoa học - chứ không thể “giả” như những thông tin thất thiệt đang lan truyền.
Nỗi oan sầu riêng “nhúng thuốc"
"Nhúng thuốc” là kỹ thuật thông thường dành cho sầu riêng sau thu hoạch, thế nhưng qua đồn thổi, hình ảnh đưa lên mạng xã hội lại trở thành hành vi “tẩm hóa chất độc hại”, đầu độc người tiêu dùng.
Bên cạnh các loại hoa quả nhập khẩu của chị Hà, sầu riêng RI 6 là mặt hàng “cứu tinh” cửa hàng của chị khỏi tình trạng ế ẩm, thua lỗ trong những tháng không có ngày lễ. Bắt đầu vào vụ sầu, mỗi ngày tại cửa hàng tiêu thụ từ 1-2 tạ sầu. Tin giả về “sầu nhúng thuốc” đã ít nhiều ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh.
Chị Đỗ Thị Thu Hà, chủ cửa hàng Đỗ Hà Fruit cho biết: "Sầu riêng là một trong những sản phẩm tiêu thụ rất chạy, có thể là best seller của mùa hè, cứu shop kinh doanh hoa quả nhập khẩu vào những tháng không có ngày lễ. Thị trường có tin giả làm ảnh hưởng rất nhiều. Bán trực tiếp có thể khách hàng sẽ tin vì chúng tôi có cửa hàng, nhưng khi bán online chúng tôi cũng gặp khó khăn rất nhiều".
Cửa hàng của anh Hiếu cũng phân phối sầu riêng lên tới hàng chục tạ mỗi ngày cho các cửa hàng nhỏ lẻ. Những chuyến sầu được anh thu mua tại vườn vận chuyển ra Hà Nội cùng tâm thế lan tỏa đặc sản vùng miền, đem những trái sầu chín cây từ vườn đến tay người tiêu dùng. Lớn lên cùng cây sầu và hiểu được sự vất vả trong việc chăm loại cây đỏng đảnh này, tin giả về "sầu nhúng thuốc" khiến anh thường xuyên phải trấn an và giải thích cho khách lẻ, khách sỉ.
Anh Ngô Trần Hiếu, chủ cửa hàng vựa sầu riêng sạch HP Hà Nội bức xúc: "Tin giả khiến tôi thiệt hại nhiều về sản lượng tiêu thụ. Mỗi ngày đi hàng cả chục tạ bỗng sụt xuống còn 5-6 tạ, ảnh hưởng đến cả những bà con nông dân tại vườn nữa".
Cụm từ “nhúng thuốc” sầu riêng đã vô tình châm ngòi cho một chuỗi hiểu lầm tai hại. Dư luận, đặc biệt là trên không gian mạng xã hội, đã nhanh chóng gán ghép khâu xử lý sau thu hoạch này với hành vi “tẩm hóa chất độc hại”, thậm chí quy chụp nông dân là "đầu độc" người tiêu dùng.
Tin giả - nỗi sợ thật
Theo các chuyên gia, không phải ngẫu nhiên mà những tin giả, tin thất thiệt thường có tốc độ lan truyền mạnh hơn cả thông tin chính thống. Vì vậy, người tiêu dùng cần tỉnh táo và bình tĩnh khi tiếp nhận thông tin.
Ông Ngô Văn Phúc - Chủ tịch Cộng đồng doanh nhân bài bản SBC Việt Nam cho rằng: "Công nghệ thông tin có nhiều mặt trái. Những thông tin không kiểm chứng là do người cung cấp thông tin nhằm mục đích trục lợi cá nhân, vì vậy họ đưa các từ ngữ thu hút. Với người tiêu dùng, ngoài khả năng kiểm chứng, cần có những kinh nghiệm và sự trao đổi lẫn nhau trong hệ thống người tiêu dùng. Để nếu chăng có dính phải hàng giả thì có thể thông báo lẫn nhau và tác động ngược lại".
Chuyên gia tâm lý Ngô Tiến Luân nhận định: "Đầu tiên, chúng ta phải giữ bình tĩnh trước những tin đồn gây sốc, giật gân. Thứ hai, chúng ta không nên lan truyền thông tin này ngay lập tức mà cần phải kiểm chứng xem thông tin bắt nguồn từ đâu. Cần bình tĩnh, không nên hùa theo đám đông. Nếu có khả năng giải quyết được, chúng ta nên thảo luận với những người có chức trách để duyệt lại thông tin".
Câu chuyện “trứng giả” chỉ là một ví dụ nhỏ. Nhưng phía sau mỗi tin đồn là những hậu quả thật - ảnh hưởng tới người tiêu dùng, nhà sản xuất, và toàn xã hội. Trong thời đại số, mỗi cú click chuột đều có thể tạo ra hệ lụy. Bình tĩnh, tỉnh táo và kiểm chứng trước khi chia sẻ là cách để bảo vệ niềm tin, cũng là trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng.