Nhận diện thách thức với Israel khi 'Hezbollah không phải là Hamas'
Một mặt trận toàn diện nữa với nhóm vũ trang Hezbollah sẽ là một thách thức rất lớn với Israel khi nước này đã và đang phải căng mình với cuộc chiến với Hamas ở Gaza.
Sau gần một năm giao tranh với Phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas ở Gaza, Israel đang có xu hướng mở rộng hoạt động quân sự. Những ngày qua Israel gia tăng các hoạt động tấn công đối với nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon. Các hoạt động này bao gồm bí mật nhắm vào các thiết bị liên lạc và các chiến dịch ném bom, không kích, khiến hàng trăm người ở Lebanon thiệt mạng. Cao điểm là Israel đã không kích hạ lãnh đạo cấp cao Hezbollah - ông Hassan Nasrallah ngày 27-9, theo đài CNN.
"Hezbollah không phải là Hamas"
Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia cho rằng nếu Israel tham gia vào cuộc chiến toàn diện với nhóm vũ trang Hezbollah, nước này sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn nhiều so với trong cuộc chiến với Hamas.
"Hezbollah không phải là Hamas" – ông Yoel Guzansky, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) ở Tel Aviv (Israel), cảnh báo.
Ông Guzansky lưu ý rằng nhóm vũ trang Hezbollah là một thế lực lớn tại Lebanon, có năng lực quân sự mạnh hơn nhiều so với Hamas.
Theo CNN, nhóm vũ trang Hezbollah có quan hệ mật thiết Iran. Nhóm này cũng có quan hệ với nhiều bên trên khắp Trung Đông, bao gồm với các nhóm vũ trang ở Iraq và Yemen.
Các nhà phân tích quân sự ước tính nhóm vũ trang Hezbollah có từ 30.000 đến 50.000 thành viên. Tuy nhiên, đầu năm nay, lãnh đạo Hezbollah – ông Hassan Nasrallah từng tuyên bố nhóm có hơn 100.000 thành viên chính thức và quân dự bị. Nhóm này cũng được cho là sở hữu từ 120.000 đến 200.000 tên lửa và rocket.
Tài sản quân sự lớn nhất của Hezbollah là tên lửa đạn đạo tầm xa. Theo ước tính, nhóm này có hàng ngàn tên lửa như vậy, bao gồm 1.500 tên lửa có tầm bắn từ 250 đến 300 km.
Trong cuộc tấn công vào cuối tuần qua vào căn cứ không quân Ramat David của Israel, nhóm vũ trang Hezbollah cho biết họ đã dùng tên lửa Fadi 1 và Fadi 2. Đây được cho là lần đầu tiên Hezbollah sử dụng các vũ khí này. Theo CNN, căn cứ Ramat David cách biên giới Lebanon khoảng 48 km.
Ông Behnam Ben Taleblu – thành viên cấp cao tại tổ chức nghiên cứu quốc phòng FDD tại (Mỹ) – cho rằng: "Trọng lượng đầu đạn của những tên lửa này gợi nhớ đến Burkan IRAM (đạn dược hỗ trợ tên lửa cải tiến). Loại vũ khí này lần đầu tiên được Hezbollah đưa vào sử dụng vào mùa đông năm 2023 để tấn công Israel. Tuy nhiên, các tên lửa Fadi 1 và Fadi 2 có tầm bắn xa hơn đáng kể".
Các cuộc tấn công bằng những tên lửa của Hezbollah "có thể là cách nhóm này muốn giữ thể diện sau các tấn công của Israel nhằm các nhà lãnh đạo cấp cao của họ vào tuần trước", theo ông Ben Taleblu.
Lực lượng Israel đang bị kéo căng
Lực lượng quân sự của Israel là có giới hạn. Cuộc chiến ở Gaza và những nơi khác cũng đã gây tổn thất cho Lực lượng Phòng vệ Israel. Kể từ ngày 7-10-2023, 715 binh sĩ Israel đã thiệt mạng trong quá trình chiến đấu, bao gồm một số binh sĩ chiến đấu ở khu vực biên giới phía bắc Israel.
Khi bắt đầu cuộc chiến với Hamas, Lực lượng Phòng vệ Israel đã tuyển khoảng 295.000 quân dự bị để tăng cường nhân lực. Nhưng con số đó có vẻ như không đủ.
Trong bối cảnh tình hình biên giới Israel-Lebanon ngày càng nóng hơn, tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Israel – ông Yoav Gallant cho biết "trọng tâm đang dịch chuyển về phía bắc Israel" và "lực lượng, tài nguyên, năng lượng" của Israel đang được chuyển đến khu vực này.
Lực lượng Phòng vệ Israel đang chuyển một số sư đoàn chủ chốt của họ từ Gaza đến khu vực biên giới Israel-Lebanon.
Ông Guzansky cho rằng việc Israel chuyển hướng nguồn lực sang khu vực biên giới giáp Lebanon không có nghĩa là cuộc chiến ở Gaza đã kết thúc, mà chỉ là tình hình hiện tại khiến các nhà lãnh đạo Israel cảm thấy buộc phải giải quyết mặt trận giáp Lebanon.
Nhiều nhà phân tích và quan chức Israel cho rằng tình cảnh này khiến Lực lượng Phòng vệ Israel bị thiếu hụt binh lính. Chưa kể cuộc xung đột với Hamas đã khiến nhiều binh lính Israel cảm thấy căng thẳng khi họ không được nghỉ ngơi nhiều và phải chiến đấu liên tục.
"Khi bạn chiến đấu trên nhiều mặt trận, bạn không thể đầu tư quá nhiều vào mọi mặt trận. Vì vậy, đó sẽ là một tình huống chiến đấu khác so với trước đây" - bà Orna Mỉizahi, chuyên gia nghiên cứu về nhóm vũ trang Hezbollah tại INSS, nhận định.
Tác động đến kinh tế, xã hội Israel
Theo CNN, nền kinh tế Israel là một trong những nạn nhân của cuộc chiến ở Gaza.
Hàng ngàn doanh nghiệp đã phải chịu thiệt hại khi nhiều lao động được yêu cầu tham gia quân dự bị. Điều này góp phần đẩy nền kinh tế Israel rơi vào tình cảnh suy thoái ở mức đáng báo động.
“Điều này ảnh hưởng nền kinh tế Israel, xã hội Israel” – ông Guzansky cho biết. Ông cũng dự đoán rằng những tác động này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới.
Nền kinh tế Israel đang phải đối mặt tình trạng giảm tăng trưởng sâu nhất trong nhiều năm qua.
Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế Israel đã suy giảm 4,1% trong những tháng đầu của cuộc chiến và tiếp tục suy thoái trong suốt quý đầu tiên và quý thứ hai của năm 2024. Trong khi đó, ông Amir Yaron – thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel – cũng cảnh báo rằng cuộc chiến khả năng sẽ khiến Israel thiệt hại tới 253 tỉ shekel Israel (67 tỉ USD) trong giai đoạn 2023-2025.
Nếu Israel tiến hành cuộc chiến toàn diện với Hezbollah, nền kinh tế nước này có thể phải đối mặt nhiều tác động hơn nữa.
Đa phần dân Israel không muốn chiến tranh với Hezbollah
Bên trong Israel, ngày càng nhiều người người dân mong muốn chính phủ thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin.
Nếu cuộc chiến toàn diện giữa Israel và Hezbollah nổ ra, sự ủng hộ dành cho chính phủ Israel từ cả trong và ngoài nước này có thể sẽ giảm thêm.
Một cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu Dân chủ Israel công bố vào tháng 7 cho thấy 42% người Israel cho rằng Israel nên theo đuổi một thỏa thuận ngoại giao với Hezbollah để ngăn chặn cuộc xung đột toàn diện.
Song cũng tới 38% người được hỏi cho rằng Israel nên cố gắng giành chiến thắng quân sự trước Hezbollah, ngay cả khi phải chịu những tổn thất nặng nề trong nước.